Nguồn lực mở cơ đồ đất Việt
Để tài nguyên "mặt tiền Biển Đông" thực sự trở thành nguồn lực phát triển đất nước, cần phải có những động lực từ bàn tay, khối óc và ý chí mạnh mẽ của con người thông qua những tầm nhìn và khả năng dẫn dắt của giới tinh hoa và lãnh đạo xã hội trong thời đại công nghệ ứng dụng đang phát triển ngày nay.
Cảng biển quốc tế lớn nhất Việt Nam - Lạch Huyện ( Hải Phòng) |
Việt Nam là một quốc gia đất hẹp người đông nhưng cũng là đất nước có tiềm năng tài nguyên kinh tế biển đặc biệt nằm bên bờ Tây của Biển Đông, có vị trí địa chính trị và địa kinh tế không phải quốc gia nào cũng có. Việt Nam có bờ biển dài trên 3.260 km trải dài từ Bắc xuống Nam và cứ 100 km2 đất liền có 1 km bờ biển. Trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước thì 28 tỉnh, thành phố có biển và gần một nửa dân số sinh sống tại các tỉnh, thành phố ven biển. Đáng chú ý là vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam chiếm diện tích khoảng 1.000.000 km² Biển Đông (gấp 3 lần diện tích đất liền) với khoảng 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ và 2 quần đảo xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa, phân bố khá đều theo chiều dài của bờ biển đất nước, như một tuyến phòng thủ tiền tiêu bảo vệ sườn phía Đông của đất nước.
Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt, sông ngòi và biển đảo luôn gắn với quá trình xây dựng và phát triển đất nước, mở mang cơ đồ đất Việt. Hoạt động khai hoang, lấn biển đã được ông cha ta tiến hành rất sớm, từ thời nhà Trần (Trần Nhân Tông - 1248) đã diễn ra mạnh mẽ. Vào thế kỷ 15, nhà Lê đã khuyến khích các công trình khai hoang, lấn biển và nhờ đó lập ra nhiều làng mới ven biển các tỉnh Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình (ngày nay). Cách đây gần 200 năm, Nguyễn Công Trứ chiêu mộ dân nghèo đắp đê, bắt đầu cuộc chiến lấn biển, chinh phục bãi bồi ở vùng đất Kim Sơn (Ninh Bình). Đến thời nhà Nguyễn, khai hoang, lấn biển đã trở thành quốc sách, có ngạch quan "Doanh điền sứ" trông coi.
Bước vào thời kỳ đổi mới, nhiều dự án lấn biển đã và đang được thực hiện ở hầu hết các tỉnh, thành phố ven biển với quy mô khác nhau nhưng các dự án lấn biển có quy mô lớn tập trung tại tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Kiên Giang… Các dự án lấn biển đã có những đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội thời gian vừa qua, làm thay đổi bộ mặt đô thị và nông thôn ở khu vực ven biển, hải đảo. Đặc biệt nhất là cách đây vừa tròn 40 năm, vào năm 1982, dự án lấn biển Đồ Sơn (Hải Phòng) hoàn thành cũng như các dự án đào kênh và đường xuyên đảo Cát Hải, Cát Bà với tinh thần vươn ra biển "làm giàu, đánh thắng" của quân và dân Hải Phòng đã hình thành bộ mặt hoàn toàn mới của thành phố Cảng - cửa ngõ của cả vùng đồng bằng Bắc Bộ. Sự kiện này được nhà thơ Tố Hữu khắc họa trong câu thơ bất hủ: "… Đào kênh lấn biển mở cơ đồ…". Đó cũng chính là cơ sở chủ yếu đảm bảo không chỉ cho sự hình thành hai xã mới là Tân Thành và Hải Thành (quận Dương Kinh) mà còn thúc đẩy sự xây dựng và phát triển hiệu quả các dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN – cảng biển – phi thuế quan Nam Đình Vũ rộng 1.329 ha và cảng Lạch Huyện lớn nhất cả nước tại Hải Phòng.
Nguồn vốn to lớn chờ khai mở
Theo quan điểm của các nhà kinh tế, trong nền kinh tế thị trường, nguồn lực (vốn) là yếu tố then chốt đối với hoạt động của toàn bộ nền kinh tế, trong đó có thể phân biệt năm loại vốn cơ bản: Tài chính, tài nguyên, sản phẩm vật chất, con người và xã hội. Tất cả đều là nguồn lực có khả năng tạo ra dòng sản phẩm đầu ra để hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Vốn tài nguyên được tạo thành từ các nguồn tài nguyên và các dịch vụ hệ sinh thái của thế giới tự nhiên, trong đó, vị trí địa chính trị của đất nước là vốn tài nguyên quý giá. Chính vì vậy, Việt Nam hiện nay với vị trí quan trọng bên Biển Đông luôn là đối tác không thể thiếu trong các chương trình nghị sự của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, để tài nguyên "mặt tiền Biển Đông" thực sự trở thành nguồn lực phát triển đất nước, cần phải có những động lực từ bàn tay, khối óc và ý chí mạnh mẽ của con người thông qua những tầm nhìn và khả năng dẫn dắt của giới tinh hoa và lãnh đạo xã hội trong thời đại công nghệ ứng dụng đang phát triển ngày nay. Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khoá XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về "Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Theo đó, đến năm 2030, phát triển thành công, đột phá về các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên: (1) Du lịch và dịch vụ biển; (2) Kinh tế hàng hải; (3) Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; (4) Nuôi trồng và khai thác hải sản; (5) Công nghiệp ven biển; (6) Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, các cơ quan Trung ương và các địa phương có biển đã ban hành chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết. Kinh tế biển, các vùng biển, ven biển đang trở thành động lực phát triển của đất nước: Hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng biển được cải thiện rõ rệt… Kinh tế biển và ven biển đóng góp tỉ lệ lớn vào tổng sản phẩm quốc nội, là nguồn thu ngoại tệ mạnh phục vụ phát triển đất nước. Du lịch biển đảo mang lại 70% doanh thu cho ngành du lịch cả nước. Vận tải hàng hóa đường biển đạt 85,1 triệu tấn. Sản lượng khai thác quy dầu khí đạt 18,43 triệu tấn (khai thác dầu thô đạt 10,97 triệu tấn). Sản lượng thủy sản khai thác đạt 3.920 nghìn tấn; nuôi trồng đạt 4.805.800 tấn. Các khu công nghiệp, khu đô thị, các vùng biển với các cảng biển dựa trên hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, kết nối chiến lược Bắc - Nam, Đông - Tây giữa các vùng trong nước và với quốc tế.
Cả nước hiện có 18/19 khu kinh tế ven biển nằm trong quy hoạch đã được thành lập. Đã hình thành chuỗi đô thị biển với gần 600 đô thị, chiếm khoảng 8% số lượng đô thị cả nước với dân số khoảng 19 triệu người. Đồng thời, việc phát triển kinh tế biển có vai trò quan trọng trong tăng cường sức mạnh tổng hợp, thế và lực của quốc gia cũng như nâng cao "thế trận lòng dân" trên các vùng biển, đảo, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.
Mặc dù vậy, theo các nhà chiến lược kinh tế biển thì quy mô kinh tế biển còn khiêm tốn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý. Hệ thống các cơ sở nghiên cứu khoa học - công nghệ biển, đào tạo nguồn nhân lực cho kinh tế biển và các cơ sở quan trắc, dự báo, cảnh báo biển, thiên tai biển, các trung tâm tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn... ở ven biển còn nhỏ, trang bị thô sơ, năng lực còn yếu. Môi trường biển biến đổi theo chiều hướng xấu. Đa dạng sinh học biển và nguồn lợi thủy sản đang giảm sút nghiêm trọng, thiếu bền vững.
Những yếu kém xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có cả các nguyên nhân khách quan từ diễn biến cực đoan trong biến đổi khí hậu toàn cầu, song chủ yếu từ những nguyên nhân chủ quan. Cụ thể là: Quản trị biển theo không gian, quản lý tổng hợp vùng bờ biển, quy hoạch không gian biển còn chậm được áp dụng. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách phục vụ kết nối và phát triển bền vững kinh tế biển còn thiếu và chưa đồng bộ…
Làm gì để tài nguyên biển thành nguồn lực phát triển đất nước?
Chính vì vậy, để chiến lược kinh tế biển thực sự là động lực biến tài nguyên biển thành một trong năm nguồn lực vật chất cho xây dựng và phát triển nền kinh tế đất nước đang hướng tới tầm nhìn đến năm 2045, xin đề xuất bốn giải pháp trọng điểm:
Một là, cần bổ sung vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định về quản lý, sử dụng đất hình thành từ lấn biển, đặc biệt là dự án lấn biển không sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước đảm bảo hài hòa lợi ích của ba chủ thể kinh tế là Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Hơn nữa, phải gắn các nội dung này với tầm nhìn khu vực và quy hoạch quốc gia cũng như luật pháp quốc tế liên quan.
Hai là, có chính sách chủ động trong việc đưa ra các sáng kiến về kinh tế biển để hội nhập hiệu quả với các sáng kiến hội nhập kinh tế quốc tế của khu vực khi Biển Đông đang là mắt xích ngày càng quan trọng với các sáng kiến logistics quốc tế trong quá trình chuỗi cung ứng toàn cầu đang chuyển dịch nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm và dịch vụ của Việt Nam.
Ba là, cần liên kết việc phát triển kinh tế biển với trục cao tốc phía đông hướng tới việc xây dựng một mô hình liên kết kinh tế tiểu vùng, hình thành không gian phát triển mới, phát huy tối đa lợi thế của các địa phương, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, tăng trưởng kinh tế cao và có cộng đồng DN phát triển mạnh, tạo ra các cực tăng trưởng khu vực Bắc, Trung, Nam trên tinh thần CNH và HĐH góp phần lan tỏa hợp tác sang cả các quốc gia láng giềng như ASEAN, Lào, các tỉnh tây nam Trung Quốc…
Bốn là, phát triển kinh tế biển cần gắn liền việc đầu tư nghiên cứu, dự báo, đào tạo và phát triển công nghệ cũng như với chiến lược đối phó biến đổi khí hậu, chính sách bảo tồn đa dạng sinh học biển và các vấn đề xã hội học đảm bảo phát triển bền vững đất nước.
TS. Đoàn Duy Khương
Theo Báo Chính phủ