"Lịch sử" 17 năm thí điểm phân làn giao thông ở Hà Nội
17 năm qua, Hà Nội có nhiều đợt thí điểm phân làn giao thông theo loại phương tiện trên nhiều tuyến phố. Có thời điểm, dải phân cách cứng bị yêu cầu thay thế vì liên quan nhiều vụ tai nạn giao thông.
Người dân kỳ vọng dải phân cách cứng sẽ "giải cứu" đường Nguyễn Trãi |
Hà Nội sẽ cấm xe máy trên đường Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi? |
"Lược sử hành trình" phân làn giao thông ở Hà Nội: Năm 2005, thành phố thí điểm phân làn ở đường Kim Mã; năm 2008 ở trục đường Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân và năm 2009 ở đường Giải Phóng.
Để thực hiện phân làn, lực lượng chức năng đã kẻ vẽ lại các vạch sơn, ghi lại tên làn đường dành cho các phương tiện, lắp đặt thêm nhiều biển báo, băng rôn hướng dẫn người dân tham gia giao thông đúng làn.
Hình ảnh đường Đại Cồ Việt được phân làn bằng dải phân cách cứng vào tháng 9/2011 (Ảnh: Quang Phong). |
Tuy nhiên, mọi nỗ lực của ngành giao thông thành phố đều chưa phát huy hiệu quả. Trong khoảng thời gian thí điểm, trên các tuyến đường này, ô tô, xe máy, xe đạp… vẫn lưu thông rất lộn xộn.
Tháng 9/2011, dù có nhiều ý kiến đánh giá việc phân làn xe thất bại nhưng Hà Nội tiếp tục thực hiện giải pháp dựng dải phân cách cứng bằng bê tông tách làn phương tiện trên các tuyến phố: Xã Đàn - Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt; Giải Phóng; Bà Triệu; phố Huế - Hàng Bài.
Một tháng sau đó, UBND TP Hà Nội có công văn yêu cầu Sở Giao thông vận tải (GTVT) xây dựng phương án tổ chức phân làn lưu thông hợp lý cho từng loại phương tiện trên tất cả các tuyến phố, trình ủy ban trước ngày 15/10/2011.
Hình ảnh phố Huế được phân làn giao thông lại vào năm 2011 (Ảnh: Quang Phong). |
Đến tháng 9/2013, tại buổi tiếp xúc cử tri với Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, nhiều cử tri dẫn chứng trong vài năm vừa qua xuất hiện nhiều vụ tai nạn do… dải phân cách đặt "lửng lơ" giữa đường. Từ đó cử tri Hà Nội kiến nghị nên thay thế dải phân cách cứng bằng vạch sơn phản quang.
Thí điểm phân làn năm 2013. |
Theo tổng hợp của Sở GTVT thời điểm đó, sau gần một tháng phân làn (từ tháng 9 đến 10/2011), các tài xế đã "hạ gục", làm xoay lệch gần 200 cột biển báo cắm ở đầu dải phân cách.
Trước ý kiến của cử tri, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết đã nhiều lần nhắc Sở GTVT sớm đánh giá hiệu quả của dải phân cách cứng; nếu dải phân cách không hợp lý thì phải dỡ bỏ .
Hình ảnh xe ô tô nhãn hiệu Mercedes mắc kẹt trên dải phân cách cứng ở đường Giải Phóng, hồi tháng 8/2012 (Ảnh: Tiến Nguyên). |
Đến đầu năm 2015, Hà Nội đồng loạt dỡ dải phân làn "cưỡng bức" . Lý giải việc tháo dỡ phân làn "cưỡng bức" sau nhiều năm thực hiện với kinh phí 24 tỷ đồng, lãnh đạo Sở GTVT cho rằng do ý thức người tham gia giao thông đã "cải thiện" và việc dỡ bỏ không lãng phí vì nhiều vật dụng vẫn có thể sử dụng lại.
Đầu năm 2017, khi tuyến xe buýt nhanh BRT 01 đầu tiên của Hà Nội được đưa vào hoạt động, Sở GTVT Hà Nội đã lắp đặt một số dải phân cách cứng trên trục đường Giảng Võ, Lê Văn Lương để ngăn cách làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh với dòng phương tiện khác.
Ngày 6/8, Sở GTVT Hà Nội dựng dải phân cách cố định nhằm tách làn riêng trên tuyến đường Nguyễn Trãi (Ảnh: Quân Đỗ). |
Mới đây, ngày 6/8, Sở GTVT Hà Nội dựng dải phân cách cố định nhằm tách làn riêng cho các loại phương tiện trên tuyến đường Nguyễn Trãi (đoạn Ngã Tư Sở - Khuất Duy Tiến, thuộc địa bàn quận Thanh Xuân).
Qua ghi nhận thực tế trong những ngày qua, ngay sau khi áp dụng phân làn, có xảy ra tình trạng các phương tiện di chuyển lộn xộn, hỗn loạn. Thậm chí nhiều người tham gia giao thông do chưa biết vị trí lắp đặt dải phân cách cứng đã xảy ra va chạm. Sau khi có lực lượng chức năng túc trực hướng dẫn, phân luồng, tình trạng giao thông trên đường Nguyễn Trãi bước đầu đã có cải thiện.
Đa phần người dân khi được hỏi cũng bày tỏ sự đồng tình và kỳ vọng biện pháp này sẽ "giải cứu" giao thông đường Nguyễn Trãi. Tuy nhiên, chuyên gia giao thông đô thị - TS. Nguyễn Xuân Thủy lo ngại, giải pháp này nhiều bất cập, tính khả thi thấp và có nguy cơ "phá sản", đi vào "vết xe" của nhiều năm trước đó.
Theo Dân trí