Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 9/8/2022
(PetroTimes) - Đại diện Bộ Công Thương và Liên Hợp Quốc trao đổi về chuyển dịch năng lượng; Goldman Sachs hạ dự báo giá dầu; Các nước Nam Âu âm thầm tăng mua dầu Nga… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong và ngoài nước ngày 9/8/2022.
Số lô hàng dầu thô Nga đến các cảng ở Italia và Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lên mức cao trong nhiều tuần. Nguồn ảnh minh họa: RT |
Đại diện Bộ Công Thương và Liên Hợp Quốc trao đổi về chuyển dịch năng lượng
Ngày 9/8, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đã có buổi làm việc với ông Selwin Hart - Tư vấn đặc biệt và Trợ lý Tổng thư ký Liên Hợp Quốc. Hai bên đã trao đổi về vấn đề thực thi cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP 26) thông qua chuyển dịch năng lượng.
Trao đổi về vấn đề lộ trình giảm điện than, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết, định hướng phát triển của Chính phủ Việt Nam là bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng trong đó ưu tiên phát triển năng lượng sạch, bền vững. Đồng thời, khuyến khích và tạo điều kiện cho tất cả các thành phần kinh tế đặc biệt là khu vực tư nhân tham gia phát triển năng lượng.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Selwin Hart bày tỏ mong muốn Việt Nam tìm hiểu và tận dụng cơ chế Just Energy Partnership JETP của nhóm các nước G7 cam kết hỗ trợ 8,5 tỉ USD cho các nước khu vực châu Phi, châu Á và ETM (Energy Transition Mechanism) của ADB để có được sự hỗ trợ của quốc tế trong quá trình thực hiện chuyển dịch năng lượng.
Goldman Sachs hạ dự báo giá dầu
Goldman Sachs đã điều chỉnh giảm dự báo giá dầu Brent trong quý này xuống 110 USD/thùng, từ mức 140 USD/thùng. Ngân hàng này cũng đã điều chỉnh giảm giá dự báo dầu Brent quý IV xuống 125 USD/thùng từ 130 USD/thùng dự kiến trước đó. Tuy nhiên, dự báo năm 2023 được giữ nguyên ở mức 125 USD/thùng.
Goldman cho biết trong một ghi chú vào ngày 7/8, trong những tuần gần đây, giá dầu liên tục giảm do thanh khoản giao dịch thấp và nhiều lo lắng. Những lo lắng đó bao gồm lo ngại về suy thoái, việc giải phóng kho dự trữ dầu chiến lược SPR ở Mỹ, sự phục hồi trong khai thác dầu thô của Nga và các đợt phong tỏa liên quan đến Covid của Trung Quốc.
Các chiến lược gia của Goldman Sachs cho hay: "Chúng tôi tin rằng trường hợp giá dầu cao hơn vẫn còn mạnh mẽ, ngay cả khi giả định rằng tất cả những cú sốc tiêu cực này xảy ra, với thị trường tiếp tục thâm hụt lớn hơn mà chúng tôi dự kiến trong những tháng gần đây".
Nhà máy nhiệt điện lớn nhất Cuba ngừng hoạt động
Ngày 8/8, Liên minh Điện lực Cuba (UNE) thông báo nhà máy nhiệt điện lớn nhất Cuba đã ngừng hoạt động. Ước tính hệ thống điện Cuba thiệt hại khoảng 1.192 megawatt sau khi nhà máy ngừng hoạt động.
Đây chính là hệ lụy từ vụ cháy kho dầu lớn nhất Cuba tại khu công nghiệp Matanzas vào ngày 5/8, sau đó lan rộng ra nhiều khu vực vào ngày 8/8. Đến hiện tại, ngọn lửa đã lây lan sang tới thùng chứa dầu thứ 4 trong số 8 thùng ở kho chứa. Các lực lượng phòng cháy chữa cháy vẫn đang tập trung làm mát các bể chứa còn lại để ngăn chặn nguy cơ đám cháy lan rộng.
Vụ cháy đã kéo dài vài ngày qua, khiến ít nhất một người đã chết và 125 người bị thương cùng với khoảng 14 người khác đã được báo cáo mất tích kể từ thời điểm xảy ra đám cháy. Chính phủ đã thông báo về kế hoạch mất điện theo lịch trình ở thủ đô Havana.
Gazprom cung cấp khí đốt cho Latvia
Theo số liệu từ Mạng lưới các nhà vận hành hệ thống truyền dẫn khí đốt của châu Âu (Entsog) và công ty Conexus Baltic Grid, tập đoàn độc quyền khí đốt Nga Gazprom đã nối lại hoạt động cung cấp khí đốt cho Latvia từ ngày 5/8.
Theo dữ liệu trên hệ thống, khoảng 4 triệu m³ khí đốt đã được cung cấp cho Latvia thông qua trạm đo khí Luhamaa mỗi ngày, thực tế chỉ có khí đốt Nga mới có thể đi qua trạm này.
Trước đó, ngày 30/7, hoạt động cung cấp của Gazprom cho Latvia đã bị tạm dừng với lý do "vi phạm các điều kiện nhận khí đốt” do chối thanh toán khí đốt Nga bằng đồng ruble.
Các nước Nam Âu âm thầm tăng mua dầu Nga
Hãng tin Bloomberg ngày 8/8 trích dẫn các dữ liệu theo dõi tàu chuyên chở nhiên liệu cho hay, số lô hàng dầu thô Nga đến các cảng ở Italia và Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lên mức cao trong nhiều tuần tính đến ngày 5/8, bù lại sự sụt giảm các chuyến hàng tới những nước đối tác của Nga ở Bắc Âu.
Nhìn chung, số lô hàng từ Nga đến khu vực Địa Trung Hải đã lên đến mức cao nhất kể từ giữa tháng 6. Trong đó, vận chuyển dầu thô từ các cảng xuất khẩu ở vùng Baltic và Biển Đen đến các nhà máy lọc dầu ở Italia đã tăng lên mức cao nhất trong 7 tuần và đến Thổ Nhĩ Kỳ là lớn nhất trong 6 tuần. Tây Ban Nha và Hy Lạp cũng quay trở lại với nguồn cung từ Nga khi lần lượt tiếp nhận các lô hàng dầu thô Urals đầu tiên kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát hồi cuối tháng 2.
Bloomberg nhận định: “Mặc dù một phần số hàng hóa này được xác định không thuộc về các công ty Nga, nhưng chúng thực tế được khai thác và vận chuyển từ các cảng của Nga. Điều này cho thấy sẽ khó khăn như thế nào trong việc kiểm soát các lệnh trừng phạt dầu mỏ Nga khi chúng có hiệu lực vào tháng 12 năm nay".
Đức hoan nghênh kế hoạch khí đốt khẩn cấp của EU
Cơ quan quản lý năng lượng Đức (Bundesnetzagentur) hoan nghênh kế hoạch khí đốt khẩn cấp của Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu có hiệu lực từ ngày 9/8.
Phát biểu trên đài truyền hình ZDF, Chủ tịch Bundesnetzagentur Klaus Mueller cho rằng nếu tất cả các nước châu Âu đều sử dụng khí đốt một cách tiết kiệm sẽ giúp ổn định giá khí đốt, thậm chí có thể giảm giá khí đốt. Việc làm này cũng góp phần đảm bảo đủ nguồn cung khí đốt cho các nước sử dụng trong suốt mùa thu và mùa đông tới.
Trước đó, ngày 8/8, EU ra công báo chính thức nêu rõ kế hoạch khẩn cấp nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng có hiệu lực vào ngày 9/8. Kế hoạch được thực hiện trong bối cảnh các nước đang cố gắng tiết kiệm nhiên liệu cho mùa đông tới do nguồn cung khan hiếm. Trước khi leo thang căng thẳng vì chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại miền Đông Ukraine, Nga cung cấp khoảng 40% khí đốt tiêu thụ tại EU.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 8/8/2022 |
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 7/8/2022 |
T.H