Làm gì để thúc đẩy phát triển kinh tế số?
(PetroTimes) - Công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra sôi động. Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhanh hơn, hiệu quả hơn, cần tháo gỡ những rào cản, có cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn. Phóng viên Tạp chí Năng lượng Mới lược ghi một số ý kiến quan trọng tại Hội thảo “Chuyển đổi số, tự động hóa thúc đẩy phát triển kinh tế số”.
TS Nguyễn Quân - Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam: Thiếu nhiều nền tảng công nghệ quan trọng
Hiện nay, chúng ta đang nghe nhiều khái niệm mới như thành phố thông minh, quốc gia số, doanh nghiệp số, nhà máy thông minh... Thực tế còn rất nhiều thách thức trong công cuộc chuyển đổi số. Nguồn lực đầu tư còn nhiều hạn chế do dịch Covid-19, do các cuộc chiến tranh thương mại giữa các nước lớn, đặc biệt là trình độ công nghệ của các doanh nghiệp đang ở mức độ rất khiêm tốn.
Chúng ta cũng chưa tạo được thị trường cho các sản phẩm công nghệ số, thiếu nền tảng công nghệ số cơ bản. Dù Chính phủ đã chỉ đạo các tập đoàn lớn đi đầu xây dựng các nền tảng công nghệ để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước nhưng vẫn thiếu nhiều nền tảng công nghệ quan trọng.
Bởi vậy, các doanh nghiệp trong nước cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong công cuộc chuyển đổi số.
TS Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam: Doanh nghiệp quan tâm tới chuyển đổi số
Trong thời đại CMCN 4.0, khi khoa học và công nghệ phát triển vô cùng nhanh chóng, chuyển đổi số được quan tâm nhiều nhất, đặc biệt là các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp lớn của chúng ta hiện nay đang có xu hướng thúc đẩy nhanh chuyển đổi số và đã có những kết quả nhất định, đặc biệt trong các lĩnh vực năng lượng, viễn thông, ngân hàng...
Các địa phương đã chủ động và quyết liệt hơn trong chuyển đổi số nhằm cải cách hành chính phục vụ nhân dân. Nhận thức được tầm quan trọng của việc tập hợp đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ, sự vinh danh Top công nghiệp 4.0 sẽ nhằm góp phần thúc đẩy mạnh mẽ và hiệu quả hơn quá trình chuyển đổi số quốc gia và đem lại hiệu quả cao cho nền kinh tế.
PGS.TS Nguyễn Văn Thành - Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương: Nhận thức lợi ích của số hóa
Bản chất của CMCN 4.0 là cơ giới hóa, tự động hóa và bây giờ đến số hóa. Vấn đề đặt ra là phải nhận thức được lợi ích của công nghệ số hóa, kinh tế số, xã hội số; phải hiểu các tác động của nó và phân tích được thách thức của công nghệ số. Vấn đề quan trọng nhất là quyền quản lý và an toàn bảo mật thông tin. Theo tôi, thông tin là tài nguyên lớn nhất trong cuộc CMCN 4.0. Kết nối thông tin phải được bảo đảm an toàn, hiệu quả.
Phó tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm: Xây dựng bộ chỉ số về chuyển đổi số
Chúng ta đã thực hiện chuyển đổi số được 3 năm, nhưng đang thiếu bộ chỉ số về chuyển đổi số. Đó là cơ sở đánh giá quá trình chuyển đổi số, so sánh doanh nghiệp này đã chuyển đổi số tốt hơn, nhanh hơn hay chậm hơn so với doanh nghiệp khác. Bởi vậy, cần phải xây dựng một bộ chỉ số về chuyển đổi số.
Hiện nay, các doanh nghiệp phải có các dự án chuyển đổi số, nhưng chưa có bộ chỉ số đánh giá các dự án hiệu quả thế nào, bởi đây là lĩnh vực hoàn toàn mới. Bởi vậy, chuyển đổi số cũng có thể mang lại rủi ro rất lớn đối với doanh nghiệp.
Giám đốc Trung tâm Công nghệ Mobifone Dư Thái Hùng: Gỡ bỏ rào cản cho các sản phẩm số
Khi các doanh nghiệp số đưa sản phẩm tài chính số vào giới thiệu, sau khi thực hiện tốt, đến giai đoạn mua sắm sẽ rất khó khăn khi cần chứng minh năng lực, kinh nghiệm như bán ở đâu, thành công như thế nào, ở quốc gia nào... mới được chào bán cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu hoặc tham gia đấu thầu. Đây là rào cản rất lớn đối với các doanh nghiệp muốn chuyển đổi số nói chung và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các sản phẩm số nói riêng.
Dữ liệu khách hàng rất quan trọng. Hiện nay, doanh nghiệp nắm công nghệ không còn là “vua” mà là ai nắm được dữ liệu, nhiều dữ liệu mới là “vua”, đặc biệt là dữ liệu khách hàng, các thói quen mua sắm của khách hàng... Do vậy, các doanh nghiệp như Mobifone đã có kỹ thuật bảo vệ dữ liệu thông tin của khách hàng bằng nhiều lớp bảo mật, hỗ trợ bảo vệ khách hàng khi mã hóa thông tin.
Phó giám đốc khối Bán lẻ Ngân hàng OCB Dương Xuân Vũ: Tài chính số đem lại lợi ích lớn
Hiện nay đã xuất hiện rất nhiều doanh nghiệp tài chính trên nền tảng số (ngân hàng số, tổ chức tài chính số...), có lợi thế là phát triển rất nhanh, thực hiện việc gì cũng rất nhanh. Họ có tính linh hoạt, uyển chuyển khi tập trung đầu tư. Chính vì vậy, các ngân hàng cũng phải nỗ lực để theo kịp các doanh nghiệp tài chính này.
Ngược lại, các ngân hàng cũng có lợi thế riêng, như có thể cung cấp toàn bộ các dịch vụ tài chính cho một cá nhân hay một doanh nghiệp. Sau đại dịch có xu hướng ngoài công nghệ số, ngân hàng còn muốn làm việc trực tiếp giữa con người và con người. Bên cạnh các nhu cầu tài chính nhỏ lẻ, khách hàng khi cần các khoản vay lớn, thực hiện các dự án lớn, đầu tư lớn thì đều cần ngân hàng.
Ngành tài chính - ngân hàng đang được có sự hỗ trợ rất lớn từ Ngân hàng Nhà nước và các chính sách, cơ chế và kỹ thuật chuyển đổi số. Đặc biệt, người sử dụng đã được hưởng lợi rất lớn từ các ứng dụng của công nghệ số khi các giao dịch tài chính được thực hiện nhanh chóng, dễ dàng hơn bao giờ hết.
TS Nguyễn Quân: Chúng ta cũng chưa tạo được thị trường cho các sản phẩm công nghệ số, thiếu nền tảng công nghệ số cơ bản. Dù Chính phủ đã chỉ đạo các tập đoàn lớn đi đầu xây dựng các nền tảng công nghệ để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước nhưng vẫn thiếu nhiều nền tảng công nghệ quan trọng. |
Tùng Dương