Ông Putin ký sắc lệnh bảo vệ kinh tế Nga khỏi các nước "không thân thiện"
Theo sắc lệnh mới, nhà đầu tư từ các quốc gia "không thân thiện" không được phép bán cổ phần trong một số doanh nghiệp chiến lược và ngân hàng của Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Sputnik). |
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm nay 5/8 đã ký sắc lệnh cấm tất cả nhà đầu tư từ các quốc gia "không thân thiện" giao dịch cổ phiếu tại các doanh nghiệp được coi là chiến lược của Nga. Lệnh cấm này có hiệu lực từ hôm nay cho đến cuối năm 2022 và có thể gia hạn.
Một lệnh cấm khác áp dụng với cổ phiếu trong các ngân hàng Nga, danh sách cụ thể sẽ được công bố trong khoảng 10 ngày tới.
Sắc lệnh cũng cấm các giao dịch liên quan đến sự tham gia của nước ngoài vào dự án dầu và khí đốt Sakhalin-1 ở vùng Viễn Đông, Nga. Trước đó, hôm 3/8, tập đoàn dầu khí ExxonMobil của Mỹ thông báo đang chuyển nhượng 30% cổ phần trong dự án này cho "một bên khác".
Gần đây, Nga liên tục đưa ra các biện pháp nhằm bảo vệ lĩnh vực năng lượng và tài chính khỏi hành động của các quốc gia và tổ chức "không thân thiện".
Đến nay, danh sách các nước bị Nga coi là "không thân thiện" đã mở rộng ra 49 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có Mỹ, Anh, toàn bộ Liên minh châu Âu, Australia, Canada, Thụy Sĩ, Nhật Bản. Đây là những nước có các hành động chống lại lợi ích của Nga sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi cuối tháng 2.
Hồi tháng 5, Tổng thống Putin đã ban hành sắc lệnh yêu cầu các quốc gia, vùng lãnh thổ "không thân thiện" phải thanh toán tiền mua khí đốt Nga bằng đồng rúp. Moscow cảnh báo, bất cứ nước nào không tuân thủ yêu cầu này đều có thể bị Nga cắt nguồn cung.
Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, phương Tây đã áp hàng loạt lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow, đặc biệt nhằm vào ngành năng lượng vốn là nguồn thu chính của Nga cũng như vào ngành tài chính. Mặc dù vậy, giới chức Moscow nhiều lần khẳng định, các biện pháp này không thể cô lập Nga.
Chính phủ Nga thậm chí còn tuyên bố rằng nền kinh tế của họ vẫn phát triển và các biện pháp trừng phạt đang gây "đau đớn" hơn cho phương Tây. Thực tế, châu Âu đang phải vật lộn đối phó với tình trạng cắt giảm nguồn cung khí đốt, giá năng lượng tăng vọt kéo theo sức ép lạm phát.
Để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực, sau khi tung ra 7 gói trừng phạt Nga, Liên minh châu Âu (EU) dường như đang âm thầm nới lỏng. EU đã quyết định thêm những ngoại lệ vào lệnh trừng phạt Nga, cho phép các nước ngoài khối có thể giao dịch với các thực thể Nga bị trừng phạt, bao gồm các ngân hàng và doanh nghiệp quốc doanh Nga, ví dụ như Rosneft. EU có thể đã nhận ra rằng, các lệnh trừng phạt chống lại Nga dường như không hoạt động quá hiệu quả theo cách mà EU mong muốn, và có nguy cơ gây tổn thương tới các bên thứ 3 không liên quan tới cuộc chiến ở Ukraine.
Theo Dân trí