Kiểm soát giá cả sinh hoạt cho người dân như thế nào?
(PetroTimes) - Theo dõi tình hình giá cả thế giới, sử dụng linh hoạt công cụ quỹ bình ổn giá xăng dầu, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng… là yêu cầu của Chính phủ nhằm bình ổn giá cả sinh hoạt cho người dân.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành công điện gửi Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá.
Hàng hóa thiết yếu đang có xu hướng tăng giá mạnh. |
Công điện nêu rõ: trước diễn biến giá cả các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trong thời gian qua vẫn ở mức cao, Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá đã triển khai nhiều giải pháp giữ ổn định giá hàng hóa, dịch vụ; kịp thời trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường để bình ổn, giảm giá mặt hàng xăng dầu trong nước.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, điều hành giá, bình ổn giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, nhất là việc kiểm soát giá các hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng dầu giảm mạnh trong các kỳ điều hành vừa qua, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá.
Đặc biệt, trong phạm vi, lĩnh vực, thẩm quyền quản lý, đẩy mạnh tổ chức triển khai theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.
Đối với các mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu như dịch vụ vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, logistics, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tăng cường tổ chức rà soát kê khai giá của doanh nghiệp để đánh giá việc điều chỉnh giá phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng dầu trong yếu tố hình thành giá. Trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu đơn vị thực hiện kê khai giảm giá kịp thời.
Trong công điện của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ điểm này khi yêu cầu các bộ ngành và địa phương tăng cường kiểm tra việc chấp hành niêm yết giá, thu tiền dịch vụ đúng giá niêm yết của các doanh nghiệp, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý, kết cấu đưa thêm những khoản thu ngoài giá để thu cao hơn mức giá kê khai, niêm yết.
Đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu chịu ảnh hưởng gián tiếp từ giá xăng dầu, có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và ảnh hưởng đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, có các biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp. Trong đó, tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về giá, các biện pháp kê khai, niêm yết giá, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý.
Bên cạnh đó, chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật Giá và theo thẩm quyền khi hàng hóa có biến động bất thường và xử lý các sai phạm theo quy định. Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo đánh giá kỹ tình hình sản xuất, điều hòa cung cầu các mặt hàng phục vụ nhu cầu trong nước, giữa các vùng, địa phương và nhu cầu xuất khẩu để ổn định giá cả thị trường.
Cần xác định rõ chi phí lưu thông hợp lý trong cơ cấu giá bán hàng hóa. |
Làm rõ các bất cập, hạn chế để đề xuất các giải pháp khắc phục, đảm bảo giảm thiểu khâu trung gian đẩy chi phí lưu thông, tăng giá bán; tiến tới hoàn thiện hệ thống phân phối, bán buôn, bán lẻ tinh gọn, hiệu quả, có chi phí lưu thông hợp lý trong cơ cấu giá bán.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo tiếp tục theo dõi tình hình giá thế giới, sử dụng linh hoạt công cụ quỹ bình ổn giá xăng dầu để có phương án điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng. Đồng thời giao Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo chủ động nghiên cứu báo cáo Chính phủ phương án điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu.
Trong công điện, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ ngành xử lý kiểm soát giá thịt lợn, vật liệu xây dựng, thuốc và vật tư y tế.
Trong thực tế, nhiều doanh nghiệp vận tải tăng giá (từ vận chuyển người đến hàng hóa) không cần chờ các cơ quan quản lý nhà nước cho phép, hướng dẫn. Đây chính là nguyên nhân đẩy giá cả các mặt hàng tiêu dùng tăng cao bất chấp giá xăng giảm mạnh. Để giảm đà tăng giá cả các mặt hàng tiêu dùng trong nước, các cơ quan thanh tra bộ ngành, địa phương cần vào cuộc kiểm soát ngay các doanh nghiệp vận tải tăng giá cước đột biến theo giá xăng nhưng hơn 1 tháng qua vẫn không giảm cước.
Thành Công
Kiểm soát chặt chẽ giá cả, thị trường, nhất là những mặt hàng chiến lược | |
Lạm phát trong năm nay sẽ vượt 4%? | |
Cần tập trung triển khai ổn định giá cả |