Tổng thống Putin ký học thuyết hải quân mới, xem Mỹ-NATO là đối thủ chính
Tổng thống Putin ngày 31/7 đã ký học thuyết hải quân mới, coi Mỹ và NATO là đối thủ và mối đe dọa chính, đồng thời đặt ra tham vọng hàng hải toàn cầu đối với các khu vực như Bắc Cực và Biển Đen.
Nga cắt khí đốt cho một quốc gia châu Âu |
Nga tấn công dữ dội, còi báo động vang lên khắp lãnh thổ Ukraine |
Tổng thống Putin thị sát đội hình chiến hạm Nga trong lễ duyệt binh đánh dấu Ngày Hải quân ở Saint Petersburg hôm 31/7 (Ảnh: Reuters). |
Học thuyết hải quân mới dài 55 trang, được Tổng thống Vladimir Putin ký tại lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Hải quân Nga ở thành phố St. Petersburg hôm 31/7.
Buổi lễ có sự tham dự của 47 tàu mặt nước và tàu ngầm của các hạm đội phương Bắc, Thái Bình Dương, Baltic và Biển Đen, hơn 40 máy bay và trực thăng và hơn 3.500 binh sỹ.
Sau khi thị sát hải quân, Tổng thống Putin đã có một bài phát biểu ngắn, trong đó ca ngợi Peter Đại đế vì đã đưa đất nước trở thành cường quốc biển và nâng cao vị thế toàn cầu của nhà nước Nga. Ông cũng quảng bá về tên lửa hành trình siêu thanh Zircon độc nhất của Nga và cảnh báo Moscow có đủ sức mạnh quân sự để đánh bại bất kỳ kẻ xâm lược tiềm năng nào.
Học thuyết hải quân mới đề ra các mục tiêu chiến lược rộng lớn của hải quân Nga, bao gồm cả tham vọng trở thành một "cường quốc hàng hải lớn" trên toàn thế giới.
Theo học thuyết, mối đe dọa chính đối với Nga là "chính sách chiến lược của Mỹ nhằm thống trị các đại dương trên thế giới" và việc liên minh quân sự NATO di chuyển đến sát gần biên giới Nga.
"Các thách thức và mối đe dọa chính với an ninh quốc gia và sự phát triển bền vững của Nga liên quan tới vùng biển thế giới là đường lối chiến lược của Mỹ hướng đến sự thống trị ở vùng biển thế giới và ảnh hưởng lên các tiến trình toàn cầu", học thuyết nêu rõ.
Cũng theo học thuyết này, kế hoạch đưa lực lượng quân sự tới gần biên giới Nga và nỗ lực đảm nhận các chức năng toàn cầu của liên minh này tiếp tục là điều Nga không thể chấp nhận, và vẫn là yếu tố quyết định trong quan hệ của Nga với NATO.
Học thuyết cho biết, Nga có thể sử dụng lực lượng quân sự của mình một cách phù hợp với tình hình tại các khu vực biển trên thế giới nếu các quyền lực mềm khác, chẳng hạn như các công cụ ngoại giao và kinh tế, cạn kiệt.
Tổng thống Putin không đề cập đến cuộc xung đột ở Ukraine trong bài phát biểu của mình, nhưng học thuyết quân sự dự kiến "tăng cường toàn diện vị thế địa chính trị của Nga" ở Biển Đen và Azov.
Học thuyết cũng đặt Bắc Băng Dương, nơi Mỹ đã nhiều lần nói rằng Nga đang nỗ lực "quân sự hóa", là một khu vực có tầm quan trọng đặc biệt đối với Nga. Đường bờ biển rộng lớn 37.650km của Nga, trải dài từ Biển Nhật Bản đến Biển Trắng, cũng bao gồm Biển Đen và Biển Caspi.
Theo học thuyết mới, Nga sẽ cam kết "bảo vệ vị thế cường quốc biển", bao gồm đẩy mạnh các hoạt động ở vùng Bắc Cực để bảo vệ lợi ích quốc gia của nước này.
"Đầu tiên, với các vùng nước của chúng ta ở Bắc Cực, biển Đen, biển Okhotsk, biển Bering, biển Baltic và các eo biển Kuril, chúng ta sẽ kiên quyết bảo vệ với mọi cách thức", Tổng thống Putin nói trong buổi lễ, theo Sputnik.
Ông Putin cho biết việc chuyển giao tên lửa hành trình siêu thanh Zircon cho khinh hạm Đô đốc Gorshkov sẽ bắt đầu trong vòng vài tháng. Vị trí triển khai của họ sẽ phụ thuộc vào lợi ích của Nga, ông Putin nói.
"Điều quan trọng ở đây là năng lực của hải quân Nga... Chúng ta có thể đáp trả với tốc độ cực nhanh đối với tất cả những ai quyết định xâm phạm chủ quyền và tự do của chúng ta", nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh.
Theo Dân trí