Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 28/7/2022
(PetroTimes) - Bộ Công Thương đề xuất rút một số dự án nhiệt điện than ra khỏi Quy hoạch điện VIII; Giá khí đốt châu Âu tăng 30% sau khi nguồn cung từ Nga giảm; G7 sẽ áp giá trần với dầu mỏ Nga muộn nhất là vào ngày 5/12… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong và ngoài nước ngày 28/7/2022.
Giá khí đốt ở châu Âu dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Ảnh: SPE |
Đề xuất rút một số dự án nhiệt điện than ra khỏi Quy hoạch điện VIII
Bộ Công Thương vừa có Văn bản số 4329/BCT-ĐL báo cáo Chính phủ về các nội dung của Quy hoạch Điện VIII. Trong đó, Bộ xin ý kiến Chính phủ không đưa vào Quy hoạch 14.120 MW nhiệt điện than để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 - Net Zero đến năm 2050.
Trong tổng công suất 14.120 MW này có 8.420 MW do các tập đoàn nhà nước được giao làm chủ đầu tư.
Cụ thể, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được giao 3.600 MW gồm các dự án: Quảng Trạch II, Tân Phước I và Tân Phước II. Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam (Petrovietnam) được giao 1.980 MW là Long Phú III. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) được giao 2.840 MW gồm: Cẩm Phả III, Hải Phòng III và Quỳnh Lập I. Dự án đầu tư theo hình thức BOT là 4.500 MW gồm Quỳnh Lập II, Vũng Áng 3, Long Phú II và dự án Quảng Ninh III chưa giao nhà đầu tư có công suất 1.200 MW.
Giá khí đốt châu Âu tăng 30% sau khi nguồn cung từ Nga giảm
Giá khí đốt châu Âu ngày 27/7 đã tăng 30% trong vòng 2 ngày sau khi Nga cảnh báo cắt giảm một nửa lượng khí đốt cung cấp tới châu lục này so với mức vốn đã thấp.
Các hợp đồng tương lai giao tháng 8 gắn với giá khí bán buôn tiêu chuẩn châu Âu TTF đã tăng 20% vào ngày 27/7, vượt 210 euro/MWh (Megawatt giờ), tăng hơn 10 lần so với mức trung bình trong giai đoạn 2010-2020. Giá năng lượng tiêu chuẩn ở Đức đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại là 370 euro/MWh, một bước nhảy lớn so với mức giá dưới 60 euro/MWh tiêu chuẩn trước năm 2021.
Trước đó, Gazprom đã cắt nguồn cung cấp cho 12 quốc gia châu Âu thông qua Nord Stream 1 - chạy về phía Tây qua Biển Baltic đến Đức - xuống còn 40% công suất trong nhiều tuần.
G7 sẽ áp giá trần với dầu mỏ Nga muộn nhất là vào ngày 5/12
Ngày 27/7, một quan chức cao cấp từ Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cho biết nhóm dự định triển khai cơ chế áp giá trần với dầu mỏ xuất khẩu của Nga muộn nhất là vào ngày 5/12 khi các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) cấm nhập khẩu dầu thô Nga có hiệu lực.
Hồi tháng trước, các nước G7 gồm Mỹ, Canada, Nhật Bản, Đức, Pháp, Italy và Anh thông báo sẽ xem xét áp trần giá với dầu mỏ xuất khẩu của Nga để hạn chế doanh thu từ dầu mỏ của Moskva. Hiện G7 đang nỗ lực thuyết phục Trung Quốc và Ấn Độ cùng tham gia cơ chế này trong bối cảnh hai thị trường lớn của thế giới đều đang mua dầu thô Nga với giá ưu đãi.
Trước đó, ngày 22/7, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina tuyên bố Moskva sẽ không cung cấp dầu cho các quốc gia quyết định áp đặt giá trần đối với dầu mỏ của nước này.
Ukraine sẽ tăng xuất khẩu điện sang Liên minh châu Âu
Ngày 27/7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thông báo nước này sẽ tăng xuất khẩu điện sang Liên minh châu Âu (EU) trong bối cảnh các nước trong khối đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng.
Theo Tổng thống Zelensky, việc tăng xuất khẩu năng lượng sẽ giúp Ukraine tăng nguồn thu ngoại hối đồng thời sẽ hỗ trợ các đối tác của nước này vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng do Nga cắt giảm lượng khí đốt cung cấp sang châu Âu thông qua đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 1 từ 40% công suất xuống khoảng 20%.
Lưới điện của Ukraine được kết nối với lưới điện của châu Âu vào giữa tháng 3, góp phần duy trì nguồn cung dù xảy ra xung đột. Ukraine đã bắt đầu xuất khẩu diện cho EU thông qua Romania vào đầu tháng 7.
Libya sẽ nỗ lực nâng sản lượng dầu thô lên 3 triệu thùng/ngày
Các quan chức Libya ngày 26/7 thông báo sản lượng dầu thô của nước này đã tăng lên 1,025 triệu thùng/ngày, sau 3 tháng sụt giảm do làn sóng đóng cửa các mỏ dầu và các cảng.
Bộ trưởng Dầu khí Libya Mohamed Aoun cho hay sản lượng dầu thô sẽ tăng lên 1,2 triệu thùng/ngày trong vòng 10 ngày tới, so với mức 1,3 triệu thùng/ngày ghi nhận trong quý đầu năm nay.
Người phát ngôn Chính phủ Thống nhất Quốc gia Libya (GNU), ông Mohammed Hammouda cho biết GNU sẵn sàng tăng cường đầu tư để phát triển ngành dầu mỏ của Libya, đồng thời khẳng định các nỗ lực của chính phủ có thể giúp nâng sản lượng dầu thô của nước này lên 3 triệu thùng/ngày.
Ba Lan có thể tự chủ về nguồn cung khí đốt vào cuối năm 2022
Ngày 27/7, trong cuộc báo chung với người đồng cấp Tây Ban Nha Pedro Sanchez đang ở thăm Ba Lan, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki tuyên bố đến cuối năm 2022, nước này có thể tự chủ lựa chọn nguồn cung khí đốt.
Thủ tướng Morawiecki cho biết Ba Lan đã bắt đầu triển khai dự án xây dựng đường ống vận chuyển khí đốt trên biển Baltic từ Na Uy, xây dựng một số đầu nối và quyết định mở rộng công suất nạp khí tại trạm khí đốt tự nhiên hóa lỏng ở Swinoujscie.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 27/7/2022 |
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 26/7/2022 |
T.H