Lo Nga cắt nguồn cung, giá khí đốt tăng vọt, cao nhất 14 năm
Giá khí đốt đang tăng vọt trên khắp thế giới khi nắng nóng gay gắt làm tăng nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu và việc châu Âu rục rịch rời bỏ nguồn cung của Nga làm chao đảo thị trường năng lượng toàn cầu.
Giá khí đốt tự nhiên giao kỳ hạn của Mỹ trong phiên giao dịch ngày 26/7 có thời điểm tăng hơn 11%, lên 9,75 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (MMBtu) - mức cao nhất kể từ tháng 7/2008. Tuy nhiên, sau đó các hợp đồng giao tương lai đã giảm nhẹ xuống 9,146 USD/MMBtu, tăng 4,8% so với phiên trước đó.
Như vậy, tính chung trong tháng, giá khí đốt tự nhiên đã tăng hơn 77%, đánh dấu tháng tăng mạnh nhất kể từ khi bắt đầu giao dịch theo hợp đồng vào năm 1990.
Giá khí đốt đang tăng vọt trên khắp thế giới (Ảnh: Getty). |
Hãng phân tích EBW cho biết trong một lưu ý với khách hàng rằng, mặc dù mức độ và tốc độ tăng giá khí đốt tự nhiên gần đây là do các yếu tố thị trường không cơ bản góp phần tạo thành, nhưng yếu tố cơ bản vẫn là động lực chính. Theo đó, về cơ bản, thời tiết nắng nóng gay gắt là động lực tăng chủ yếu của giá khí đốt.
Ông David Givens, trưởng bộ phận dịch vụ điện và khí đốt tự nhiên cho Bắc Mỹ tại Argus Media, cho rằng tăng trưởng sản xuất trong năm nay thấp một cách đáng kinh ngạc. "Sự sụt giảm đáng kể qua đường ống đã tạo ra sự chênh lệch về giá trên thị trường hàng hóa vật lý mà chúng tôi chưa từng chứng kiến trước đó", ông nói.
Tại châu Âu, giá khí đốt tự nhiên TTF giao kỳ hạn tại Hà Lan đã tăng 14% lên 201,75 euro/MWh, mức cao nhất kể từ tháng 3. Mức tăng này diễn ra sau mức tăng 10% trong phiên đầu tuần (25/7) sau khi tập đoàn năng lượng khổng lồ của Nga Gazprom nói rằng sẽ cắt giảm dòng khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 nhiều hơn nữa.
Theo đó, bắt đầu từ hôm nay (27/7), đường ống dẫn khí đốt chính cho Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, sẽ hoạt động ở mức 20% công suất. Gazprom lý giải việc cắt giảm này liên quan đến việc bảo trì tua bin của đường ống.
Trong ngày hôm qua, các nước châu Âu cũng đã đạt được thỏa thuận tự nguyện giảm lượng tiêu thụ khí đốt xuống 15% trong tháng tới. Trong trường hợp khẩn cấp, việc cắt giảm này sẽ trở thành bắt buộc.
"Mục đích của việc giảm nhu cầu tiêu thụ khí đốt là để tiết kiệm cho mùa đông tới nhằm chuẩn bị cho khả năng gián đoạn có thể xảy ra đối với nguồn cung từ Nga khi nước này tiếp tục sử dụng nguồn cung năng lượng như một loại vũ khí", tuyên bố của khối này cho biết.
Theo Dân trí