Múa rối nước - Loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống độc đáo chỉ có ở Việt Nam
(PetroTimes) - Múa rối nước (hay còn gọi là trò rối nước) là một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian truyền thống độc đáo, ra đời chừng hơn 10 thế kỷ trước từ nền văn hóa lúa nước ở vùng châu thổ sông Hồng.
Xòe Thái - Niềm tự hào của cộng đồng dân tộc Thái |
Triển lãm mỹ thuật "Còn mãi với thời gian" nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ |
Một tiết mục múa rối nước cổ truyền. |
Theo những nguồn tư liệu khác nhau về nghệ thuật Múa rối ở Việt Nam cho thấy: năm 1121 Múa rối nước đã được đưa vào biểu diễn để mừng thọ vua, mà minh chứng đó là những dòng chữ Hán được khắc trên tấm bia đá cổ có từ triều đại nhà Lý mà hiện nay đang được đặt tại chùa Long Đọi, xã Đội Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.
Múa rối nước thường được biểu diễn vào dịp lễ, hội làng, ngày vui, ngày Tết. Múa rối nước cũng được coi là nét văn hóa phi vật thể đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Do tính đặc sắc, nên từ nghệ thuật mang yếu tố dân gian, múa rối nước đã nhanh chóng trở thành nghệ thuật truyền thống, có thể sánh ngang với tuồng, chèo là những bộ môn nghệ thuật có vị trí cao trong nền sân khấu dân tộc. Múa rối có ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng múa rối nước thì chỉ duy nhất có ở Việt Nam.
Nghệ thuật múa rối nước độc đáo và khác biệt với múa rối thông thường là: dùng mặt nước làm sân khấu. Sân khấu là khoảng trống trước mặt buồng trò thường được trang bị cờ, quạt, voi, lọng, cổng, hàng mã, trên "sân khấu" là những con rối (được làm bằng gỗ) biểu diễn nhờ sự điều khiển của những nghệ nhân đứng phía sau phông thông qua hệ thống sào, dây... được nối với buồng trò.
Buồng trò rối nước chính là nhà rối hay thủy đình, thường được dựng lên giữa ao, hồ với kiến trúc tượng trưng cho mái đình của vùng nông thôn Việt Nam. Người nghệ nhân rối nước đứng trong buồng trò để điều khiển con rối. Họ thao tác từng cây sào, thừng, vọt… hoặc giật con rối bằng hệ thống dây bố trí ở bên ngoài hoặc dưới nước để con rối chuyển động… Sự thành công của quân rối nước chủ yếu phụ thuộc vào sự cử động của thân hình, hành động làm trò đóng kịch của nó.
Con rối thường được làm bằng gỗ sung, loại gỗ nhẹ nổi trên mặt nước, được đục cốt, đẽo với những đường nét cách điệu riêng sau đó gọt giũa, đánh bóng và trang trí với nhiều màu sơn khác nhau để làm tôn thêm đường nét tính cách cho từng nhân vật. Hình thù của con rối thường tươi tắn, ngộ nghĩnh, tính hài và tính tượng trưng cao. Ngoài ra, các tiết mục rối nước không thể thiếu những âm thanh, ánh sáng lung linh và màn khói huyền ảo phụ trợ.
Trò rối nước là trò khéo lấy động tác làm ngôn ngữ diễn đạt, rối nước gắn bó với âm nhạc như nghệ thuật múa. Âm nhạc điều khiển tốc độ, giữ nhịp, dẫn dắt động tác, gây không khí với tiết tấu truyền thống giữ vai trò chủ đạo của trò rối nước, nhạc rối nước thường sử dụng là các làn điệu chèo hoặc dân ca đồng bằng Bắc Bộ.
Hiện trong kho tàng trò rối nước của Việt Nam có khoảng 30 tiết mục cổ truyền và hàng trăm tiết mục múa rối nước hiện đại kể về những sự tích dân gian và cuộc sống sinh hoạt thường ngày của người dân Việt.
Trong đó, một số tiết mục điển hình ca ngợi những sinh hoạt đời thường như: công việc nhà nông, câu ếch, cáo bắt vịt… Bên cạnh đó là các tiết mục lễ hội cổ truyền như: múa rồng, múa sư tử, rước kiệu, đấu vật, đánh võ, chọi trâu… và rất nhiều các tiết mục hấp dẫn khác phản ánh cuộc sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ta.
Có thể thấy múa rối nước không chỉ là di sản văn hóa dân tộc, nó đã trở thành niềm tự hào của những người con Việt Nam.
Kim Anh (T/h)