Phân tích: Thỏa thuận 40 tỷ đô-la giữa Nga và Iran
(PetroTimes) - Gazprom và Công ty Dầu khí Quốc gia Iran đã ký Bản ghi nhớ (MOU) trị giá 40 tỷ USD ngay trước khi chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Iran vào thứ Ba.
Tổng thống Nga Putin trong chuyến thăm Iran. Ảnh: AFP. |
Thỏa thuận, ở dạng sơ bộ, trong đó Gazprom hỗ trợ công ty dầu khí nhà nước của Iran trong việc phát triển cả các mỏ dầu và khí đốt cũng như xây dựng các đường ống dẫn dự án LNG.
Thỏa thuận bao gồm việc phát triển sáu mỏ dầu và hai mỏ khí đốt, xây dựng các đường ống xuất khẩu khí đốt, hoán đổi khí đốt, sản phẩm và hoàn thành cảng xuất khẩu LNG của Iran.
Công ty Dầu mỏ Quốc gia Iran gọi thỏa thuận này là cam kết đầu tư nước ngoài lớn nhất được ghi nhận trong lịch sử ngành dầu mỏ Iran.
Bước tiến mới trong quan hệ giữa Nga và Iran rõ ràng khiến phương Tây và Hoa Kỳ lo ngại, nhưng dưới góc nhìn của các nhà phân tích thì thỏa thuận mới của Nga và Iran không có khả năng thay đổi cuộc chơi địa chính trị.
Thỏa thuận Nga – Iran được ký kết trong bối cảnh Mỹ và Châu Âu ráo riết đưa ra các biện pháp trừng phạt ngành năng lượng của Nga, cô lập, cấm vận Nga trên nhiều phương diện nhằm chặn nguồn thu nhập từ dầu, khí của Nga. Chuyến đi của Tổng thống Nga Putin đến Iran trước hết nặng màu sắc chính trị, mục đích rõ ràng là lôi kéo một liên minh sản xuất dầu lửa trong cuộc chiến với Mỹ và phương Tây. Khả năng dầu Iran sẽ ra thị trường đang tăng lên trong bối cảnh suy giảm nguồn cung trên thị trường thế giới do cấm vận dầu Nga.
Tổng thống Putin cho biết ông đã thảo luận về việc tăng cường sử dụng đồng tiền quốc gia trong thương mại với nhà lãnh đạo Iran, mặc dù không có thỏa thuận nào được công bố. Kinh nghiệm chống cấm vận của Iran sẽ giúp ích phần nào cho Nga, nhất là hợp tác trong hệ thống ngân hàng hai nước.
Iran được cho là đã khởi động giao dịch đồng rial của Iran và rúp của Nga trên thị trường ngoại hối Iran trong một nỗ lực hơn nữa nhằm củng cố mối quan hệ với Moscow và thúc đẩy xuất khẩu sang Nga. Động thái này diễn ra khi Nga tăng cường nỗ lực từ bỏ đồng đô-la do các lệnh trừng phạt.
Kênh CNBC TV18 đánh giá rằng mặc dù thỏa thuận 40 tỷ của Nga và Iran khiến Mỹ và châu Âu lo ngại, nhưng Nga và Iran vẫn luôn là đối thủ vì cùng là hai nước xuất khẩu dầu, có chung thị trường là Trung Quốc và Ấn Độ. Việc Nga giảm giá bán sang thị trường Châu Á chắc chắn ảnh hưởng đến Iran, vốn cũng đang bị cấm vận nên có thị trường xuất khẩu hạn chế.
Lòng tin của Iran còn bị xói mòn bởi quan điểm của Nga đối với các cuộc đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, còn gọi là JCPOA – con đường cho dầu của Iran ra thị trường thế giới.
Vào phút cuối, Nga yêu cầu sự đảm bảo rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây nhắm vào Moscow sẽ không ảnh hưởng đến thương mại của nước này với Iran. Mặc dù Nga nhanh chóng rút lui trước sức ép của Iran, các cuộc đàm phán đã bị đình trệ kể từ đó vì nhiều vấn đề còn lại.
Liệu thỏa thuận có thể đi đúng hướng hay không sẽ là một thước đo đánh giá tác động của mối quan hệ hợp tác giữa Putin và các nhà lãnh đạo Iran.
Elena