Cần tập trung triển khai ổn định giá cả
(PetroTimes) - Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá, giúp ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân. Đặc biệt, sẽ không tăng học phí, hỗ trợ sinh viên về tín dụng, giảm các loại thuế…
Đến nay, mặt bằng giá trong nước vẫn cơ bản được kiểm soát nhưng áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm khá lớn. Diễn biến giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang tiếp tục tăng mạnh trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine còn phức tạp, gây gián đoạn chuỗi cung ứng, đặc biệt là giá xăng dầu, tạo áp lực lớn đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân.
Bộ Công Thương được giao theo dõi sát giá cả thị trường để có giải pháp bình ổn kịp thời |
Theo đánh giá của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, kết quả kiểm soát lạm phát đã khá tốt, tốc độ tăng thấp hơn nhiều nước trong khu vực và thế giới, thể hiện nỗ lực của chúng ta.
Tuy nhiên, tình hình thế giới diễn biến vẫn phức tạp và khó lường, các yếu tố thay đổi nhanh. “Do đó, mục tiêu kiểm soát lạm phát nếu muốn đạt được yêu cầu thì phải đánh giá sát, đúng thì mới đưa ra giải pháp hợp lý” - Phó Thủ tướng nhận định.
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết, thời gian qua, sự phối kết hợp chính sách tài khóa và tiền tệ đã được thực thi rất nhịp nhàng, vừa phục vụ phát triển kinh tế, vừa kiềm chế lạm phát.
Bộ Tài chính đã trao đổi một số giải pháp cơ bản để ổn định, kiểm soát lạm phát, trong đó tập trung thực hiện các giải pháp tài khóa theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.
Bước sang tháng 7, kinh tế toàn cầu có dấu hiệu tăng chậm lại. Giá xăng dầu có xu hướng hạ nhiệt khi Mỹ công bố sản lượng xăng dầu dự trữ tăng cùng với nhu cầu xăng dầu tại Mỹ giảm do giá cao và quan điểm có thể phải hy sinh tăng trưởng để kiểm soát lạm phát khiến kỳ vọng nhu cầu giảm.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự kiến sẽ tiếp tục lần thứ ba trong năm hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 so với các mức dự báo trước đó và cảnh báo rủi ro suy thoái kinh tế trong năm tới.
Riêng về chính sách tài khóa, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành các quy định về chính sách miễn, giảm thuế thuộc Chương trình phục hồi như: giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ 10% xuống 8%, giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất trong nước, giảm 50% thuế bảo vệ môi trường, giảm thuế xuất nhập khẩu một số mặt hàng, giảm thu một số khoản phí…
Theo Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính Nguyễn Anh Tuấn, trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Tài chính đã trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền nhiều giải pháp hỗ trợ về gia hạn thời gian nộp các khoản thuế. Đó là việc gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022…
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng trình các cấp có thẩm quyền ban hành nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ứng phó với ảnh hưởng của dịch Covid-19; trình Chính phủ ban hành nghị định hỗ trợ lãi suất tại Ngân hàng Chính sách xã hội; có chính sách về tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn thực hiện mua máy tính, thiết bị học tập…
Bộ Tài chính kiến nghị không tăng học phí năm học 2022-2023. |
Trong bối cảnh hiện nay, Bộ Tài chính cũng kiến nghị tiếp tục thực hiện một số giải pháp trong thời gian tới. Trong đó, khung học phí năm học 2022-2023 dự kiến giữ ổn định như năm học trước và điều chỉnh học phí với giáo dục đại học công lập chưa tự chủ chi thường xuyên không quá 15%. Dịch vụ khám chữa bệnh thực hiện theo lộ trình thị trường theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ, hiện còn chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định chưa được kết cấu trong giá dịch vụ.
Ngoài ra, hiện tại cung các mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm… trên thị trường cũng khá dồi dào; giá các mặt hàng viễn thông, bưu chính cơ bản vẫn giữ ổn định.
Với chính sách tiền tệ, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, tổng thể lạm phát thời gian qua chủ yếu đến từ tác động giá nguyên liệu, là các yếu tố phi tiền tệ. Tuy nhiên, trong các giải pháp tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước vẫn thực hiện điều hành duy trì thanh khoản tốt, nhưng áp lực tăng lãi suất là khá lớn. Thời gian qua, nhiều quốc gia trên thế giới đều thực thi chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất, trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ lãi suất điều hành. Tuy nhiên, lãi suất bên ngoài thị trường có tín hiệu tăng, mức tăng khoảng 1% so với đầu năm.
Bộ Tài chính đã cập nhật 2 kịch bản điều hành giá trên dưới 4%, trong đó điều chỉnh phương án giá dịch vụ giáo dục dự kiến cơ bản giữ ổn định so với năm học trước.
Rõ ràng, với việc giá cả các mặt hàng năng lượng tăng cao bất thường và liên tục trong thời gian vừa qua đang ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả hàng hóa và tiêu dùng. Việc khẩn trương triển khai các giải pháp kiềm chế lạm phát, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, giảm áp lực chi tiêu hằng ngày là cực kỳ cần thiết.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá tình hình giá cả và lạm phát trong nước thời gian qua vẫn trong tầm kiểm soát, yêu cầu thời gian tới đặt ra nhiều nhiệm vụ trọng yếu. Trong đó, công tác quản lý, điều hành giá cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt để có giải pháp hợp lý, ổn định giá cả trong nước. |
Thành Công