Sakhalin-2: đòn trả thù Nhật Bản của Nga?
(PetroTimes) - Hãng tin NHK của Nhật Bản mới đây đã có bài viết phân tích nhận định rằng, sắc lệnh của Tổng thống Nga V.Putin về việc chuyển giao dự án Sakhalin-2 cho Nga sở hữu là đòn trả thù Nhật Bản đối với các lệnh trừng phạt chống Nga.
Sakhalin-2. Ảnh: Mitsui Corp. |
Tổng thống V.Putin mới đây đã ký sắc lệnh “Về việc áp dụng các biện pháp kinh tế đặc biệt trong lĩnh vực nhiên liệu và năng lượng liên quan đến các hành động không thân thiện của một số quốc gia và tổ chức quốc tế”. Theo đó, tất cả các quyền và nghĩa vụ của nhà điều hành Sakhalin Energy tại dự án lâu đời nhất của Nga về sản xuất khí hóa lỏng (LNG) Sakhalin-2 (với sự tham gia của các công ty lớn Nhật Bản), sẽ được chuyển giao cho một chủ thể đặc biệt (LLC mới) thuộc Nga.
Theo NHK, dường như mục đích của sắc lệnh này là nhằm “làm rung chuyển” giới chính trị và doanh nghiệp Nhật Bản – quốc gia đang siết chặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga khi quân đội Nga vẫn tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Sắc lệnh quy định rằng, Gazprom sẽ giữ lại cổ phần của mình trong nhà điều hành, nhận cùng số cổ phẩn trong LLC mới. Trong khi đó, cổ phần của các cổ đông còn lại của Sakhalin Energy sẽ trở thành tài sản của công ty mới. Hiện tại, tỷ lệ nắm giữ cổ phần trong dự án Sakhalin-2 được phân bổ như sau: Gazprom nắm giữ 50% số cổ phần +1; Shell nắm giữ 27,5% số cổ phần -1; Mitsui&Co nắm 12,5% số cổ phần và tập đoàn Mitsubishi nắm giữ 10% số cổ phần. Trước đó vào tháng 02/2022, Shell đã tuyên bố rút khỏi dự án.
Theo sắc lệnh của Tổng thống Nga, quyết định của phía Nga nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia và an ninh kinh tế Nga, cũng như vì “mối đe dọa từ tình huống khẩn cấp có tính chất tự nhiên hoặc nhân tạo”. Những rủi ro này phát sinh do có sự vi phạm của một số cá nhân và pháp nhân về nghĩa vụ để phát triển dự án Sakhalin-2. Sắc lệnh của Tổng thống Nga ghi rằng, tất cả các cổ đông của dự án Sakhalin-2, ngoại trừ Gazprom, phải quyết định trong vòng 1 tháng để chuyển cổ phần của họ sang quyền sở hữu của công ty mới và thông báo cho Chính phủ Nga về việc này.
Theo nhận định của giới chuyên gia, mục đích thực sự của sắc lệnh này là nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia của Nga liên quan đến các hành động không thân thiện và bất hợp pháp ngay từ đầu nhằm áp đặt các biện pháp hạn chế chống Nga. Rõ ràng, chính quyền Nga đã gửi đi một tín hiệu và động thái cứng rắn cho phía Nhật Bản – quốc gia đang tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Theo báo Kommersant (Nga), thực tế cho thấy, sắc lệnh mới của Tổng thống Nga đặt các công ty nước ngoài tham gia vào dự án trước sự lựa chọn được/mất. Tuy nhiên, tác động của sắc lệnh đối với hoạt động đầu tư của các công ty Nhật Bản tại thị trường Nga trong tương lai là chưa rõ ràng.
Phản ứng trước sắc lệnh của Tổng thống Nga, công ty Mitsu&Co và tập đoàn Mitsubishi cho biết rằng, hai bên đang thảo luận các bước cần thiết về vấn đề này với nhà điều hành Sakhalin Energy, các đối tác khác và Chính phủ Nhật Bản. Hiện tại, các hoạt động sản xuất tại dự án Sakhalin-2 vẫn tiếp tục.
Về phía Chính phủ Nhật Bản, chính quyền nước này đang tiếp tục thu thập thông tin về tác động đối với những khoản đầu tư của các công ty thương mại lớn của mình tham gia vào dự án và hoạt động nhập khẩu khí đốt thiên nhiên từ dự án. Đồng thời, Nhật Bản sẽ xem xét các biện pháp cần thiết trong tương lai về dự án này.
Nhật Bản đang nhập khẩu thường xuyên nhiên liệu LNG để đảm bảo nhu cầu tiêu thụ điện và khí đốt cho thị trường nội địa. Nguồn cung LNG từ dự án Sakhalin-2 chiếm 8-9% tổng sản lượng nhập khẩu của nước này. Chính phủ Nhật Bản và các công ty thương mại lớn của nước này cho biết, họ vẫn chưa quyết định rút khỏi dự án Sakhalin-2 vì lý do nguồn cung cần thiết cho nhu cầu điện và khí đốt cho thị trường nội địa.
Tại cuộc họp báo của Chính phủ, Phó Tổng thư ký nội các bộ trưởng Nhật Bản Kihara cho biết, quan điểm của Chính phủ Nhật Bản xuất phát từ thực tế rằng, trong bất kỳ diễn biến sự kiện nào, lợi ích quốc gia của Nhật Bản là đảm bảo đủ lượng tài nguyên năng lượng mà nước này cần. Chính quyền đang nghiên cứu kỹ lưỡng ý định của phía Nga và tác động có thể xảy ra từ sắc lệnh của Tổng thống Nga, cũng như phản ứng của các doanh nghiệp Nhật Bản với tình hình hiện tại.
Tiến Thắng