Đà Nẵng: Phải xin lỗi người dân khi trả kết quả thủ tục hành chính trễ hẹn
Để tiếp tục cải thiện thứ hạng cải cách hành chính, Đà Nẵng sẽ sớm xử lý các vấn đề trễ hẹn hồ sơ và các công chức gây sách nhiễu cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính.
Người dân khám chữa bệnh BHYT bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp tại Trung tâm Y tế quận Hải Châu |
Nhiều mô hình để phục vụ người dân thuận tiện hơn
Theo kết quả xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2021, Đà Nẵng đã trở lại ấn tượng trong top 5 địa phương dẫn đầu, xếp thứ 3/63 địa phương cấp tỉnh. Kết quả này phản ánh nỗ lực, quyết tâm của lãnh đạo Thành phố nhằm nâng cao chất lượng CCHC.
Năm 2021, trong điều kiện dịch bệnh ảnh hưởng rất sâu sắc đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội của Đà Nẵng, các cơ quan sở, ban, ngành của Thành phố đã triển khai nhiều mô hình để phục vụ người dân thuận lợi nhất.
Trong đó, Công an TP Đà Nẵng (CATP) là một trong số ít công an các tỉnh, thành phố đưa ra tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) nội bộ theo cơ chế một cửa. CATP đã triển khai mô hình một cửa nội bộ để tiếp nhận, giải quyết 106 TTHC thuộc các lĩnh vực tài chính, hậu cần, thi đua khen thưởng, tổ chức cán bộ, chính sách, bảo hiểm cho cán bộ, chiến sĩ ngành công an.
CATP cũng đã rà soát cắt giảm thời gian giải quyết 26 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị và công an các quận, huyện thuộc 8 lĩnh vực, rút ngắn thời gian giải quyết 1 ngày đối với 11 thủ tục, rút ngắn 1/2 ngày đối với 15 thủ tục.
Đặc biệt, CATP đã triển khai mô hình "Công an cơ sở tăng ca phục vụ nhân dân" để kịp thời giải quyết các TTHC thiết yếu cho người dân. Theo đó, lực lượng công an cơ sở đã tổ chức tiếp nhận, giải quyết TTHC vào ban đêm và cuối tuần. Kết quả, lực lượng công an cơ sở trực thuộc CATP đã tiếp nhận, giải quyết hơn 11.000 trường hợp, tiếp nhận giải quyết hơn 5.800 hồ sơ cư trú, hơn 1.500 TTHC khác; điều chỉnh hơn 3.000 thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tương tự, ông Nguyễn Hùng Anh, Phó Giám đốc BHXH Đà Nẵng cho biết, BHXH đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chi trả, quản lý người hưởng. Năm 2021, bình quân tỉ lệ chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, mai táng, tử tuất... qua ATM là hơn 82%, vượt 32,04% so với mục tiêu tại Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 1/1/2021 của Chính phủ. Cơ quan này cũng triển khai thực hiện 25/25 TTHC công, trong đó 60 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công BHXH và Cổng Dịch vụ công quốc gia với 13 đơn vị đang cung cấp, hỗ trợ dịch vụ giao dịch điện tử.
Ngoài ra, tỉ lệ hồ sơ giao dịch điện tử của đơn vị tham gia BHXH mà Đà Nẵng đang quản lý đạt 100%. Cùng với đó, 100% cơ sở khám chữa bệnh đã thực hiện kết nối liên thông dữ liệu lên Hệ thống thông tin giám định BHYT của BHXH Việt Nam.
Thực hiện thủ tục khám chữa bệnh tại Trung tâm Y tế quận Hải Châu, chị Nguyễn Thị Hợi (công dân phường Hải Châu 1) cho biết: "Bây giờ, khi đi khám, chữa bệnh BHYT tôi chỉ cần đem duy nhất căn cước công dân có gắn chip đã tích hợp thông tin BHYT trên đó. Điều này rất tiện lợi, lại giúp tiết kiệm thời gian".
Máy móc, trang thiết bị tại một số bộ phận một cửa nay đã xuống cấp |
Xử lý triệt để công chức gây phiền hà, sách nhiễu
Theo bà Trần Thái Bảo Hân (công dân phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn), nhìn chung cách tiếp đón, hướng dẫn và giải quyết TTHC của cán bộ tại bộ phận một cửa nhiệt tình, chu đáo. Tuy nhiên, bà Bảo Hân nhận xét, việc đánh giá mức độ hài lòng của người dân thông qua tra cứu, bấm nút trên máy tính đặt tại bộ phận một cửa hiện nay còn bất cập, do phải qua nhiều thao tác, thậm chí nhiều nơi máy tính bị hư hỏng, không sử dụng được, kể cả ở bộ phận một cửa cấp quận.
Ông Trần Trung Sơn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng cho biết, qua các chỉ số điều tra, tỉ lệ hài lòng của người dân, tổ chức về việc đầu tư trang thiết bị, đặc biệt là tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, không cao. Việc đầu tư trang thiết bị còn hạn chế. Một số máy móc sau thời gian sử dụng đã bị hư hỏng, và việc thay thế, sửa chữa chưa kịp thời.
"Việc đánh giá của người dân, tổ chức cho thấy thực trạng hiện nay là việc giải quyết TTHC vẫn còn tỉ lệ trễ hẹn khá cao, tập trung vào các lĩnh vực đất đai, xây dựng và lý lịch tư pháp. Kết quả khảo sát ở Đà Nẵng cho thấy, 8,96% người dân, tổ chức trả lời phải di chuyển tối thiểu 4 lần để giải quyết TTHC", ông Trần Trung Sơn cho hay.
Ngoài ra, có 0,63% người dân được khảo sát cho biết vẫn còn tình trạng công chức gây phiền hà, sách nhiễu trong việc tiếp nhận và trả kết quả. Kết quả này cao hơn mức trung bình của toàn quốc, tiệm cận với kết quả cao nhất. Đây là nội dung cần tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý triệt để trong thời gian tới.
Để CCHC tiếp tục đi vào chiều sâu, khắc phục những tồn tại, hạn chế, cải thiện vị trí PAR INDEX trong thời gian đến, Sở Nội vụ Đà Nẵng đã đề nghị các ngành, địa phương chủ động bám sát nội dung xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số để triển khai phù hợp tại ngành, địa phương mình; nghiên cứu các giải pháp mới phù hợp với điều kiện thực tế của ngành, địa phương để xây dựng kế hoạch CCHC. Đồng thời, các địa phương, đơn vị chủ động rà soát, phân tích cụ thể, phát huy kết quả đạt được và có giải pháp khắc phục ngay nội dung còn bất cập, chưa đạt yêu cầu, những tiêu chí mất điểm qua các năm.
Thời gian tới, Đà Nẵng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả trên một số lĩnh vực khó, nhạy cảm theo như kết quả khảo sát, như đất đai hay các lĩnh vực chung giải quyết tại quận, huyện, phường, xã...
"Các ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm túc công tác tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ; nhập đầy đủ các trường dữ liệu công dân trong cơ sở dữ liệu; nghiêm túc thực hiện việc ban hành văn bản xin lỗi kèm theo kết quả giải quyết hồ sơ khi trả kết quả trễ hẹn trên thực tế; xử lý nghiêm trách nhiệm công chức viên chức có hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn và chậm trả kết quả trong giải quyết hồ sơ của tổ chức, công dân", ông Trần Trung Sơn nhấn mạnh.
Theo Chinhphu.vn