Fed tăng lãi suất mạnh nhất trong 28 năm
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa quyết định nâng lãi suất cơ bản thêm 0,75%, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994 trong bối cảnh lạm phát tại Mỹ tăng cao nhất trong 40 năm.
Kết thúc nhiều tuần đồn đoán, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã ấn định mức lãi suất quỹ liên bang lên mức 1,5 - 1,75%, mức cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu vào tháng 3/2020.
Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu sau cuộc họp rằng: "Mức tăng 75 điểm cơ bản hôm nay là một mức lớn bất thường, và tôi không mong những động thái ở quy mô này là phổ biến" (Ảnh: AP). |
Thị trường chứng khoán Mỹ đã biến động mạnh sau quyết định này nhưng chốt phiên trong sắc xanh khi Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu sau cuộc họp rằng: "Mức tăng 75 điểm cơ bản hôm nay là một mức lớn bất thường, và tôi không mong những động thái ở quy mô này là phổ biến".
Tuy nhiên, ông nói thêm rằng, ông hy vọng cuộc họp vào tháng 7 tới sẽ chứng kiến mức tăng ở 50 điểm hoặc 75 điểm cơ bản. Các quyết định sẽ được đưa ra trong "từng cuộc họp" và Fed sẽ "tiếp tục truyền đạt ý định của chúng tôi một cách rõ ràng nhất có thể".
"Chúng tôi muốn thấy có sự tiến triển. Lạm phát không thể đi xuống cho đến khi nó đi ngang", ông nói và thêm rằng: "Nếu không nhận thấy có sự tiến triển nào, chúng tôi có thể phải hành động lại. Nhưng không lâu nữa, chúng ta sẽ thấy một số tiến bộ".
Các thành viên của FOMC cũng ngụ ý về một lộ trình tăng lãi suất mạnh mẽ hơn còn ở phía trước để ngăn chặn lạm phát đang phi mã với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 12/1981.
Theo dự đoán của các thành viên, lãi suất chuẩn của Fed có thể sẽ dừng lại ở mức 3,4% vào cuối năm nay, tức tăng 1,5% so với ước tính hồi tháng 3. Đến năm 2023, mức lãi suất có thể lên đến 3,8%, cao hơn 1% so với dự đoán trước đó.
Cắt giảm triển vọng tăng trưởng năm 2022
Các quan chức cũng đã cắt giảm đáng kể triển vọng tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong năm 2022 từ mức 2,8% được dự đoán trong tháng 3 xuống còn 1,7%.
Dự báo lạm phát, được tính theo chi tiêu tiêu dùng cá nhân, cũng tăng lên 5,2% trong năm nay từ mức 4,3%, mặc dù lạm phát cơ bản, không bao gồm chi phí thực phẩm và năng lượng tăng nhanh, được dự báo ở mức 4,3%, tăng 0,2% so với dự báo trước đó.
Tuy vậy, tuyên bố của FOMC vẫn lạc quan về nền kinh tế ngay cả khi lạm phát cao hơn. "Hoạt động kinh tế nói chung dường như đã tăng lên sau khi giảm trong quý đầu tiên. Số lượng việc làm đã tăng mạnh trong những tháng gần đây và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp. Lạm phát vẫn ở mức cao, phản ánh sự mất cân bằng về cung và cầu liên quan đến đại dịch, giá năng lượng cao hơn và áp lực tăng giá lớn hơn", tuyên bố cho biết.
Các ước tính này cho thấy lạm phát sẽ giảm mạnh trong năm 2023, xuống mức 2,6% đối với lạm phát tổng thể và 2,7% đối với lạm phát lõi, thay đổi rất ít so với dự đoán từ tháng 3.
Về dài hạn, triển vọng chính sách của FOMC phần lớn khớp với các dự báo của thị trường, đó là sẽ có loạt tăng lãi suất tiếp theo để đưa mức lãi suất quỹ liên bang lên khoảng 3,8%, mức cao nhất kể từ cuối năm 2007.
"Cam kết mạnh mẽ" với mục tiêu lạm phát 2%
Động thái của Fed diễn ra trong bối cảnh lạm phát của Mỹ đang tăng với mức nhanh nhất trong hơn 40 năm. Các quan chức ngân hàng trung ương đã sử dụng lãi suất quỹ liên quan để cố gắng làm chậm lại nền kinh tế, tức điều chỉnh cầu để cung có thể bắt kịp.
Tuy nhiên, tuyên bố sau cuộc họp đã loại bỏ cụm từ mà lâu nay vẫn sử dụng là FOMC "dự kiến lạm phát sẽ trở lại mức 2% và thị trường lao động vẫn tăng mạnh". Tuyên bố chỉ nhấn mạnh rằng Fed sẽ "cam kết mạnh mẽ" với mục tiêu.
Chính sách thắt chặt đang diễn ra khi tăng trưởng kinh tế đang chậm lại trong khi giá cả vẫn tăng lên, một điều kiện cho thấy đây là thời kỳ của lạm phát đình trệ.
Theo công cụ theo dõi GDPNow, tăng trưởng quý I của Mỹ đã giảm 1,5% và ước tính quý II sẽ đi ngang. Trong khi 2 tháng tăng trưởng âm được xem là suy thoái.
Trong nhiều tuần qua, các nhà hoạch định chính sách của Fed đã nhấn mạnh đến mức tăng lãi suất 0,5% để kiềm chế lạm phát. Nhưng trong những ngày gần đây, cách tiếp cận đã thay đổi khi lạm phát tăng nhanh nhất trong 40 năm, dù hồi tháng 5 ông Powell đã khẳng định mức 0,75% sẽ không được đưa ra xem xét.
Lạm phát tại Mỹ được đo bằng chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 5 đã tăng lên 8,6%, cao nhất kể từ năm 1981. Thị trường việc làm, một trụ cột của nền kinh tế, mặc dù tăng 390.000 trong tháng 5 nhưng là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 4/2021. Thu nhập bình quân trong năm qua dù tăng về danh nghĩa, nhưng nếu tính điều chỉnh theo lạm phát lại giảm 3%.
Các dự báo của FOMC cũng cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp hiện ở mức 3,6% sẽ tăng lên 4,1% vào năm 2024.
Tất cả những yếu tố này sẽ khiến hy vọng về một cuộc "hạ cánh mềm" của ông Powell thêm phần phức tạp. Các chu kỳ thắt chặt lãi suất trong quá khứ thường dẫn đến suy thoái.
Theo Dân trí