Bắt chuộc đồ mất cắp
(Petrotimes) - Những khu phố mua sắm đi bộ vào buổi tối như chợ đêm Đồng Xuân, khu Chùa Bộc, Cầu Giấy… thường là những tụ điểm cho đạo chích hoành hành. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng này ngày càng gia tăng và ngày một tinh vi hơn.
Đối tượng trộm cắp cũng không phải chỉ ở những tên nghiện ngập, mặt mày bặm trợn mà bây giờ ngay cả những người già, những đứa trẻ còn rất nhỏ, những nam thanh nữ tú nhìn thanh lịch được cải trang tham gia vào ổ nhóm trộm cắp móc túi và sau đó là đòi tiền chuộc giấy tờ của những khổ chủ bất cẩn. Có vẻ như trộm cắp hiện nay đã ngày càng biết cách “kiếm chác” nhiều hơn từ “nghề” của mình.
Một mét vuông có mấy tên trộm
Tại các khu phố đi bộ mua sắm trên tuyến phố Hàng Đào - Đồng Xuân và dịp Trung Thu vừa qua trên phố Hàng Mã, tình trạng móc túi xảy ra thường xuyên. Đối tượng bị trộm cắp móc túi theo dõi thường là chị em phụ nữ, hoặc bất cứ ai chúng thấy sơ hở. Đợt Trung Thu vừa qua ở Hàng Mã dù công an phường đã rải rác đứng ở nhiều tụ điểm tập trung đông đúc nhộn nhịp trên dãy phố nhưng tình trạng móc túi, mất trộm vẫn cứ xảy ra. Thu Huyền (nhà ở khu chung cư Học viên Âm nhạc Việt Nam) trong phút bất cẩn mải mê chọn đồ Trung Thu thì ví tiền cùng đủ các giấy tờ ở túi đeo trước bụng đã biến mất khỏi túi lúc nào không biết. Lên phường Hàng Cót trình báo, Huyền thấy một sấp đơn cũng toàn là trình báo mất ví tiền và giấy tờ. Cũng trong dịp tết Trung Thu vừa qua, trên mạng xã hội facebook đăng tải hình ảnh một nữ sinh đeo tai thỏ đang mải mê tạo dáng chụp ảnh và không để ý đằng sau một phụ nữ tuổi trung niên lợi dụng bế đứa trẻ nhỏ thò tay móc tiền trong túi của mình. Sau khi được đăng tải lên, rất nhiều ý kiến bức xúc bởi hình ảnh lợi dụng trẻ nhỏ để đi trộm cắp, đồng thời các bạn tuổi teen cũng chia sẻ hình ảnh trên các trang mạng xã hội nhằm cảnh báo tình trạng lộn nhộn và phức tạp trên các con phố Trung Thu.
Người phụ nữ bế trẻ nhỏ đang mở khóa ví đầm của cô gái đứng chụp ảnh
Ngoài khu đi bộ trên Hàng Mã, Đồng Xuân, khu phố mua sắm mới tự phát ở Chùa Bộc cũng nhộn nhạo không kém. Thu Hương, nhân viên kế toán của Ngân hàng Agribank sau khi rút 10 triệu đã bị mất sạch vì một phút mải chọn váy áo. Quan sát ngay khu vực Hương bị mất tiền, trên bốt điện gần nơi mấy bác xe ôm ngồi đợi khách có rất nhiều tờ rơi mất giấy tờ được dán lên đây. Một bác thợ khóa gần đấy cho biết, hàng ngày đã chứng kiến tận mắt cảnh nhiều nạn nhân bị móc ví, nhưng bác còn phải làm ăn, chỉ điểm tên này, tên kia thì chỉ có nước tìm chỗ khác. Mà bây giờ, bọn trộm cắp bây giờ ăn mặc lịch sự lắm, trông như sinh viên, công chức, đôi khi là người tuổi trung niên bế theo trẻ nhỏ như đi mua sắm… nên nhiều người chủ quan, không đề cao cảnh giác.
Mà không chỉ móc tiền từ ví, nhiều tên trộm còn luồn tay vào cốp xe máy lấy ví, chỉ xảy ra trong chớp mắt dù phố mua sắm thì lúc nào cũng nhộn nhịp nườm nượp người qua lại. Thời buổi này đi đâu cũng phải đề cao cảnh giác vì chỉ một phút bất cẩn thì tiền bạc và giấy tờ cũng mất trắng luôn, chưa kể nếu để mất điện thoại di động thì nhiều thông tin cá nhân sẽ tạo cơ sở cho chúng lợi dụng uy hiếp, gây phiền nhiễu.
Công khai liên hệ với nạn nhân
Những tên đạo chích móc túi, cướp giật nhiều khi không chỉ khiến khổ chủ khổ sở, bứt rứt vì một phút bất cẩn để mất tiền, mất đồ mà chúng còn khiến nạn nhân lao đao vì những yêu sách, thủ đoạn đòi chuộc lại đồ quan trọng.
Đối với bọn trộm cắp thì mục tiêu thường là ví, túi xách của những ai chúng theo dõi thấy sơ hở. Thường thì trong túi, ví luôn có đủ các loại giấy tờ tùy thân, chứng minh thư, giấy tờ xe, bằng lái xe, thẻ sinh viên, các loại thẻ ATM, VISA… chính vì những giấy tờ quan trọng này mà trộm cắp ngày nay nảy thêm trò lợi dụng đòi thêm tiền chuộc. Chúng sẽ tìm cách liên hệ và lên giá cho chuộc lại, tùy vào số lượng và mức độ quan trọng của những loại giấy tờ này. Bởi tâm lý người bị mất túi, ví, xót tiền là một chuyện nhưng việc mất giấy tờ tùy thân thì còn lằng nhằng, rắc rối hơn nhiều. Cũng vì thế mà hầu hết mọi người nếu có bất cứ cách nào liên hệ được với “đạo chích” sẽ sẵn sàng chấp nhận thỏa thuận để chuộc lại được những giấy tờ quan trọng này.
Huyền sau khi mất ví thì mất thẻ ATM không thể rút được tiền, mất luôn chứng minh thư không thể vào ngân hàng rút được, đi đường thì lo công an phạt vì không có bằng lái, cũng chẳng có giấy tờ xe… Nắm bắt được tâm lý này mà bọn trộm cắp vô tư hét giá trên trời với “chiến lợi phẩm” móc được, thường từ 500.000 đồng trở lên và còn tỷ lệ thuận với số tiền bị mất, vì chúng cứ cho là mất nhiều thì càng có nhiều tiền, càng phải chuộc nhiều. Như trường hợp của Hương, cô bạn phải mất 1 triệu đồng cho giấy tờ tùy thân sau khi đã mất trọn 10 triệu. Sau 2 ngày dán thông báo rơi giấy tờ ở bốt điện khu Chùa Bộc (đối diện Học viện Ngân hàng), có một phụ nữ gọi điện cho Hương và cho biết, chồng cô nhặt được giấy tờ tên Hương nên liên lạc cho người mất, nhưng lại đòi tiền chuộc là 1 triệu đồng cho chứng minh thư, bằng lái xe và 1 thẻ ATM. Người phụ nữ này còn yêu cầu Hương đi một mình hoặc đi với bạn gái, nếu đi với con trai thì: “Đừng mơ đến chuyện lấy lại giấy tờ…”. Bức xúc nhưng Hương vẫn phải ngậm ngùi đưa tiền chuộc cho người phụ nữ và cầm lại chiếc ví với giấy tờ còn 10 triệu thì bay mất. Nhưng dù sao so với nhiều người bị mất Hương cũng còn may mắn tìm lại được.
Thường thì thủ đoạn của những tên trộm cắp này là sau khi lấy tiền, nếu có cả giấy tờ tùy thân chúng sẽ tìm cách liên hệ với người mất, hoặc theo dõi ở những địa điểm nạn nhân bị mất, thường sẽ có tờ rơi với số điện thoại liên lạc rồi sau đó chúng đưa ra yêu sách. Tất nhiên, chúng cũng chỉ nói là nhặt được ở đâu đó, để người mất dù biết chắc bị lấy trộm nhưng không thể có bằng chứng mà nhờ công an can thiệp. Việc liên hệ gặp để thỏa thuận cũng khất lần vài ba lượt để có thể đảm bảo người mất rất cần chuộc lại những giấy tờ này. Hơn nữa, khi gặp được để thỏa thuận, chúng cũng không bao giờ mang theo giấy tờ đi luôn, bởi sợ rằng sẽ bị phục kích và bị lấy lại giấy tờ mà không nhận được một đồng tiền chuộc nào. Chúng luôn thống nhất chỉ hẹn phụ nữ để gặp chuộc đồ, hoặc đàn ông phải đi một mình nhằm tránh trường hợp bị phục kích. Khi tiền trao tay rồi, chúng mới mang giấy tờ ra để trả. Nhiều người đã phải ngậm ngùi đưa số tiền ấy mà không giấu nổi sự bức xúc.
Có vẻ như hiện nay những tên trộm, cướp đang ngày càng biết cách “kiếm chác” nhiều hơn từ “nghề” của mình. Chúng vừa ăn cướp vừa la làng, được voi đòi tiền, đã ẵm trọn tiền móc được còn vòi thêm tiền chuộc giấy tờ. Mà mất giấy tờ thì đi kèm theo bao nhiêu là rắc rối, phiền phức cho nạn nhân, mất thời gian mới làm lại được, đôi khi lại có những giấy tờ còn không làm lại được… Vì vậy, cách tốt nhất là mỗi người nên tự ý thức nâng cao cảnh giác, tự bảo quản tài sản của mình, để không rơi vào cảnh lao đao với những trò vòi vĩnh trắng trợn, đã được “voi” còn vòi thêm “tiên” của bọn trộm cắp.
Thanh Huyền
(Năng lượng Mới số 161, ra thứ Sáu ngày 5/10/2012)