Lệnh cấm dầu Nga của EU tác động ra sao đến thị trường dầu mỏ toàn cầu?
Các nhà máy lọc dầu sẽ phải đối mặt với cuộc cạnh tranh khốc liệt để đảm bảo nguồn cung khi Brussels áp lệnh trừng phạt đối với dầu Nga nhập khẩu bằng đường biển.
Lệnh cấm dầu Nga của EU tác động ra sao đến thị trường dầu mỏ toàn cầu?
Các nhà lãnh đạo của 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) vừa đồng ý áp lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga bằng đường biển. Đây là một phần trong gói trừng phạt thứ 6 mà EU áp đặt với Nga nhằm gây sức ép buộc Moscow chấm dứt chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Để xoa dịu các quốc gia không giáp biển như Hungary, lệnh cấm không áp dụng đối với nhập khẩu dầu bằng đường ống. Nhưng Đức và Ba Lan cho biết họ sẵn sàng giảm mua dầu Nga qua đường ống vào cuối năm nay. Như vậy, kết hợp với lệnh cấm nhập khẩu bằng đường biển, xuất khẩu dầu Nga sang EU sẽ giảm đến 90% vào cuối năm nay.
Xuất khẩu dầu Nga sang EU sẽ giảm đến 90% vào cuối năm nay (Ảnh: Reuters). |
Mặc dù lệnh cấm theo từng giai đoạn sẽ giảm bớt sự gián đoạn về nguồn cung dầu song theo Florian Thaler, giám đốc điều hành của OilX, một công ty phân tích dầu mỏ, tác động của lệnh cấm này vẫn rất nặng nề.
Theo các chuyên gia, trong khi có những người được hưởng lợi trong ngắn hạn như các nhà máy lọc dầu có kết nối với đường ống Druzhba, việc châu Âu loại bỏ dầu Nga sẽ làm rung chuyển ngành công nghiệp hóa dầu của khu vực này lẫn các thị trường dầu thô trên toàn cầu.
"Cuộc cạnh tranh những thùng dầu còn lại trong một thị trường vốn đã eo hẹp nguồn cung chắc chắn sẽ vô cùng khốc liệt và khó làm giá dầu hạ nhiệt", Thaler cho biết.
Lệnh cấm ảnh hưởng ra sao đến thị trường dầu?
Chắc chắn giá dầu ở khắp nơi sẽ tăng khi các nhà máy lọc dầu ở châu Âu cuống cuồng tìm nguồn thay thế.
Theo công ty phân tích vận tải biển Vortexa, trong tháng 5, mỗi ngày có khoảng 500.000 thùng dầu thô của Nga cập cảng khu vực Tây Bắc châu Âu. Con số này đã giảm rõ rệt so với mức 1,4 triệu thùng/ngày trước khi cuộc chiến nổ ra. Tuy nhiên, các chuyến hàng dầu Nga đến các nước Địa Trung Hải như Italy lại thực sự tăng lên kể từ ngày 26/2, mặc dù một phần trong số đó được chuyển đến Thổ Nhĩ Kỳ.
Các nhà phân tích cho rằng, trước cuộc khủng hoảng này, Nga là nước sản xuất hơn 10% nguồn cung dầu mỏ toàn cầu. Vì vậy, nước này cần phải tìm người mua mới cho các thùng dầu của họ nếu không thị trường dầu mỏ quốc tế có thể sẽ bị thiếu cung một cách trầm trọng.
Ấn Độ đã tăng cường mua dầu Nga trong thời gian gần đây. Dẫn số liệu từ Refinitiv Eikon, Reuters cho biết, chỉ riêng trong tháng 5, nước này đã nhập khẩu 24 triệu thùng dầu Nga, tăng từ mức 7,2 triệu thùng trong tháng 4 và khoảng 3 triệu thùng trong tháng 3. Refinitiv Eikon dự báo, trong tháng 6, Ấn Độ có thể nhận khoảng 28 triệu thùng dầu Nga.
Như vậy, kể từ khi chiến sự nổ ra ở Ukraine, Ấn Độ đã nhập tổng cộng khoảng 34 triệu thùng dầu Nga giá rẻ. Điều này khiến tổng giá trị nhập khẩu từ Nga, bao gồm các sản phẩm khác, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng dự kiến sẽ nhập khẩu nhiều hơn khi các thành phố lớn của nước này dỡ bỏ các đợt phong tỏa vì Covid-19. Trung Quốc được cho là đã mua nhiều dầu thô của Nga hơn kể từ khi cuộc chiến nổ ra hồi cuối tháng 2, đặc biệt khi các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào dầu Nga.
Theo số liệu của hải quan Trung Quốc mà SCMP trích dẫn, khoảng 80% hàng hóa nhập khẩu từ Nga của nước này là khoáng sản, trong đó 70% là dầu thô. Trong tháng 3, nhập khẩu dầu thô từ Nga của Trung Quốc đã tăng 29,93% so với năm ngoái, trong khi con số này trong tháng 4 là 59,01%.
Hàng triệu thùng dầu Nga vẫn đang lênh đênh ngoài khơi trên những con tàu chở dầu chưa có điểm đến, cho thấy dầu Nga có thể sẽ phải chật vật trong việc tìm kiếm người mua (Ảnh: FILE). |
Tuy nhiên, vẫn còn đó những câu hỏi lớn là liệu họ sẽ hấp thụ được bao nhiêu dầu Nga, có thể vì lý do nhà máy lọc dầu không phù hợp với dầu Nga hoặc họ không muốn đa dạng hóa nguồn cung.
Trên thực tế, hàng triệu thùng dầu Nga vẫn đang lênh đênh ngoài khơi trên những con tàu chở dầu chưa có điểm đến, cho thấy dầu Nga có thể sẽ phải chật vật trong việc tìm kiếm người mua. Theo số liệu từ công ty dữ liệu tài sản Kpler, lượng dầu Nga "trên mặt nước" (trong các con tàu chở dầu trên biển) đã tăng vọt từ mức 30 triệu thùng trước chiến sự lên 80 triệu thùng trong tháng này.
Số liệu từ Vortexa cũng cho thấy, lượng dầu Urals trên mặt nước hiện đã gấp 3 lần so với mức trung bình trước chiến tranh, trong đó 15% không xác định được điểm đến. Điều này cho thấy một số chuyến hàng có thể đang chuyển đến những người mua không được tiết lộ, một số khác thì chưa bán được.
Tờ Ukrinform của Ukraine cho hay, tập đoàn dầu khí Nga Transneft đã hạn chế quyền truy cập lịch trình xuất khẩu dầu hàng tháng của họ từ các cảng của Nga.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự báo sản lượng dầu Nga có thể giảm đến 3 triệu thùng/ngày. Một số nhà phân tích lạc quan hơn cho rằng mức giảm có thể nhỏ hơn, khoảng 1-1,5 triệu thùng/ngày, tuy nhiên, con số này vẫn có thể khiến giá dầu tăng cao hơn.
Nga sẽ bị tổn hại?
Mục đích chính của lệnh cấm vận dầu Nga của EU là nhằm cắt đứt nguồn tài trợ cho cỗ máy chiến tranh của Moscow, buộc các nhà sản xuất dầu Nga phải đóng cửa các giếng dầu. Tuy nhiên, theo tờ New York Times, nỗ lực này rất nguy hiểm và có thể thất bại. Bởi về cơ bản, nếu giá dầu vẫn tăng, tổng doanh thu từ dầu mỏ của Nga sẽ không giảm nhiều.
Trước khi chiến sự nổ ra, khoảng một nửa lượng dầu xuất khẩu của Nga là xuất sang châu Âu chiếm 10 tỷ USD giao dịch mỗi tháng. Tuy nhiên, doanh số bán dầu của Nga cho các thành viên EU trong vài tháng gần đây đã giảm đi phần nào và bị Mỹ, Anh cấm nhập.
Nếu giá dầu vẫn tăng, tổng doanh thu từ dầu mỏ của Nga sẽ không giảm nhiều (Ảnh: Reuters). |
Các nhà phân tích cho rằng, nỗ lực cắt giảm phụ thuộc của châu Âu ra khỏi nguồn năng lượng Nga có thể khiến châu Âu bị tổn hại trong ngắn hạn, còn Nga lại được hưởng lợi nhờ giá dầu tăng cao. Ngoài ra, việc EU thảo luận quá lâu về lệnh cấm cũng giúp Nga có thời gian tìm kiếm khách hàng mới.
"Ngay lúc này, lệnh cấm có thể không gây ra nỗi đau tài chính quá lớn cho Nga vì giá năng lượng toàn cầu đang tăng. Ngay cả khi Nga bán với giá thấp hơn, nước này vẫn thu được lợi nhuận từ dầu tương đương năm ngoái", ông Chris Weafer - Giám đốc điều hành của công ty tư vấn Macro-Advisory cho biết và lưu ý rằng Ấn Độ và Trung Quốc đều muốn mua thêm dầu Nga và đều được giảm giá lớn so với giá thị trường toàn cầu.
"Tại sao phải đợi 6 tháng?" ông David Goldwyn, một quan chức năng lượng hàng đầu của Bộ Ngoại giao trong chính quyền Obama đặt câu hỏi. Theo ông, các biện pháp trừng phạt cần được tiến hành ngay lập tức, bởi nếu không dầu thô và các sản phẩm của Nga sẽ chảy sang các điểm đến khác.
Tuy vậy, giới phân tích vẫn cho rằng lệnh cấm một phần dầu Nga vẫn là đòn giáng mạnh đối với kinh tế Nga.
Ông John Lough, chuyên gia tại chương trình Nga và Á - Âu tại Viện Nghiên cứu Hoàng gia London, nhận định các biện pháp trừng phạt mới nhất có thể làm giảm nguồn thu này và "tác động đáng kể" đến khả năng hỗ trợ cho chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine do nước này phụ thuộc lớn vào thị trường tiêu thụ dầu mỏ châu Âu.
Tuy nhiên, Nga cũng có những quân bài khác để đáp trả, làm giảm hiệu quả của lệnh cấm vận này. Ngay sau khi EU tuyên bố cấm vận một phần đối với dầu Nga, ông Mikhail Ulyanov, đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế có trụ sở tại Vienna, cho biết Nga sẽ tìm các nhà nhập khẩu dầu khác.
Ông Dmitry Medvedev, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga, cũng cho rằng lệnh cấm vận này chỉ nhằm mục đích làm giảm thu nhập xuất khẩu của Nga và buộc chính phủ phải giảm quy mô lợi ích xã hội.
Nga cũng cho biết đã có những biện pháp đáp trả trước loạt lệnh trừng phạt dồn dập. Theo đó, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đã ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên cho hai công ty lớn của Hà Lan là GasTerra và công ty Oersted của Đan Mạch. Đồng thời tập đoàn này cũng dừng việc vận chuyển dầu cho công ty năng lượng châu Âu Shell. Trước đó, Gazprom cũng đã "khóa van" dòng chảy khí đốt đến Bulgaria, Ba Lan và Phần Lan.
Ai được lợi từ lệnh cấm?
Các nhà máy lọc dầu của các nước như Hungary, với việc vẫn tiếp tục được nhập khẩu dầu Nga qua đường ống Druzhba hay còn gọi là đường ống "hữu nghị", rõ ràng sẽ được hưởng lợi trong ngắn hạn.
Các nhà máy lọc dầu của các nước như Hungary sẽ được hưởng lợi trong ngắn hạn (Ảnh: Reuters). |
Urals, loại dầu xuất khẩu chính của Nga, đang được giao dịch ở mức 95 USD/thùng trong phiên ngày 31/5, thấp hơn 30 USD so với dầu Brent. Do đó, với việc bán các loại nhiên liệu như dầu diesel, xăng theo giá quốc tế, những nhà máy lọc dầu vẫn được tiếp cận dầu Nga qua đường ống sẽ thu được khoản lợi nhuận đáng kể.
Theo tính toán của Financial Times, MOL, công ty lọc hóa dầu duy nhất của Hungary do nhà nước hậu thuẫn, có thể kiếm được hơn 2 tỷ USD lợi nhuận trong vòng 12 tháng từ nguồn dầu Urals giá rẻ tại nhà máy Danube.
Nhiều khúc mắc còn tồn tại
Một vấn đề trước mắt đó là phải làm gì với các nhà máy lọc dầu tại châu Âu do Nga sở hữu và chiếm 10% công suất của khối. Nguồn tài chính của phương Tây cho các nhà máy này, với tổng cộng khoảng 1,2 triệu thùng/ngày, đã cạn kiệt do lo ngại các lệnh trừng phạt, khiến họ phụ thuộc vào việc nhận dầu thô trực tiếp từ các công ty mẹ như Rosneft - tập đoàn dầu khí do nhà nước hậu thuẫn và Lukoil - nhà sản xuất dầu tư nhân lớn nhất của Nga.
Nếu không tiếp cận được với nguồn dầu từ biển của Nga, các nhà máy này sẽ có nguy cơ sớm ngừng hoạt động. Điều này càng làm trầm trọng cuộc khủng hoảng nhiên liệu ở EU. Đặc biệt khi nguồn cung dầu diesel đã khan hiếm, dẫn đến giá bán lẻ tăng kỷ lục tại nhiều nước.
Những nhà máy lọc dầu vẫn được tiếp cận dầu Nga qua đường ống sẽ thu được khoản lợi nhuận đáng kể trong ngắn hạn (Ảnh: AFP). |
Simone Tagliapietra, thành viên cấp cao tại Bruegel, một tổ chức tư vấn ở Brussels, cho biết: "Các chính phủ sẽ phải can thiệp, có thể bằng việc quốc hữu hóa, để giữ cho chúng hoạt động và đảm bảo an ninh năng lượng cũng như việc làm".
Tuy nhiên, cho đến nay các nhà chức trách châu Âu vẫn giữ im lặng về việc liệu họ có hành động hay không.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Thỏa thuận cấm vận một phần dầu Nga tại hội nghị thượng đỉnh Brussels đã để lại một loạt câu hỏi mở về các chi tiết cụ thể sẽ được thực hiện ra sao trong những ngày tới, tuần tới.
Trong số những điều gây chia rẽ nhất là làm thế nào để đảm bảo tất cả các quốc gia thành viên giải quyết được thời điểm đóng kho vận tạm thời cho các chuyến hàng thông qua đường ống. Các quốc gia thành viên sẽ theo dõi sát sao Hungary dựa trên những lập luận mà Thủ tướng Hungary Viktor Orbán đưa ra để phản đối lệnh cấm.
EU có thể xem xét lệnh trừng phạt đối với các mặt hàng xuất khẩu quan trọng khác từ Nga mặc dù các quan chức khối này phủ nhận khả năng tiếp theo của EU là nhằm vào khí đốt.
Khí đốt có thể là mục tiêu trừng phạt tiếp theo của EU (Ảnh: Getty). |
Những người ủng hộ lệnh cấm khí đốt - như Thủ tướng Estonia Kaja Kallas - thừa nhận rằng họ sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn do việc cắt giảm nguồn cung áp đặt lên nền kinh tế EU.
Phát biểu với các phóng viên tại Brussels hôm 31/5, bà Kallas nói: "Tôi nghĩ khí đốt phải nằm trong gói trừng phạt thứ bảy nhưng trên thực tế, tôi không nghĩ điều đó sẽ xảy ra".
Đầu tháng này, Ủy ban châu Âu (EC) ước tính rằng việc cắt giảm hoàn toàn nguồn cung khí đốt từ Nga trong năm nay sẽ làm giảm tăng trưởng của EU 2,5 điểm phần trăm xuống chỉ còn 0,2%.
Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch EC, cho rằng "phần lớn" các biện pháp trừng phạt năng lượng hiện đã được thực hiện và giờ đây ủy ban có thể cần phải tập trung nhiều hơn cho việc thu hẹp các lỗ hổng và giải quyết các vi phạm.
Nội dung: Nhật Linh
04/06/2022
Theo Dân trí