Phải mất 7-10 năm để hoàn thành một dự án điện gió ngoài khơi
(PetroTimes) - Tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, giảm cường độ sử dụng năng lượng của nền kinh tế được nhấn mạnh tại Lễ công bố Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam 2021.
Phát biểu tại buổi lễ công bố Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam 2021 do Bộ Công Thương Việt Nam và Cơ quan Năng lượng Đan Mạch (DEA) tổ chức sáng nay (02/6), Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển mạnh các nguồn năng lượng mới và tái tạo trong cơ cấu nguồn điện quốc gia, đồng thời tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, giảm cường độ sử dụng năng lượng của nền kinh tế để Việt Nam có thể đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050.
Ông Đặng Hoàng An- Thứ trưởng Bộ Công thương phát biểu tại Lễ công bố báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam 2021. |
Đánh giá cao sự hợp tác, hỗ trợ của Chính phủ Đan Mạch dành cho ngành năng lượng Việt Nam, nhất là kể từ năm 2013, Chính phủ Đan Mạch và Việt Nam đã ký hiệp định hợp tác dài hạn trong lĩnh vực năng lượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nhấn mạnh, các dự án, chương trình hợp tác với Đan Mạch thời gian qua đã đóng góp tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu của Việt Nam về đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển ngành năng lượng theo hướng bền vững, trong đó phải kể đến các Báo cáo về Triển vọng Năng lượng Việt Nam các năm 1017, 2019 và 2021.
Việc Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 (Net-Zero) vào năm 2050 tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam thực hiện các mục tiêu chuyển dịch từ nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống sang các nguồn năng lượng xanh, sạch, giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu
Thứ trưởng Đặng Hoàng An, cho biết "Kế thừa sự phát triển mạnh gần đây về phát triển năng lượng tái tạo, Chính phủ Việt Nam đang chỉ đạo sẽ tiếp tục tăng mạnh tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện quốc gia bao gồm thuỷ điện, điện gió trên bờ và ngoài khơi, điện mặt trời, sinh khối; các loại hình năng lượng mới, trong đó có Hydro, amoniac xanh, v.v... khi công nghệ được chứng thực; đồng thời tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, giảm cường độ sử dụng năng lượng của nền kinh tế".
Theo ông Ulrik Eversbusch - Giám đốc Trung tâm Hợp tác toàn cấu, Cục Năng lượng Đan Mạch cho rằng, tiềm năng phát triển NLTT của Việt Nam trong đó có điện gió ngoài khơi (ĐGNK) là rất lớn. Theo tính toán, điện mặt trời và thủy điện có thể chiếm tới 75% nguồn cung năng lượng vào năm 2050, và ĐGNK có thể lên tới 160GW trong dài hạn.
Trong thiết kế Quy hoạch Điện 8, Việt Nam dự kiến có khoảng 7-8 nghìn GW điện gió ngoài khơi. Từ kinh nghiệm của Đan Mạch, phải mất từ 7-10 năm mới hoàn thành được một dự án ĐGNK công suất lớn. Về những khó khăn, trở ngại đối với phát triển ĐGNK ngoài khơi ở Việt Nam, ông Ulrik Eversbusch cho rằng: "Trước hết, ĐGNK đòi hỏi công tác quy hoạch hết sức thận trọng, kỹ lưỡng; đồng thời phải gắn kết với công tác quy hoạch không gian biển. Chúng ta cũng phải xem xét xem là trong những trường hợp nào, và những vị trí nào thì sự tồn tại của các trang trại điện gió ngoài khơi sẽ mâu thuẫn, xung đột với các mục đích sử dụng đáy biển khác… Chúng tôi cũng đang hỗ trợ Việt Nam trong công tác quy hoạch không gian biển trên cơ sở phối hợp với các cơ quan của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Thứ hai là chúng ta cũng cần phải cân nhắc hết sức kỹ lưỡng về việc phát triển và nâng cấp lưới điện. Đây là điều hết sức quan trọng để tạo thuận lợi cho việc phát triển các dự án điện gió ngoài khơi, và chúng ta cần phải tính đến yếu tố này một cách hết sức nghiêm túc..".
Việt Nam có nhiều tiềm năng chuyển đổi xanh để trở thành một nền kinh tế có mức phát thải carbon ròng bằng không vào năm 2050 là thông điệp của Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam 2021 được các chuyên gia đánh giá cao. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, các dẫn chứng số liệu vẫn đang chủ yếu ở dạng tiềm năng kỹ thuật, cần có các khuyến nghị, giải pháp để hiện thực hoá các tiềm năng này. Chỉ riêng việc tiếp cận được với các giải pháp tài chính có chi phí thấp là tối cần thiết. Bởi, theo số liệu từ Báo cáo cho thấy, quá trình chuyển đổi xanh của hệ thống điện sẽ cần rất nhiều vốn với mức đầu tư hàng năm có thể lên đến 167 tỷ USD vào năm 2050 trong kịch bản phát thải ròng bằng 0, tương đương với 11% GDP dự kiến năm 2050.
Và giải pháp được cho là hiệu quả cả trong trước mắt cũng như lâu dài được các chuyên gia khuyến cáo vẫn là nâng cao ý thức về sự hữu hạn của nguồn cung gắn với đầu tư mạnh vào sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn năng lượng.
Nguyên Long