Bao giờ và như thế nào cuộc xung đột ở Ukraine mới kết thúc?
(PetroTimes) - Phương Tây nói rằng việc này do người Ukraine quyết định. Tuy nhiên theo The Economist, sau ba tháng cuộc xung đột nổ ra, các nước đang chia làm hai phe chính. Một bên là phe “Hòa bình”, muốn ngưng chiến và bắt đầu đàm phán càng sớm càng tốt. Bên kia là phe “Công lý”, đòi hỏi phải bắt Nga trả giá đắt cho cuộc chiến.
Những tranh cãi trước hết về lãnh thổ: Để yên những phần đất Nga vừa chiếm hay đẩy lùi về ranh giới trước 24/2, hoặc thu hồi cả Crimea? Bên cạnh đó là lợi và hại khi cuộc chiến kéo dài, vị trí của Nga tại châu Âu. Phe “Hòa bình” hoạt động tích cực: Đức kêu gọi ngưng bắn, Ý đề nghị một kế hoạch 4 giai đoạn, Pháp nói về một hòa ước không làm mất mặt Moscow. Đối mặt là phe “Công lý”, chủ yếu gồm Ba Lan và các nước Baltic, được Anh nhiệt tình ủng hộ.
Còn Mỹ? Nhà tài trợ lớn nhất cho Ukraine vẫn chưa đưa ra mục tiêu cụ thể. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sau khi khẳng định phương Tây phải giúp Ukraine chiến thắng, làm Nga yếu đi, lại kêu gọi “ngưng bắn lập tức”. Một cú đánh khác vào phe “Công lý” là New York Times khẳng định Nga khó thể thất bại. Henry Kissinger thì tuyên bố cần bắt đầu đàm phán trong 2 tháng tới. Về phía Tổng thống Ukraine thì bày tỏ mong muốn thế giới đoàn kết lại. Hiện nay theo The Economist, Ukraine khá có lý khi tỏ ra lạc quan: Rõ ràng Nga không dễ dàng chiến thắng, và sắp tới vũ khí phương Tây sẽ là ưu thế. Tuy nhiên việc chấm dứt chiến tranh phần lớn tùy thuộc vào Moscow.
Dẫn lời chuyên gia Andrei Kortunov, The Economist đã đưa ra 3 kịch bản, và mỗi kịch bản đều mang lại hậu quả địa chính trị to lớn. Nếu Kremlin hoàn toàn bại trận trước Ukraine, một nước Nga không còn ồn ào sẽ giúp phương Tây dễ dàng đối phó với Trung Quốc hơn. Nếu cuộc chiến dẫn đến một thỏa thuận không hoàn hảo nhưng cả đôi bên chấp nhận được, sự cạnh tranh giữa 2 mô hình tổ chức xã hội của Nga và Ukraine sẽ tiếp tục nhưng ít thô bạo, tiếp theo là một sự thỏa hiệp quan trọng hơn giữa phương Tây và Trung Quốc. Có được thỏa thuận với Nga thì vẫn có thể thỏa thuận với Trung Quốc, dù sẽ mất nhiều thời gian, sức lực và nhân nhượng, dẫn đến những thay đổi lớn tại Liên Hiệp Quốc.
Còn nếu không thương lượng được, chiến tranh kéo dài thông qua những chu kỳ ngưng bắn tạm thời và những đợt leo thang, những định chế quốc tế sẽ sụp đổ trong bối cảnh chạy đua vũ trang, phổ biến vũ khí hạt nhân và vô số cuộc xung đột khu vực, tạo ra tình trạng hỗn loạn trong những năm tới. Dù có nhiều biến số, khó thể đánh giá chính xác, nhưng ông Kortunov kỳ vọng vào việc đạt được một thỏa ước chấm dứt chiến tranh. Có nghĩa là nhân loại không để cho những hy sinh của Ukraine trở thành vô nghĩa.
Về tác động của cuộc chiến tranh Ukraine, The Economist nói về một châu Âu mới. Cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã làm rung chuyển toàn bộ châu lục, sâu sắc hơn hẳn những gì biểu hiện bên ngoài. Tác động này thấy rõ về quốc phòng, với quyết định đầu tư ồ ạt cho quân đội của Đức và Phần Lan, Thụy Điển xin gia nhập NATO. Biên giới giữa NATO và EU gần như xóa nhòa, vì sắp tới chỉ còn 4 nước EU không phải là thành viên Liên minh Bắc Đại Tây Dương (Áo, Chypre, Ireland, Malta).
Một trận “động đất” nữa tại châu Âu là sự thay đổi tương quan trong nội bộ. Cặp Pháp - Đức vốn là cột trụ chính, không còn giữ được vị trí.
Người thắng lớn là Mỹ, giữ vai thủ lãnh thế giới tự do, xóa được tiếng xấu trong vụ rút khỏi Kabul.
H.Phan