Đánh đu cùng phận yến (Kỳ I)
(Petrotimes) - Vấn nạn đầu tư xây nhà nuôi chim yến tràn lan ở Cần Giờ (TP HCM) và các địa phương đã tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu hiệu quả kinh tế mang lại không như mong đợi, thậm chí ảnh hưởng đến môi trường, phiền hà cuộc sống người dân. Bài toán nan giải đặt ra đối với các cơ quan chức năng là cần làm gì để có hướng quy hoạch phát triển bền vững nghề nuôi chim yến mà không tác động xấu đến môi trường?
Kỳ I: Mục sở thị “đại bản doanh” chim yến Cần Giờ
Một ngày cuối tháng 9, chúng tôi về thăm “đại bản doanh” chim yến Cần Giờ ở xã Tam Thôn Hiệp để tìm hiểu cuộc sống của người dân nơi đây cũng như mức độ hiệu quả phong trào nuôi chim yến, nhất là sau khi Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) TP HCM có “lệnh” ngăn chặn tình trạng xây nhà nuôi chim yến tràn lan để chờ quy hoạch của thành phố.
Từ bến phà Bình Khánh, xe chạy bon bon trên con đường Rừng Sác được chừng hơn 12 cây số là đã đến ngã ba Tam Thôn Hiệp rồi rẽ trái chạy thêm một đoạn ngắn là bắt đầu đặt chân vào vùng trung tâm nuôi chim yến. Gọi Tam Thôn Hiệp là “đại bản doanh” chim yến cũng không ngoa bởi địa phương này hiện đang tồn tại 114 căn nhà gây nuôi chim yến lấy tổ (chiếm đến 80% số nhà nuôi chim yến của Cần Giờ) và cũng là “cái nôi” xuất phát phong trào nuôi chim yến bát nháo ở TP HCM hiện nay. Đa số là nhà 1 trệt 2, 3 lầu với diện tích trung bình hơn 500m2.
“Có tiếng nhưng không có miếng”
Người đầu tiên mà Hội Nông dân xã Tam Thôn Hiệp giới thiệu với chúng tôi gặp mặt chính là ông Lê Văn Hồng (50 tuổi) ở tổ 15, ấp An Lộc. Là một trong những nông dân của xã tham gia phong trào nuôi yến, ông thú thực từ lúc đầu tư 1,6 tỉ đồng xây nhà nuôi chim yến trên đất nhà (diện tích 9x21m) vào giữa năm 2011 nhưng đến nay căn nhà này mới chỉ thu hút có 5-6 cặp chim yến.
“Vậy là đỡ lắm rồi chú ơi, chứ vài tháng trước chẳng được con nào. Tui phải mướn thợ về sửa lại căn nhà mấy lần thì mới thu hút được vài con chim đến trú ngụ”, ông Hồng bộc bạch.
Nhà bê tông ở Tam Thôn Hiệp để nuôi yến
“Thế từ trước đến giờ nhà mình đã thu hoạch được bao nhiêu tổ yến?”, chúng tôi hỏi. Nhẩm tính mãi một hồi rồi ông Hồng mới đáp gọn lỏn: “Chỉ có 4 tổ thôi, mỗi tổ bán được chừng 250.000-500.000 đồng”.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết ông Hồng vốn chứng kiến cái cảnh, một hai năm về trước, khi những đại gia đi trên những chiếc xe đời mới cáu cạnh từ thành phố cứ tấp nập xuống Tam Thôn Hiệp mua đất xây “lâu đài” nuôi yến mà trong lòng không khỏi “sốt ruột”. Tưởng nghề này “ngon ăn” nên cũng muốn bắt chước để làm giàu. Tuy nhiên, đây là cái nghề mà người ta thường hay giấu giếm, lại đầu tư vốn lớn, thậm chí phải thuê chuyên gia nước ngoài, nên không dễ gì thâm nhập để mà làm theo. Thấy họ làm riết thì ông cũng xây theo, nhất là khi đã có đất nhà, lại có 1,6 tỉ đồng tiền nhàn rỗi trong tay.
Thế nhưng do cách làm thủ công, thiếu khoa học nên mật độ đàn chim bay về căn nhà của ông làm tổ có vẻ không được khả quan lắm. Tuy vậy, ông Hồng vẫn cố chấp cho rằng mình đầu tư không sai. “Phải kiên trì chú ơi, hy vọng năm sau sẽ có nhiều yến hơn, chứ bây giờ gửi số tiền đó vào ngân hàng thì được bao nhiêu, còn đầu tư nuôi tôm cũng nhiều rủi ro lắm”, ông Hồng tự an ủi mình.
Cũng như ông Hồng, mang cái tính cố hữu của người nông dân theo tâm lý “bầy đàn” khi thấy người ta làm gì thì mình làm nấy, bất chấp có hiệu quả kinh tế lâu dài hay không, một số hộ nông dân khác ở Tam Thôn Hiệp cùng xúm lại với nhau rồi vay vốn ngân hàng, mượn tiếng là về nuôi tôm nhưng thực chất là xây nhà nuôi yến. “Cán bộ tín dụng cũng quen mặt nên mượn tiền không khó lắm!”, một nông dân tên G nói.
Tuy nhiên, do hiệu quả không như mong đợi, đã có nhiều trường hợp ở xã rao bán đất và nhà yến khắp nơi. Thậm chí, có trường hợp chỉ một căn nhà dẫn dụ chim yến mà có đến 9 ông nông dân vay ngân hàng để hùn vốn đầu tư. Khi xây nhà xong rồi mà đợi hoài không thấy chim yến vô làm tổ. Có người đề nghị rót vốn tiếp để chỉnh sửa nhà, mướn chuyên gia nước ngoài. Ông nào cũng ngán tiền nên nạnh hẹ nhau, đâm ra cãi cọ. Rồi mọi chuyện cũng im xuôi, đến lúc yến về làm tổ được chút ít, mỗi tháng thu được vỏn vẹn 0,5-1kg, có bán được chút đỉnh tiền nhưng khi chia đều cho 9 người thì lại quá ít ỏi, không đủ để trả nợ nên “cuộc chơi” của họ cũng đành rã đám.
Hoặc có trường hợp như một ông nông dân ở Tam Thôn Hiệp, xây nhà nuôi yến cách đây gần 4 năm với cơ ngơi được đầu tư xây dựng không kém bất cứ ai trong xóm, cũng hệ thống loa, điều hòa, thuốc nhử mùi, phun sương... Vậy mà đàn chim chẳng thấy bay về làm tổ. Ông mời một kỹ sư người Malaysia tư vấn kỹ thuật và cam kết sau 1 năm sẽ thu được 5kg tổ yến mỗi tháng, bù lại phải trả công cho ông chuyên gia mức chi phí vài trăm đôla trên mỗi mét vuông. Rốt cuộc lượng chim yến cũng không đến ở như cam kết mà chi phí thì ngày càng tốn kém. Thi thoảng cũng có đợt chim yến tụ họp về nhà ông, nhưng đến rồi lại đi. Đến khi có nhà báo hoặc người ở thành phố tình cờ xuống tìm hiểu thì ông “oang oang” nhà yến của mình đã thu được vài trăm tổ. Hóa ra, theo lời những người hàng xóm thì chim yến về nhà ông ấy có được là bao nhiêu đâu, ông muốn “nổ” để bán lại căn nhà với giá cao cho những “tay mơ” muốn nuôi chim yến (?!).
Tuy vậy, bên cạnh đó cũng có một số nông dân trong xã làm ăn khấm khá khi táo bạo vay vốn ngân hàng xây nhà nuôi yến. Điển hình như bà Võ Thị Gấm (còn gọi là Tám Gấm, ngoài 50 tuổi) ở tổ 18, ấp An Lộc. Tìm đến nhà bà Gấm, chúng tôi chứng kiến các đàn yến bay rợp trên cả hai nóc nhà. Bà cho biết, đã nuôi yến được 2 năm nay, mỗi tháng thu được 2-3kg, có những tháng như vào mùa mưa này có thể nói là “cao điểm” khi thu hoạch tới 5kg, mỗi tháng bỏ túi cả trăm triệu đồng. Bây giờ Tám Gấm đã là bà chủ của cơ sở yến Gấm Lộc có chút ít tiếng tăm trong xã, nguồn tiêu thụ tổ yến của bà là các cơ sở chăm sóc sắc đẹp, các cửa hàng ở trung tâm thành phố, khu vực sân bay…
Theo bà Tám Gấm, nghề này lúc may lúc rủi, phải tốn nhiều công sức. Do có sẵn đất, lại may mắn nằm ở vị trí tốt để thu hút chim yến nên gia đình bà mới quyết định vay ngân hàng 4 tỉ đồng để nuôi tôm và đầu tư vào 2 nhà nuôi yến. Hiện bà đã trả nợ ngân hàng được hơn 1 tỉ đồng từ nguồn thu hoạch tổ yến khá ổn định. Bà kể, có những hộ đang xây nhà thì yến đã ào ào kéo đến làm tổ, nhưng cũng có cả chục căn hộ xây được 2 năm nay mà không có con yến nào chịu bay vào.
Để tìm hiểu cặn kẽ nghề nuôi chim yến ở Tam Thôn Hiệp, chúng tôi tìm gặp anh Nguyễn Văn Út, Chủ tịch Hội Nông dân xã. Anh trầm tư đánh giá tình hình xây nhà nuôi chim yến hiện nay cũng có thêm vài trường hợp nhưng mức độ không nhiều bằng những năm trước. Thế nhưng theo anh Út, nguyên nhân chính không phải chỉ vì lý do nuôi yến không hiệu quả mà là do giá đất ở vị trí thuận lợi để nuôi yến có giá quá cao khiến các đại gia Sài Gòn chùn bước. Chỉ tính riêng giá đất ở “phố nhà yến” tại tổ 5, ấp An Hòa đã bị thét giá lên đến 7-10 triệu/m2.
“Giá đất cao, lại phải đầu tư vốn lớn nên 90% nhà nuôi yến trong xã là do các đại gia ở Sài Gòn hoặc Việt kiều bỏ tiền ra mua đất để xây dựng, ít thì 1 căn, nhiều thì 4-5 căn. Muốn gặp mấy ông chủ đại gia này cũng không dễ, 1-2 tháng họ mới xuống nhà yến thu hoạch, còn ngày thường họ thuê một hai người địa phương trông coi. Tôi nghe nói có nhiều ông chủ mỗi tháng thu hoạch tổ yến được vài trăm triệu, thậm chí cả tỉ đồng/tháng. Hội Nông dân muốn vào tìm hiểu kinh nghiệm mà có được được đâu!”, anh Út cho biết.
Tổ yến thu được
- Thế các ông chủ này có hỗ trợ gì cho địa phương hoặc cho Hội Nông dân không anh?
- Mang tiếng là “đại bản doanh” nuôi chim yến của Cần Giờ nhưng xã chúng tôi chỉ được “cái tiếng chứ không có miếng”. Chuyện đóng thuế ở mức độ nào cho chính quyền địa phương thì tôi không rành, nhưng rõ ràng đại gia nuôi yến làm ăn hiệu quả ở đây chẳng có hỗ trợ gì về kỹ thuật, kinh nghiệm cho Hội Nông dân và bà con trong xã!
- Nhưng bù lại là thu hút được lao động địa phương?
- Có bao nhiêu đâu anh ơi, thợ xây thì cũng chỗ khác đến rồi đi, người địa phương thì cũng chỉ có một vài người được thuê trông nhà hộ.
- Thế bây giờ Hội Nông dân của mình có khuyến khích xây nhà nuôi yến hay không?
- Cũng bởi nông dân trong xã có ít vốn, lại không có kinh nghiệm nên việc họ đầu tư xây nhà nuôi yến là rất khó. Nông dân ở đây chủ yếu là nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm. Hội Nông dân chỉ có thể hỗ trợ cho bà con trong ngành nghề truyền thống này mà thôi. Nhưng việc nuôi tôm sú cũng bấp bênh do dịch bệnh, giá cả phập phù. Còn đối với nghề nuôi chim yến, do không biết mức độ hiệu quả chính xác là bao nhiêu, kiến thức về nghề này cũng hạn chế nên chúng tôi rất khó giúp bà con đầu tư.
Qua câu chuyện trao đổi cùng chúng tôi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Thôn Hiệp có nêu một vấn đề bất cập hiện nay là các ông chủ nhà yến thường xin giấy phép xây cất nhà để ở từ phía huyện Cần Giờ. Nhưng sau đó họ không hoàn công và chuyển đổi công năng để nuôi chim yến. Về mặt pháp lý, lực lượng xã có muốn ngăn chặn cũng không được! Điều đáng ngại là có khá nhiều nhà nuôi yến nằm trong khu dân cư. Nhiều bà con trong xã, nhất là ở ấp An Hòa, đã phàn nàn, thậm chí gửi đơn phản ánh tình trạng gây tiếng ồn và nạn ô nhiễm từ nguồn phân chim yến rơi vãi khắp nơi, bốc mùi… nhưng đến giờ vẫn chưa giải quyết dứt điểm.
Cận cảnh “phố nhà yến”
Sau buổi làm việc cùng Hội Nông dân xã, chúng tôi đã mục sở thị nơi mà người dân địa phương thường gọi là “phố nhà yến”. Phố này nằm cạnh sông Lòng Tàu, ngay sát khu dân cư thuộc tổ 5, ấp An Hòa - nơi có mật độ chim yến về làm tổ đông đảo nhất trong xã và cũng là nơi xuất phát phong trào nuôi chim yến ở Cần Giờ.
Sở dĩ có biệt danh “phố nhà yến” là do con phố nhỏ này chỉ dài độ chừng 200m nhưng có đến khoảng 20 căn nhà dẫn dụ chim yến nằm kề nhau. Trong đó, riêng ông A Lý (người Malaysia, người đầu tiên nuôi yến ở Cần Giờ) sở hữu 4 căn nhà nuôi yến đã cho sản phẩm và 1 căn đang xây dở, thu nhập ít nhất 1 tỉ đồng/tháng. Ngoài ra, còn có hộ của ông bà Trần Bạch Mai (đến từ Sài Gòn) sở hữu 3 căn nhà nuôi yến đang khai thác và 2 căn đang xây dựng.
Ở “phố nhà yến” có một đại gia người địa phương là bà Võ Thị Hiển (chủ cơ sở yến Tý Hiền) được một vài Việt kiều hợp tác xây nhà nuôi yến. Vốn giàu lên từ nghề này nhưng trông bà có vẻ lạnh nhạt khi tiếp chuyện với người khác, nhất là những hàng xóm vốn thường phàn nàn chuyện nhà nuôi yến gây ô nhiễm.
Trao đổi với chúng tôi, bà Hiền bảo rằng, do mật độ nhà nuôi yến mọc lên san sát nên hiệu quả thu hút yến về làm tổ không nhiều như những năm trước. Cho nên, dù ở ngay trung tâm “phố nhà yến”, nhưng vợ chồng bà chỉ đầu tư một căn nhà nuôi yến chứ không làm thêm mà chuyển hết ra ngoài thị xã Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) để xây nhà yến. Bà kể, có cặp vợ chồng nhà báo tên Chuyển - Hương ở thành phố (công tác ở báo T.T) sở hữu đến 3 căn nhà nuôi yến trên con phố nhỏ này, “chúng nó giàu lắm!”.
Cứ tưởng “phố nhà yến” sẽ là niềm tự hào cho người dân ở ấp An Hòa, vậy mà hoàn toàn ngược lại, họ đang phải chịu đựng giữa một bầu không khí ngột ngạt triền miên. Họ bức xúc cho rằng, đó là những căn nhà nuôi yến gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến đời sống tinh thần và sức khỏe của người dân.
Bà Nguyễn Thị Giấy (46 tuổi, trú tổ 3, ấp An Hòa) phàn nàn: “Từ xưa nay dân trong ấp vốn quen hứng nước mưa để xài, nhưng nhiều năm nay nước mưa cũng dơ bẩn bởi phân chim yến rơi vãi tràn lan và hôi thối trên nóc nhà, trên máng xối. Mỗi lần tôi phơi quần áo hay chén bát ngoài trời hoặc rửa rau quả là dính phân yến tùm lum. Hơn nữa, tôi vốn bị chứng rối loạn tiền đình, lại suốt ngày đêm bị tra tấn bởi âm thanh khuếch đại từ các máy dụ chim yến ồn ào đến mức nhiều lúc phát điên. Từ lâu tôi đã muốn chuyển đến nơi khác để ở nhưng hoàn cảnh khó khăn nên chưa đi được!”.
Tương tự, láng giềng với bà Giấy là anh T và một số hộ dân khác cũng bày tỏ sự bức xúc về mức độ gây ô nhiễm, mất vệ sinh của “phố nhà yến”. “Do không xài được nước mưa nên nguồn nước sinh hoạt chủ yếu là nước máy khá tốn tiền”, anh T nói. Một điều lạ là khi chúng tôi hỏi tên thật của anh T để đăng lên báo thì anh và gia đình cứ giấu giếm, sợ sệt. Họ tâm sự rằng, một số chủ nhân của “phố nhà yến” là những người có thế lực nên họ không muốn dây dưa.
Điều làm những cư dân ấp An Hòa đau đáu chính là tình cảnh nhiều trường hợp người dân địa phương đã bán đất và nhà cho các đại gia để chuyển đi nơi khác, mãi rời xa “phố nhà yến” quái quỷ, mà đó cũng là lý do một phần làm cho giá đất ở đây tăng đến chóng mặt nên bán quách đi cho rồi và một phần cũng bởi môi trường bị ô nhiễm từ những căn nhà nuôi yến lân cận mà họ đã không thể chịu đựng nổi được nữa(?!)
Kỳ II: “Lộc trời” xa vời vợi
(Xem tiếp kỳ sau)
Phóng sự của Thế Vinh