Một tài năng Việt độc đáo trên văn đàn Pháp: Tôi chọn là kẻ đào vong!
(PetroTimes) - Hiếm có nhà văn gốc Việt nào được giới phê bình Pháp đánh giá cao như Linda Lê, đồng thời các tác phẩm của bà cũng để lại dấu ấn mạnh mẽ trong lòng công chúng.
Bà nhận nhiều giải thưởng văn học như giải Vocation (1990), giải Renaissance de la nouvelle (1993), giải Fénéon (1997), giải Wepler (2010)… Năm 2012, cuốn tiểu thuyết Sóng ngầm của Linda Lê được xem là một trong những tác phẩm giá trị nhất của mùa văn học Pháp năm ấy và lọt vào danh sách 4 đề cử chung kết giải Goncourt.
Sáng ngày 9/5 vừa qua, Linda Lê đã qua đời tại Paris, Pháp, ở tuổi 59, để lại nỗi tiếc thương cho giới văn chương và độc giả.
Nhà văn Linda Lê |
Để tưởng niệm cố nhà văn, Nhã Nam và Viện Pháp phối hợp tổ chức một buổi trò chuyện nhỏ tại Hà Nội vào ngày 29/5/2022, để cùng thân hữu, các độc giả, những người yêu mến bà chia sẻ và lắng nghe.
Nhà văn gốc Việt Linda Lê là một tài năng độc đáo trên văn đàn Pháp. Các tác phẩm của bà có sự giao thoa giữa nhiều chủ đề: lưu vong, nỗi mất mát, mối quan hệ trong gia đình và những tổn thương thời thơ ấu đeo đẳng đời sống của người trưởng thành. Năm 2019, bà nhận giải thưởng Prince Pierre de Monaco, ghi nhận sự nghiệp sáng tác tại đất Pháp của bà.
Sinh năm 1963 tại Đà Lạt, Linda Lê sang Pháp năm 1977, theo mẹ có quốc tịch Pháp, trong khi cha ở lại Việt Nam; sự chia lìa đau khổ này sẽ để lại ảnh hưởng mạnh mẽ lên những trang viết của bà về sau. Bà sở hữu lối viết thôi miên kỳ lạ, những kết hợp từ sáng tạo và các nhân vật độc đáo.
Bà viết tiểu thuyết bằng tiếng Pháp. Sau này, các tác phẩm của bà lần lượt được giới thiệu với độc giả quê nhà qua bản dịch tiếng Việt dày công sức của các dịch giả như Hồ Thanh Vân, Bùi Thu Thủy, Nguyễn Khánh Long...
Một số tác phẩm của bà ở Việt Nam đã được xuất bản như Lại chơi với lửa (Autres jeux avec le feu, bản tiếng Việt xuất bản năm 2009), Vu khống (Calomnies, 2010), Thư chết (Lettre morte, 2013), Sóng ngầm (Lame de fond, 2018)…
Trong văn chương của mình, Linda Lê luôn hé lộ, gián tiếp hay trực tiếp, ít nhiều về bản thân. Có thể kể đến một số cuốn dưới đây.
Lại chơi với lửa (2009) - Dịch giả Hồ Thanh Vân
Tập truyện ngắn “Lại chơi với lửa” tràn ngập những bi kịch u tối, rùng rợn, bế tắc và những chi tiết hoang đường.
Trong cuốn sách này, có thể nhận thấy triết lý mà Linda Lê đã có lần nhấn mạnh: Viết là lưu đày. Các nhân vật chính trong này đều viết, một cách say sưa, ám ảnh. Trong truyện "Con ruồi", một người đàn ông lấy ruồi làm nàng thơ để viết, để rồi chết vì chính nàng thơ của mình; hay một truyện ngắn khác kể về một nhà phê bình văn học luôn dồn hết tâm lực vào mỗi bài viết, để rồi chết khi thần tượng sụp đổ…
Vu khống (2010) - Dịch giả Nguyễn Khánh Long
Tiểu thuyết xoay quanh câu chuyện của một người nhập cư (có lẽ là từ Việt Nam), anh ta bị gia đình gửi vào một trại thương điên ở Pháp suốt 10 năm. Được một bác sĩ tốt bụng giúp đỡ, anh tự cứu chính mình bằng việc học tiếng Pháp, đọc những tác phẩm trong thư viện.
Nhưng trong truyện này, ai mới là người điên? Nhân vật chính bị xem là điên, nhưng anh ta lúc nào cũng ý thức mình đang làm gì. Có phải gia đình anh mới là điên khi xích chân cụ cố vào giường cho đến chết, giam em gái vào phòng, đẩy em trai vào trại tâm thần và tin chắc rằng đời nào dòng họ này cũng có một người điên và anh chính là người ấy?
Thêm lần nữa thế giới người điên lại có thêm cho mình một tác phẩm văn chương bậc thầy.
Thư chết (2013) - Dịch giả: Bùi Thu Thủy
Cuốn sách tang tóc này là cuộc tìm kiếm một tuổi thơ đã mất. Giờ phút xếp lại những bức thư của người cha vừa khuất là dịp để con gái thổ lộ nỗi đau giằng xé tâm can vốn kìm nén suốt hai mươi năm trời cha con xa cách.
Gọi là “Thư chết” bởi thư được gửi tới người quá cố, cũng chính vì thế mà không bao giờ đến tay người nhận. Lá thư giống như lời thỉnh cầu âm thầm trước vong linh người cha, hiển hiện một khao khát mãnh liệt được nối kết, được hàn gắn.
Sóng ngầm (2018) - Dịch giả: Hồ Thanh Vân – Bùi Thu Thủy
Được xem là một trong những tác phẩm giá trị nhất của mùa văn học Pháp năm 2012 và lọt vào danh sách 4 đề cử chung kết giải Goncourt.
Cuốn sách khám phá những phức tạp trong mối quan hệ gia đình, nguồn cội, ngôn ngữ và sự cách biệt văn hóa. Bốn nhân vật, mỗi người một giọng kể, mỗi người một tâm tư, bị ràng buộc với nhau bởi một câu chuyện.
Với tiểu thuyết này, Linda Lê dường như có một sự đổi khác, từ chỗ luôn giấu mình tới chỗ muốn phơi bày một phần nội tâm, như để tưởng niệm nơi chốn đã nuôi dưỡng, “cứu vớt” mình.
Linda Lê từng trả lời phỏng vấn nhà văn Vũ Hồi Nguyên năm 2010. Xin trích đăng một phận nội dung bài phỏng vấn đó dưới đây:
-Văn chị tràn đầy sự căng thẳng. Đôi khi văn như bị thương đau. Sự căng thẳng đó từ đâu ra? Trong đó phần nào do nỗi đau của hành động viết? Phần nào do nổi loạn trước cảnh quan thế giới bên ngoài?
-Sức căng đó luôn luôn tiềm ẩn, ngay cả khi tôi không viết. Tôi luôn cảm thấy cái đứt gãy giữa mình và thế giới bên ngoài, mặc dù mấy năm gần đây tôi không còn cực lực đối kháng với nó, tôi không hoàn toàn yên bình, vẫn tồn tại một xung năng ngầm luôn thúc đẩy tôi phải khai phá chiều sâu. Với tôi viết là một cuộc đấu tranh từng ngày. Nổi loạn chống lại thực tại, đem cái mộng lan tràn vào cõi thực, những việc ấy nhiều khi có vai trò một chỗ buông neo. Chính từ đó mà tôi viết, để sáng tạo những thế giới song trùng.
-Trong các tác phẩm của chị, cái chết như là một ám ảnh. Nhiều nhân vật còn đến bước không muốn sống nữa. Chị nói mình không bi quan mà tỉnh táo. Có chăng những khả năng cho sự sống, dù có thể không hạnh phúc, nhưng có một vai trò lớn hơn trong sự chung sống với cái chết?
-Có ai không bị cái chết ám ảnh? Bất cứ người nào có chút tỉnh táo đều phải sống với nỗi ám ảnh là rồi cũng đi đến cuối con đường. Tôi đã nói mình không có cái nhìn tang tóc về cuộc đời, nhưng với thời gian tôi đã học được cái sáng suốt lạnh lùng về sự hão huyền của mọi chuyện. Điều ấy không có nghĩa tôi không biết đến hạnh phúc, không biết hưởng những giây phút nhẹ nhõm của cuộc đời. Ngay cả những nhân vật tuyệt vọng nhất của tôi cũng chào đón ánh sáng đến từ nơi khác với niềm biết ơn. Đúng là tôi đã sáng tạo một thế giới trong đó cái rối loạn và cái khốn quẫn chiếm phần lớn. Nhưng, bên trong thế giới thường khi u tối đó vẫn có những vùng sáng, như sự nhắc nhở về những khả năng.
-Hình như chị coi văn chương là một cuộc dấn thân toàn diện. Chị sẵn sàng trả giá lớn, đặt cọc cả sự ổn định tinh thần, như thể cái được mất đó có ý nghĩa tồn sinh. Chị trả lời sao về một tình yêu không biết điều như thế?
-Nói đặt cọc có lẽ không đúng lắm, tôi thấy như thế mâu thuẫn với ý tưởng dấn thân. Tôi đã hy sinh khá nhiều thứ cho văn chương, và điều ấy đã đưa đến những lạc hướng. Tôi trở lại được qua việc viết văn. Đối với tôi viết và sống là đồng hành. Tôi không nghĩ thế là không biết điều, ngược lại tôi có cảm tưởng cần thiết phải yêu điều mình làm với nỗi đam mê của tuổi trẻ, và tự cho mình cuốn hút vào những cơn lốc nội tâm.
-Chị đã nói rằng cuộc lưu vong thực sự của mình không phải vì bị rời xa một quê hương hay một vùng đất cho mình bản sắc, nước Việt Nam. Nhưng đó là khoảng cách giữa chị và tha nhân, thế giới của tha nhân. Trong khi đó chị thích những kẻ sống ngoài lề, ít ra là những nhân vật như thế gặp trong văn chương. Như vậy có phải cuộc lưu vong đó ít hay nhiều là một chọn lựa để dâng hiến cho sáng tạo văn chương?
-Tôi yêu những người sống ngoài lề và tôi tin rằng cần sống ngoài lề, cần thuộc về một vùng đất vô chủ nơi những cá nhân độc đáo gặp nhau. Tôi tự thấy mình là người ngoại quốc triệt để, bất cứ khi tôi ngụ ở đâu. Tôi đã lớn lên tại Việt Nam như người ngoại quốc, và tôi đã sống như người ngoại quốc trên đất Pháp. Đó là sự chọn lựa, đúng vậy, chọn lựa là kẻ đào vong.
Những nỗi trăn trở cuộc đời của nhà văn Pháp nổi danh Nữ văn sĩ Françoise Sagan tên thật là Françoise Quoirez, sinh năm 1935 tại Cajarc và mất năm 2004. Bà trải qua thời thơ ấu tại Paris trong một gia đình khá giả. Năm 18 tuổi, Françoise Sagan viết tiểu thuyết đầu tay Buồn ơi chào mi và ngay lập tức gặt hái được thành công vang dội. |
Kiều Mai