Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2022: Hệ sinh thái số tối ưu cho Việt Nam
(PetroTimes) - Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2022 (Vietnam - Asia DX Summit 2022) đã khai mạc sáng 25/5/2022 tại Hà Nội.
Nền kinh tế internet của Việt Nam năm 2021 đạt giá trị 21 tỷ USD, đóng góp hơn 5% GDP của đất nước, cao gấp 7 lần năm 2015, và dự kiến đạt 57 tỷ USD năm 2025. Diễn ra trong 2 ngày với 18 phiên hội nghị chuyên đề, triển lãm chuyển đổi số, Diễn đàn thu hút hơn 2.500 lượt đại biểu trong nước và quốc tế tham dự và tham gia các hoạt động cùng hơn 10.000 lượt theo dõi trực tuyến.
Toàn cảnh khai mạc Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2022 |
Theo Báo cáo kinh tế số của Diễn đàn thương mại và phát triển của Liên hợp quốc (UNCTAD), năm 2019 kinh tế số ICT/VT đóng góp khoảng 4,5% GDP toàn cầu, kinh tế số internet/nền tảng đóng góp 15,5% GDP toàn cầu.
Tại Việt Nam, kinh tế số luôn nằm trong Top đầu của ASEAN về tốc độ phát triển. Báo cáo "e-Conomy SEA 2021" do Tập đoàn Google, Bain (Mỹ) và Temasek (Singapore) công bố cho thấy, nền kinh tế internet của Việt Nam năm 2021 đạt giá trị 21 tỷ USD, đóng góp hơn 5% GDP của đất nước, cao gấp 7 lần năm 2015, và dự kiến đạt 57 tỷ USD năm 2025, đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á. Tốc độ tăng trưởng năm 2021 đạt 31%, và dự kiến sẽ tăng trung bình khoảng 29%/năm đến năm 2025.
Báo cáo gần đây của Tổng cục Thống kê cho thấy bức tranh chi tiết hơn. Năm 2021, ước tính kinh tế số Việt Nam đạt khoảng 163 tỷ USD, chiếm khoảng 8,2% GDP cả nước, trong đó cấu phần kinh tế số công nghệ thông tin và viễn thông đạt 126 tỷ USD, chiếm 5,5% GDP, kinh tế số Internet/nền tảng đạt 14 tỷ USD, chiếm 1% GDP và kinh tế số ngành/lĩnh vực đạt khoảng 23 tỷ USD, chiếm 1,7% GDP.
Mục tiêu của Chính phủ Việt Nam là đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%. Đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%.
Meey Map - Nền tảng bản đồ tra cứu quy hoạch trực tuyến và tìm kiếm thông tin bất động sản là một ứng dụng nổi bật mà Meey Land giới thiệu tại Vietnam - ASIA DX Summit 2022 |
Sau một thời gian thực hiện Chương trình chuyển đổi đổi số quốc gia, sự chuẩn bị đã dần được hoàn thiện. Đến nay, hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã có chương trình/kế hoạch chuyển đổi số. Nhận thức về chuyển đổi số đã, và đang được nâng cao và phổ biến một các rõ rệt trong tất cả các cơ quan, chính quyền các cấp, cũng như hầu hết các thành phần của nền kinh tế.
Các cơ sở dữ liệu quốc gia đang hình thành và phát triển nhanh chóng như: Dữ liệu dân cư, Dữ liệu doanh nghiệp, Dữ liệu tài chính, Dữ liệu đất đai, Dữ liệu về bảo hiểm… cũng rất nhiều cơ sở dữ liệu cấp độ khác đang được hình thành.
Ngày 31/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 411/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm cụ thể hóa những mục tiêu phát triển.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA chia sẻ: “Để thực hiện mục tiêu vô cùng thách thức của Thủ tướng Chính phủ, phát triển kinh tế số Việt Nam cần sự hợp lực từ tất cả các cấp chính trị, các thành phần kinh tế nhằm gải quyết hạn chế về nguồn lực vốn đang thiếu và bị phân mảnh.
Ông Khoa nhấn mạnh, hợp lực giữa bộ ngành với bộ ngành, địa phương với địa phương, doanh nghiệp với doanh nghiệp, và giữa các thành phần này với nhau sẽ tạo ra được những chương trình bài bản, có định hướng, những chính sách cởi mở, thông thoáng, và những hệ sinh thái số phù hợp, tối ưu cho các cơ quan, tổ chức Việt Nam.
Vietnam - Asia DX Summit 2022 được tổ chức bởi Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), dưới sự chỉ đạo và bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ tài chính, ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Công thương, cùng 11 hiệp hội ngành nghề trong nước, 2 tổ chức khu vực và 14 hiệp hội công nghệ thông tin tại 14 quốc gia và nền kinh tế trong khu vực. |
P.V