Châu Âu chật vật khi Ukraine khóa van khí đốt từ Nga
Kiev đã khóa van đường ống khí đốt từ Nga qua một trạm trung chuyển quan trọng trên lãnh thổ Ukraine. Điều này làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu hụt năng lượng tại châu Âu.
RT đưa tin, nhà điều hành mạng lưới khí đốt của Ukraine (GTSOU) mới đây tuyên bố tạm ngừng quá trình vận chuyển khí đốt tự nhiên của Nga đến châu Âu thông qua trạm Sochranovka từ sáng 11/5, do họ không còn có thể kiểm soát cơ sở hạ tầng trong lãnh thổ bị quân đội Nga "chiếm đóng".
Theo GTSOU, đây là tình huống bất khả kháng vì lực lượng Nga đã can thiệp vào toàn bộ hệ thống vận chuyển khí đốt của Ukraine. Với tình hình hiện tại khiến việc vận chuyển khí đốt qua trạm Sochranovka và trạm nén Novopskov nằm trong các vùng lãnh thổ đang xảy ra xung đột là không thể, công ty cho biết.
Ukraine khóa van khí đốt từ Nga sang châu Âu, gây khó khăn cho khu vực (Ảnh: Reuters). |
Ảnh hưởng đến nguồn cung khí đốt của châu Âu
GTSOU ban đầu dự định tạm thời chuyển các dòng chảy khí đốt qua trạm Sokhranovka sang trạm trung chuyển Sudzha. Đây là trạm lớn nhất của công ty nằm trên lãnh thổ do Kiev kiểm soát. Tuy nhiên, sau đó, GTSOU tuyên bố rằng điều này không thể thực hiện về mặt kỹ thuật.
Trạm Sokhranovka xử lý khoảng 1/3 dòng khí đốt của Nga sang Ukraine, do đó, khi Kiev khóa van khí đốt qua trạm, châu Âu sẽ bị mất lượng cung khí đốt này.
Gazprom cho biết đã cung cấp 72 triệu m3 khí đốt cho châu Âu thông qua trạm Sudzha hôm 11/5, trong khi một ngày trước đó, lượng khí đốt vận chuyển tới châu Âu lên tới 95,8 triệu m3. Vào khoảng thời gian cao điểm đầu tháng 3, lượng khí đốt từ Nga sang châu Âu đạt tới 109,6 triệu m3.
Điều này đồng nghĩa với việc châu Âu sẽ mất 25-34% lượng khí đốt từ Moscow khi Ukraine khóa van đường ống từ Nga sang khu vực này.
Tác động đến giá khí đốt
Giá khí đốt ở châu Âu đã tăng lên hơn 1.100 USD/1.000 m3 vào đầu ngày 11/5 ngay sau khi Ukraine thông báo dừng vận chuyển khí đốt sang khu vực.
Các chuyên gia cho rằng, với tình hình hiện tại giá khí đốt sẽ tiếp tục tăng do sụt giảm nguồn cung. Theo dữ liệu từ Snam, công ty vận chuyển khí đốt đến Italy, dòng khí đốt từ Nga thực sự đã giảm với hôm 10/5, trong khi đó cơ quan quản lý của Đức cho biết, dòng chảy khí đốt từ Nga qua Ukraine giảm gần 1/4.
Những hậu quả khác
Nga cung cấp khoảng 40% tổng nhu cầu khí đốt tự nhiên của châu Âu. 27 nước thành viên EU dựa vào khí đốt giá rẻ của Nga để sưởi ấm, nấu ăn và sản xuất điện. Khi nguồn cung khí đốt giảm, trường hợp xấu nhất là có thể dẫn đến sự cố về điện lưới, mất điện, khiến một số ngành công nghiệp dừng hoạt động.
Ngoài ra, giá khí đốt tăng có thể đẩy giá các mặt hàng khác và hàng tiêu dùng, làm gia tăng lạm phát vốn đã ở mức cao. Hiện lạm phát ở 9 nước EU đã vượt mức 10%.
Các lựa chọn thay thế khí đốt Nga
Các quốc gia châu Âu đang khẩn trương tìm các nguồn cung thay thế sau khi Ukraine khóa van khí từ Nga đốt sang khu vực này.
Người mua châu Âu có thể yêu cầu tăng lượng vận chuyển khí đốt từ Na Uy - nhà cung cấp lớn thứ hai của châu Âu. Năm 2021, nước này cung cấp gần 1/4 lượng khí đốt cho EU và Anh. Các mỏ dầu và khí đốt của Na Uy hiện hoạt động với gần 100% công suất. Na Uy gần đây cũng cam kết tăng cường sản xuất vào mùa hè này. Tuy nhiên, điều này vẫn khó có thể bù đắp cho nguồn cung mất đi từ Nga.
Lựa chọn khác của châu Âu là mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ và Trung Đông. Tuy nhiên, giá của mặt hàng này, cũng như cước vận chuyển, cao hơn nhiều so với khí đốt của Nga. Ngoài ra, số lượng các nhà cung cấp LNG có thể sản xuất và vận chuyển sang châu Âu bị hạn chế. Thêm vào đó, một số quốc gia EU không có biển không thể tiếp cận các lô hàng LNG vận chuyển qua đường biển.
Biện pháp khắc phục
Giải pháp đầu tiên châu Âu có thể áp dụng để khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn cung khí đốt là cấp chứng nhận cho dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đã được chờ đợi từ lâu và hiện bị tạm dừng. Dự án này hoàn thành sẽ cho phép Nga tăng gấp đôi xuất khẩu khí đốt sang châu Âu qua biển Baltic và có khả năng cung cấp gần gấp đôi lượng khí đốt qua trạm trung chuyển Sokhranovka.
Một biện pháp khác là Kiev mở lại van khí đốt và không bị mất số tiền nhận được từ việc vận chuyển khí đốt của Nga.
Giải pháp cuối cùng là Kiev và Moscow đạt một thỏa thuận hòa bình và kết quả này phụ thuộc vào sự tham gia của Mỹ và EU. Tuy nhiên, điều này khó xảy ra vào thời điểm hiện tại.
Theo Dân trí