Báo cáo về tình trạng đốt bỏ khí đồng hành trong ngành dầu khí thế giới
(PetroTimes) - Mỗi năm, Ngân hàng Thế giới công bố một Báo cáo đánh giá mức độ tiến bộ của các chính sách mà các nước sản xuất dầu trên thế giới áp dụng, nhằm giảm thiểu tình trạng đốt bỏ có hệ thống khí đồng hành.
Báo cáo mới nhất "Báo cáo theo dõi đốt bỏ khí đồng hành toàn cầu năm 2022" do Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện cho thấy các chính sách công của các quốc gia châu Phi sản xuất vàng đen, liên quan đến việc giảm đốt bỏ khí đồng hành có hệ thống, đã không có tiến triển trong năm 2021.
Theo WB, hoạt động đốt bỏ khí đồng hành vẫn không thay đổi trong ngành công nghiệp dầu mỏ ở Nigeria và Algeria, trong khi ngày càng gia tăng ở Libya. Ba quốc gia mà báo cáo nêu ra nằm trong top 10 quốc gia đốt bỏ khí đồng hành nhiều nhất vào năm 2021. Chỉ riêng nhóm 10 quốc gia này đã chiếm 75% tổng lượng khí đồng hành đốt bỏ toàn cầu.
“Bảy trong số mười quốc gia, cụ thể là Nga, Iraq, Iran, Hoa Kỳ, Venezuela, Algeria và Nigeria đã giữ thứ hạng này liên tục trong mười năm qua. Đối với ba nước còn lại, Mexico, Libya và Trung Quốc, đã có sự gia tăng đáng kể trong những năm gần đây”, Báo cáo cho biết.
Hoạt động này trái với tham vọng của chương trình “Zero Routine Flaring by 2030”, do WB phát động vào năm 2015, nhằm tạo ra cam kết toàn cầu trong việc chống lại hành vi này. Nghiên cứu đặc biệt nhấn mạnh sự đình trệ của các chính sách cắt giảm đốt bỏ khí đồng hành trên khắp thế giới, ngoại trừ Hoa Kỳ. Điều này, bất chấp cam kết của các quốc gia và tổ chức, chẳng hạn như Nigeria hoặc OPEC, và các sáng kiến của các công ty quốc tế theo hướng này.
Báo cáo chỉ ra rằng, nhìn chung, có cơ hội để cải thiện hiệu suất giảm đốt bỏ khí đồng hành của các nước sản xuất dầu như Algeria, Cộng hòa Congo và Gabon.
Một nghiên cứu của công ty tư vấn và phân tích GlobalData của Anh, được công bố vào năm 2021, đề xuất tăng cường đầu tư vào công nghệ thu gom và xử lý khí, thông qua việc tăng cường các biện pháp quản lý và quan hệ đối tác.
Cam kết chính trị lớn hơn từ các nước cũng là "cần thiết" để hạn chế khoản thiệt hại khoảng 82 tỷ USD mà đốt bỏ khí đồng hành gây ra cho các nhà sản xuất dầu thô mỗi năm. Trên quy mô toàn cầu, 144 tỷ mét khối khí đốt đã bị đốt bỏ trong lĩnh vực dầu khí thượng nguồn, vào năm 2021, đã gây ra việc giải phóng khoảng 400 triệu tấn CO2 vào bầu khí quyển.
Nh.Thạch