Cách kiểm tra, nhận biết dấu hiệu lừa đảo qua điện thoại
(PetroTimes) - Để không bị các đối tượng xấu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua điện thoại, người dân cần có kỹ năng kiểm tra thông tin và nâng cao nhận biết các dấu hiệu lừa đảo.
Trước tình trạng người dân bị các đối tượng xấu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua điện thoại gia tăng trong thời gian qua, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa thông tin lại cách kiểm tra, nhận biết dấu hiệu lừa đảo qua điện thoại.
Theo hướng dẫn của NCSC, người dân cần có kỹ năng kiểm tra thông tin để tránh bị các đối tượng xấu lừa đảo. Hiện nay, rất nhiều trường hợp lừa đảo từ thông báo vi phạm phạt nguội. Để kiểm tra phạt nguội ngay tại nhà, người dân có thể mở trình duyệt trên điện thoại hoặc máy tính và truy cập vào địa chỉ //www.csgt.vn/ ở góc phải sẽ có mục Tra cứu phương tiện vi phạm giao thông qua hình ảnh. Việc tra cứu phạt nguội này sẽ giúp người dân nắm được chính xác thông tin mình có vi phạm luật giao thông nào không; đồng thời, ngăn ngừa được tình trạng giả danh công an lừa đảo tiền của người dân.
Bên cạnh đó, người dân cần nâng cao nhận biết các hình thức lừa đảo trực tuyến. Theo đó, người dân có thể truy cập website //www.dauhieuluadao.com/quiz/ để thực hiện các bài kiểm tra mức độ nhận biết các hình thức lừa đảo trực tuyến.
Bài kiểm tra mức độ nhận biết các hình thức lừa đảo trực tuyến dưới hình thức trắc nghiệm trên website dauhieuluadao.com |
Đây là một dự án thuộc chuỗi hoạt động của Google hợp tác cùng NCSC. Website dauhieuluadao.com cung cấp các tình huống lừa đảo điển hình giúp người dùng nhận biết các phương thức lừa đảo rất phổ biến hiện nay cũng như các "nguyên tắc vàng" trong hành xử để tự ngăn chặn. Đồng thời, website dauhieuluadao.com còn có bài kiểm tra thực tế dưới dạng câu hỏi trắc nghiệm hữu ích cho người dùng, bao gồm các hình thức nhận dạng lừa đảo.
Ngoài ra, để tránh trở thành nạn nhân, người dân cần trang bị những kỹ năng: Cảnh giác với các cuộc gọi nhỡ quốc tế; các cuộc gọi, tin nhắn quốc tế về sẽ hiển thị dấu cộng (+) hoặc 00 ở đầu, hai số tiếp theo không phải là 84 (mã nước Việt Nam), ví dụ như: Moldova (+373), Tunisia (+216), Equatorial Guinea (+240), Burkina Faso (+226)... Các cuộc gọi này được gọi máy từ thuê bao nước ngoài tới các số điện thoại di động trong nước với mục đích lừa đảo hoặc để người sử dụng gọi lại và phát sinh cước viễn thông.
Đối tượng lừa đảo thường sử dụng các thông tin cá nhân như: Tên, tuổi, địa chỉ, số chứng minh nhân dân, căn cước công dân... để dễ dàng lợi dụng lòng tin của nạn nhân. Người dân cần lưu ý, hiện nay, các thông tin bị lộ lọt và rao bán trên mạng rất nhiều nên các đối tượng lừa đảo đã sử dụng các thông tin này để thực hiện các hành vi lừa đảo. Trong khi đó, các cơ quan chức năng khi liên hệ đến làm việc đều gửi văn bản hoặc giấy mời, không làm việc thông qua điện thoại với bất kỳ trường hợp vi phạm luật giao thông nào.
Website dauhieuluadao.com hướng dẫn người dùng điện thoại 3 nguyên tắc vàng để tránh bị lừa đảo. Đó là: Nguyên tắc 1: Hãy chậm lại. Kẻ lừa đảo luôn nhắn tin, gọi điện với giọng cấp bách, yêu cầu bạn phải hành động ngay, chuyển tiền ngay. Nguyên tắc 2: Kiểm tra tại chỗ. Nếu nhận cuộc gọi không mong muốn, xưng là công an, cảnh sát, nhân viên ngân hàng… ngay lập tức điện thoại trực tiếp tới cơ quan công an, ngân hàng, tổ chức tài chính đó để xác minh thông tin. Nguyên tắc 3: Dừng lại. Không gửi/chuyển tiền, nếu bạn thấy giao dịch nghi ngờ. |
H.T