Nga lùi thời hạn bàn giao hàng không mẫu hạm cho Ấn Độ
(Petrotimes) - Tin từ Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Nga hôm Thứ Ba (2/10) cho hay: Do những trục trặc trong quá trình thử nghiệm, hàng không mẫu hạm Vikramaditya sẽ không được bàn giao đúng thời hạn cho phía Ấn Độ theo dự kiến ban đầu, mà ít nhất phải đến tháng 10/2013, hải quân Ấn Độ mới được tiếp cận con tàu này.
Hàng không mẫu hạm INS Vikramaditya
Theo kế hoạch, con tàu này sẽ được chuyển giao cho Ấn Độ vào đúng dịp lễ kỉ niệm của lực lượng Hải quân nước này (04/12/2012). Nhưng trong quá trình thử nghiệm trên biển hồi giữa tháng 9 mới đây, có tới 7/8 nồi hơi của hệ thống máy phát điện bị hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tiến độ bàn giao con tàu.
Tại Nga, một hội nghị cấp nhà nước đã được tổ chức ngay tại xưởng đóng tàu Sevmash hồi tuần trước, nhằm thảo luận và đưa ra ý kiến về đợt tái trang bị sắp tới, đánh giá khoảng thời gian cần thiết để sửa chữa hệ thống đẩy của tàu Vikramaditya.
RIA Novosti dẫn một nguồn tin giấu tên cho hay: “Hội nghị đã đi tới kết luận cuối cùng là cần thiết phải nới rộng thời gian bàn giao tàu đến năm 2013, nhằm khắc phục tất cả các lỗi đã được phát hiện, bao gồm cả vật liệu cách nhiệt của nồi hơi tàu. Sự chậm trễ trong quá trình bàn giao tàu Vikramaditya cũng sẽ sớm được đưa ra thảo luận với phía Ấn Độ”.
Về vấn đề trên, hôm qua (2/10), Phó Thủ tướng Nga - Dmitry Rogozin - người phụ trách các vấn đề công nghiệp quân sự nước này nhấn mạnh: Các vấn đề liên quan tới việc bàn giao tàu sân bay Vikramaditya sẽ được đưa ra thảo luận trong tháng 10, hoạt động này diễn ra bên thềm chuỗi các cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Nga-Ấn sẽ được tổ chức vào tháng 11 sau đó.
“Chúng tôi chắc chắn rằng tất cả những vấn đề phức tạp, còn tồn đọng sẽ được giải quyết tại Hội nghị thượng đỉnh”, ông Rogozin nói.
Các phương tiện truyền thông Nga cách đây không lâu còn dẫn lời Chủ tịch tập đoàn đóng tàu Thống nhất Nga (USC) Andrei Dyachkov cho rằng, hệ thống nồi hơi của tàu sân bay Vikramaditya đã bị hỏng do sử dụng vật liệu cách nhiệt là một loại đá nung vốn không có khả năng chịu nhiệt có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Hồi tuần trước, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã thẳng thừng bác bỏ thông tin từ phía Nga cho rằng, gạch chịu lửa Trung Quốc là nguyên nhân dẫn tới sự cố nồi hơi trên tàu sân bay Vikramaditya của Ấn Độ. Nhật báo Bắc Kinh Buổi sáng của nước này dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng - ông Dương Vũ Quân cho hay: “Chúng tôi đã tiến hành điều tra vụ việc và nhận thấy rằng những viên gạch chịu lửa của Trung Quốc chưa bao giờ được xuất khẩu sang Nga”.
Hàng không mẫu hạm Vikramaditya đã được bán cho Ấn Độ vào năm 2005, nhưng thời điểm chuyển giao con tàu đã bị trì hoãn 2 lần, sau những tranh cãi giữa 2 bên về chi phí tân trang con tàu. Số tiền mà phía Ấn Độ sẽ phải chi trả cho Nga đã tăng từ 947 triệu USD lên con số 2,3 tỉ USD.
Năm 2007, Giám đốc nhà máy đóng tàu Sevmash - ông Vladimir Pastukhov từng bị sa thải do “bộc lộ” nhiều yếu kém trong công tác quản lý dự án tầm cỡ này.
Hàng không mẫu hạm Vikramaditya, trước đây được biết đến với tên gọi Đô đốc Gorshkov thuộc lớp 1143.4, đã được khởi công đóng từ năm 1978 tại xưởng đóng tàu Nikolayev South ở Ukraine, hạ thuỷ năm 1982 và được trang bị cho hải quân Liên Xô trong năm 1987. Tàu Đô đốc Gorshkov đã được đổi tên sau sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991. Năm 1994, Gorshkov đã trải qua quá trình đại tu sửa chữa kéo dài 1 năm, sau vụ nổ phòng nồi hơi của con tàu. Năm 1995, con tàu trở lại phục vụ trong một thời gian ngắn trước khi bọ rao bán vào năm 1996.
Con tàu này được thiết kế với chiều dài 283m, rộng 31m, lượng mớn nước 8,2m; lượng choán nước 45.000 tấn, tốc độ tối đa 32 hải lý/h và phạm vi hoạt động lên đến 13.500 hải lý (25.000 km). Hệ thống điện tử của tàu Vikramaditya dựa trên hệ thống radar mạng pha đa chức năng, kết hợp với trực thăng chỉ huy và hệ thống cảnh báo sớm trên không AEW.
Trải qua thời gian dài đại tu, Vikramaditya có thể thực hiện tốt khả năng STOBAR (tức là cất cánh theo đà phóng) với các máy bay chiến đấu Mig-29K được trang bị đi kèm. Ngoài ra, con tàu này còn được trang bị thêm trực thăng cảnh báo sớm Kamov Ka-31, hệ thống liên lạc, thiết bị hải giám và hệ thống phòng không mới.
Minh Quân (Theo RIA)