Cần khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình
Chiều 16/4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên thảo luận. |
Quy định cụ thể các hành vi bạo lực gia đình
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, sau gần 15 năm thực hiện, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, góp phần bảo vệ người bị bạo lực gia đình, xử lý các hành vi bạo lực gia đình...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, bạo lực gia đình vẫn còn là một vấn đề nhức nhối, nan giải ở Việt Nam. Nhiều vụ việc có mức độ gây hại nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường và khó xử lý bằng các quy định pháp luật hiện hành.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày tờ trình. |
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung nội dung 42 điều, xây dựng mới 17 điều, bỏ 3 điều; tăng 16 điều so với Luật hiện hành. Việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình nhằm khắc phục những bất cập như: Biện pháp phòng ngừa, bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình còn chưa cụ thể, chưa bao quát, nhiều biện pháp còn nặng về thủ tục hành chính nên thiếu tính khả thi; các biện pháp xử lý, giáo dục người có hành vi bạo lực gia đình còn thiếu tính đặc thù, chủ yếu dựa vào các biện pháp, chế tài trong Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính; chưa có quy định về bảo vệ, hỗ trợ người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình; việc xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành, cũng như quy định về điều kiện bảo đảm để thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình và khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình còn chưa phù hợp...
Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, kế thừa luật hiện hành, dự án luật đã tiếp tục quy định cụ thể các hành vi bạo lực gia đình để bảo đảm tính minh bạch, khắc phục tình trạng luật khung và thuận tiện trong hướng dẫn thi hành Luật.
Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung để các hành vi bạo lực gia đình phản ánh được thực tiễn cuộc sống và tránh bỏ sót hành vi, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi bạo lực gia đình được đánh giá là diễn biến nghiêm trọng với nhiều hình thức tinh vi, phức tạp. Việc quy định các hành vi bạo lực gia đình cần có mối liên hệ với các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân, biện pháp xử lý người có hành vi bạo lực gia đình.
Đánh giá kỹ tác động, tính khả thi
Thảo luận về dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho rằng, một số nội dung liên quan đến công an cấp xã trong dự thảo luật còn gây khó khăn cho công tác của lực lượng này. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội đề nghị giao quyền cho công an cấp xã ngay trong dự thảo luật về việc bảo vệ người tố giác và nạn nhân của bạo lực gia đình.
Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh. |
Cho rằng phòng, chống bạo lực gia đình liên quan đến nhiều lĩnh vực như kinh tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, pháp luật…, Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị dự thảo luật cần có quy định về mục tiêu về phòng, chống bạo lực gia đình.
Cho ý kiến về dự án luật, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình vào đầu nhiệm kỳ của Quốc hội đã thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đối với vấn đề bạo lực gia đình. Việc này cũng nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bên cạnh phát triển kinh tế, phải coi trọng vấn đề về xã hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. |
Theo Chủ tịch Quốc hội, dự thảo luật trình lần này có nhiều quy định đã được chỉnh lý, hoàn thiện dựa trên cơ sở tổng kết từ thực tiễn. Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát để “làm đậm” cả 3 nhóm chính sách, đặc biệt là nhóm chính sách khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp khi có các vụ việc bạo lực gia đình xảy ra; đồng thời, rà soát để tương thích, đồng bộ giữa luật này và các luật khác như: Hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, trẻ em…
“Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) trình lần này có sự chuẩn bị tốt và đúng hướng. Cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ tác động, tính khả thi để khi luật đi vào cuộc sống sẽ tạo sự chuyển biến tích cực trong vấn đề phòng, chống bạo lực gia đình”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về sự cần thiết xây dựng dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến tại phiên thảo luận để hoàn chỉnh dự thảo luật, bảo đảm chất lượng trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba (tháng 5/2022).
Theo Báo Hànộimới
Kéo dài thời gian thực hiện Đề án giảm thiểu bạo lực gia đình tại nông thôn |
Đẩy mạnh phòng, chống bạo lực gia đình |
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lên án hành vi bạo lực gia đình |