Các nước mới nổi cần nguồn vốn khổng lồ để đạt được trung hòa carbon
(PetroTimes) - Vài tháng trước thượng đỉnh về khí hậu thế giới COP27, một báo cáo mới về quá trình chuyển đổi năng lượng đã được công bố. Không giống như những phần trước, phần này tập trung vào các phương pháp tài trợ cho quá trình chuyển đổi.
Theo báo cáo mới nhất của Standard Chartered, các nền kinh tế mới nổi sẽ cần 94,8 nghìn tỷ USD để tài trợ cho quá trình chuyển đổi năng lượng và đạt được mức độ trung hòa carbon vào năm 2060.
“Các thị trường mới nổi cần tìm thêm 94,8 nghìn tỷ USD tài trợ cho quá trình chuyển đổi năng lượng- nhiều hơn GDP toàn cầu hàng năm (dự kiến khoảng 93,86 nghìn tỷ USD về danh nghĩa của năm 2021) để đạt được tính trung hòa carbon vào năm 2060”, báo cáo nhấn mạnh.
Báo cáo phân tích hai loại chuyển đổi năng lượng có thể xảy ra đối với các thị trường mới nổi: chuyển đổi năng lượng do họ thực hiện và chuyển đổi do các nước phát triển hỗ trợ.
Theo các nhà phân tích, quá trình chuyển đổi năng lượng của các nền kinh tế mới nổi được hỗ trợ bởi các thị trường phát triển sẽ dẫn đến một kết quả tốt hơn.
“Các quốc gia mới nổi không thể bị bỏ lại trong cuộc chạy đua đến mức trung hòa carbon hoặc phải hy sinh sự phát triển kinh tế và sự thịnh vượng của mình. Con đường công bằng nhất và khả thi nhất là tài trợ từ các nước phát triển […] thông qua sự kết hợp giữa tài trợ của khu vực công và tư nhân”, báo cáo viết.
Báo cáo này được đưa ra vài tuần sau khi báo cáo của Hội đồng Năng lượng gió Toàn cầu (GWEC) về năng lượng gió được công bố. Theo báo cáo của GWEC, các quốc gia mới nổi, chẳng hạn như Nam Phi, có tiềm năng đáng kể về gió và tài nguyên tái tạo, nói chung, vẫn còn rất ít được khai thác. Một quá trình chuyển đổi nhanh hơn và hiệu quả hơn sang những năng lượng này sẽ đòi hỏi nguồn kinh phí đáng kể.
Nh.Thạch