Châu Âu xoay xở ra sao nếu không có than của Nga?
Gần 70% lượng than đá nhập khẩu để sản xuất điện của Liên minh châu Âu (EU) là đến từ Nga. Đức và Ba Lan đặc biệt sẽ bị ảnh hưởng nặng nề khi EU cấm vận than đá Nga.
Ủy ban châu Âu vừa đề xuất cấm nhập khẩu than đá của Nga như một phần của các lệnh trừng phạt Moscow đối với cuộc chiến tại Ukraine.
Tuy nhiên, lệnh cấm nhập khẩu than từ nhà cung cấp than lớn nhất cho EU, chiếm khoảng 45% tổng lượng nhập khẩu, có thể gây ảnh hưởng nặng nề cho 27 quốc gia thành viên vốn đang lao đao vì thiếu năng lượng trầm trọng trong khi giá dầu và khí đốt tăng cao.
Trong những tháng gần đây, một số quốc gia châu Âu đã nhập khẩu nhiều than của Nga hơn nhằm giảm chi phí phát điện khi giá khí đốt tăng cao chưa từng thấy.
Nga là nhà cung cấp than lớn nhất cho EU, chiếm khoảng 45% tổng lượng nhập khẩu (Ảnh: TASS). |
EU phụ thuộc vào than của Nga đến mức nào?
Việc các nước châu Âu cắt giảm khai thác và tiêu thụ than để chống biến đổi khí hậu đã khiến họ phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn than nhập khẩu, đặc biệt là từ Nga, trong 2 thập kỷ qua.
Nga là nhà sản xuất than lớn thứ 3 thế giới sau Indonesia và Australia, chiếm 45% tổng lượng than nhập khẩu của châu Âu. Riêng đối với loại than nhiệt, dùng để sản xuất điện, thì con số đó là 70%, theo tổ chức nghiên cứu Bruegel có trụ sở tại Brussels. Than luyện kim của Nga, được sử dụng để sản xuất sắt thép, cũng chiếm khoảng 20-30% lượng than nhập khẩu của EU.
Tỷ trọng của Nga trong nhập khẩu than cứng (hard coal), loại than có hàm lượng carbon cao nhất, cũng đã tăng hơn một nửa vào năm 2020 từ mức dưới 10% hồi năm 1990.
Ba Lan, Đức, Italy và Hà Lan là những nước phụ thuộc nhiều nhất vào nguồn cung than của Nga. Nhập khẩu than từ Nga chiếm hơn 65% tổng nhập khẩu của mỗi nước.
EU có thể "cai" than Nga bằng cách nào?
Hiệp hội các nhà nhập khẩu than Đức (VdKi) cho biết lượng than cứng nhập khẩu từ Nga sang Đức có thể được thay thế trong vài tháng tới. Theo hiệp hội này, than từ Mỹ, Colombia, Nam Phi và Australia có khả năng sẽ lấp đầy khoảng trống trên.
"Đức đã nhập khẩu khoảng 18 triệu tấn than cứng từ Nga vào năm ngoái. Con số này chỉ chiếm khoảng 2% tổng kim ngạch thương mại thế giới", ông Alexander Bethe - Chủ tịch hội đồng quản trị của VdKi - cho biết.
Việc thay thế than Nga có thể dễ dàng và rẻ hơn so với việc thay thế khí đốt tự nhiên của Nga. Bởi không như khí đốt, than không cần phải hóa lỏng để vận chuyển hay không cần phải có một mạng lưới đường ống rộng khắp.
Các nhà phân tích của Bruegel cho rằng: "Về nguyên tắc, các lô hàng từ các nước đã giảm xuất khẩu sang EU phần lớn vẫn có thể thay thế cho than của Nga".
Ngoài ra, các nhà phân tích cũng gợi ý rằng sự thiếu hụt có thể được giải quyết bằng cách thúc đẩy sản xuất trong nước theo tình huống khẩn cấp. Họ kêu gọi các nhà hoạch định chính sách xem xét liệu có cần nới lỏng tạm thời các quy định về môi trường để cho phép sử dụng các loại than hiện có dễ dàng hơn không.
Tuy nhiên, các nhà phân tích từ Rystad Energy cho rằng các hộ tiêu thụ than sẽ gặp khó trong việc tìm kiếm nguồn than thay thế do cân bằng cung cầu về than nhiệt trên thị trường quốc tế đã cực kỳ eo hẹp.
Lệnh cấm vận than Nga sẽ tác động đến nền kinh tế EU ra sao?
Nhu cầu nhập khẩu than gia tăng từ châu Âu sẽ thúc đẩy giá than toàn cầu tăng cao hơn nữa, đồng nghĩa các hóa đơn năng lượng của các hộ gia đình và doanh nghiệp thậm chí còn cao hơn. Điều này có thể khiến lạm phát, vốn đã ở mức cao nhất kể từ khi thành lập khối, tăng lên. Tình trạng thiếu hụt năng lượng trở nên tồi tệ hơn trong mùa đông tới khi nhu cầu sưởi ấm tăng lên.
Mặc dù EU đang nỗ lực hạn chế sử dụng than để sản xuất điện, nhưng tình trạng thiếu hụt năng lượng này cũng sẽ khiến loại nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nặng tiếp tục chiếm khoảng 15% tổng lượng điện của châu Âu.
"Nhu cầu than cao hơn, nguồn cung than ít đi và việc vận chuyển phức tạp hơn sẽ khiến chi phí nhập khẩu than tăng lên và có thể dẫn đến gián đoạn cục bộ tạm thời. Tuy nhiên, việc ngừng nhập khẩu than Nga dường như sẽ không gây ra sự gián đoạn nguồn cung đáng kể về tổng thể", các nhà phân tích của Bruegel khẳng định.
Đức phản ứng ra sao trước đề xuất loại bỏ than Nga?
Đức đã báo hiệu sẽ ủng hộ việc cấm vận đối với than Nga. Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết nước này sẽ độc lập với than từ Nga vào mùa thu năm nay.
Berlin đang cố gắng nhanh chóng giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga. Nước này đã miễn cưỡng tham gia trừng phạt nhiên liệu hóa thạch của Nga song cảnh báo rằng động thái này có thể tác động nghiêm trọng đến người dân và nền kinh tế Đức.
Tuy nhiên, với tình hình leo thang ở Ukraine, Đức dường như sẵn sàng làm tổn hại đến hoạt động xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga, nguồn thu lớn nhất của nước này, bất chấp các tổn thất về kinh tế.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết EU đang thực hiện kế hoạch cắt đứt hoàn toàn nguồn nhiên liệu hóa thạch của Nga, bắt đầu từ than đá.
Theo Dân trí