“Khoác áo mới” cho huyện nghèo (kỳ 1)
(PetroTimes) - Than Uyên, Tân Uyên và Phong Thổ vốn là những huyện nghèo, khó khăn nhất của tỉnh Lai Châu cũng như cả nước. Nhưng từ khi có điện, được ngành Điện hỗ trợ cơ sở hạ tầng, máy móc sản xuất... cuộc sống của người dân nơi đây đã thay đổi hẳn. Nhiều dự án điện, đường, trường, trạm... đã theo chân “lính ngành Điện” tạo nên diện mạo nông thôn mới cho mảnh đất này.
1. Đường lên Lai Châu ngoằn ngoèn, khúc khuỷu với cơ man những đèo, dốc, rồi cả những khúc quơ tay áo mà một bên là vách núi cao chót vót và một bên là vực sâu vốn đã là “đặc sản” của đất này. Thời tiết nơi đây cũng vô cùng khắc nghiệt, có khi vừa nắng chang chang vỡ đầu đã đổ mưa xối xả thối đất thối cát, đất đá sạt lở từ trên núi đổ xuống ầm ầm, trực chờ chôn vùi tất cả, sẵn sàng phá nát, san phẳng mọi thứ trên đường nó đi qua. Cũng bởi đường xá xa xôi, cách trở, địa hình bị chia cắt mạnh, chủ yếu là đồi núi, khí hậu lại khắc nghiệt là thế nên Lai Châu vẫn luôn là một thử thách với bất kỳ ai muốn đến, sống và gắn bó với mảnh đất này.
Ấy vậy mà hơn chục năm qua, bằng ý thức trách nhiệm với cộng đồng, với sự nỗ lực, quyết tâm cao nhất, thực hiện Chương trình 30A của Chính phủ, theo chân “lính ngành điện”, hàng chục dự án, công trình hạ tầng, an sinh xã hội, hoạt động sinh kế... đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) triển khai ở 3 huyện Than Uyên, Tân Uyên và Phong Thổ của tỉnh Lai Châu. Thông qua những sự hỗ trợ này, bộ mặt kinh tế - xã hội tại 3 huyện Than Uyên, Tân Uyên và Phong Thổ đã thay đổi hẳn, đời sống của người dân được nâng cao rõ rệt.
Một ngày cuối tháng 3, giữa cái se lạnh của miền Bắc trong tiết Nàng Bân, ngược đường Tây Bắc, vượt quãng đường gần 500km từ Hà Nội, tôi tìm về Lai Châu để được tận mắt chứng kiến sự thay đổi này.
Một lớp học ở Trường Tiểu học Dân tộc bán trú Hoang Thèn |
2. Hoang Thèn là xã vùng thấp của huyện Phong Thổ có địa hình đồi núi dốc phức tạp, giao thông đi lại khó khăn. Toàn xã có 9 bản với hơn 760 hộ dân, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Mặc dù đã không ít lần ngược xuôi trên các cung đường Tây Bắc, nhưng kỳ thực, lần này, quãng đường gần 500km, với gần 9 giờ đồng hồ ngồi xe ô tô từ Hà Nội lên Hoang Thèn với tôi đúng là một thử thách về sức bền những pha quăng quật, xóc long óc khi xe lao qua các ổ trâu, ổ gà.
Là người quê Phú Thọ nhưng đã có tới 16 năm gắn bó với công tác dạy học ở Lai Châu, trong đó có nhiều năm ở Hoang Thèn, thầy Nguyễn Công Biểu, Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Dân tộc bán trú Hoang Thèn hiểu rất rõ về những thay đổi ở mảnh đất này. Theo thầy Biểu, Hoang Thèn trước kia nghèo khó lắm. Thiếu ăn, thiếu mặc, tập tục canh tác lạc hậu, giao thông đi lại khó khăn, địa hình cách trở, lại tệ nạn ma tuý... Phải mãi sau này, được nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là ngành Điện kéo điện lưới quốc gia về từng thôn bản, bà con được tuyên truyền vận động, học theo cách sản xuất mới, cuộc sống của người dân mới từng bước được cải thiện. Chiếc tivi, cái tủ lạnh, rồi cả các máy móc, thiết bị sản xuất với người dân nơi đây giờ không phải là gì xa lạ. Giao thương thuận lợi, nhiều hộ gia đình trong xã đã vươn lên thoát nghèo, có của ăn, của để.
Chuyện học của bọn trẻ nhờ thế cũng tốt hơn. Trước kia, cứ đến năm học mới là các thầy, các cô lại toả ra đi khắp các bản để vừa đi “điểm danh” sí số học sinh và cũng là vừa đi tuyên truyền, vận động các gia đình có con em đến tuổi đến trường cho các con đến lớp. Mà có khi đi học rồi thì dăm bữa, nửa tháng lại bỏ vì điểm trường xa nhà, đường xá đi lại khó khăn, mưa nắng thất thường, hoặc cũng có khi vì nghèo, vì tư duy cổ hủ, lạc hậu của các bậc cha mẹ. Nhưng giờ thì mọi chuyện đã khác, chuyện học đã được người dân nơi đây chú trọng, quan tâm. Trường lớp cũng được xây dựng khang trang, cơ sở hạ tầng đầy đủ, đường xá đi lại thuận lợi hơn, chỗ ăn, chỗ ở cho các con được đầu tư xây dựng kiên cố. Các con vì thế cũng gắn bó với trường, với lớp hơn. Từ ngày được EVN quan tâm, hỗ trợ xây dựng cho dãy nhà bán trú, Trường đã đưa được 5/9 điểm lẻ về học tập trung với 259 học sinh/479 học sinh toàn trường. Những điểm lẻ còn lại, Trường đang lên kế hoạch đưa các em về học tập trung thời gian tới để có điều kiện dạy và chăm sóc các em tốt hơn.
Dãy nhà bán trú của Trường Tiểu học Dân tộc bán trú Hoang Thèn được EVN tài trợ theo Chương trình 30A |
Em Lù Thị Minh Tâm, học sinh lớp 5A1, Trường Tiểu học Dân tộc bán trú Hoang Thèn cho biết: Trước đây, khi chưa có chỗ ở bán trú, hàng ngày bố phải đưa em đi học rất vất vả. Nhiều hôm vì trời mưa to, đường từ nhà ra trường lại xa, trơn trượt, không đi được, em phải nghỉ học. Sau này, khi có nhà bán trú thì việc học hành, đi lại cũng đỡ hơn nhưng vì là nhà tạm nên chật chội, rất nóng bức. Phải đến khi được các cô, các chú bên điện lực hỗ trợ, chúng em mới có được dãy nhà bán trú kiên cố, phòng ở rộng rãi hơn, thoáng mát như thế này. Chúng em ai lấy đều rất vui và mong muốn hàng ngày được đến trường học và chơi với các bạn.
Không chỉ hỗ trợ giúp các em có được chỗ ăn, chỗ nghỉ khang trang, sạch sẽ, thoáng mát, Lù Thị Minh Tâm còn cho biết các còn được các cô chú bên điện lực hỗ trợ để có bữa ăn đầy đủ, ngon hơn.
3. Phong Thổ đang chuyển mình, khoác bộ áo mới. Bộ mặt kinh tế - xã hội đang có sự thay đổi mạnh mẽ. Theo Trần Bảo Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ, đầu nhiệm kỳ theo tiêu chí cũ thì huyện còn khoảng hơn 40% tỷ lệ hộ nghèo, nhưng đến cuối năm 2021 chỉ còn hơn 8%. Cơ cấu kinh tế cũng có chuyển biến tích cực, tỷ trọng sản xuất công nghiệp và xây dựng đã tăng lên đáng kể; tỷ lệ cơ sở hạ tầng như giao thông, giáo dục có thay đổi đáng mừng, bộ mặt của nông thôn có sự chuyển biến hàng ngày.
Theo ông Trung, Chương trình 30A đã giúp Phong Thổ nói chung và các xã của Phong thổ có điều kiện để tổ chức sản xuất, có nguồn lực để hỗ trợ bà con nông dân phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi đời sống cũng như phát huy được các giá trị văn hoa truyền thống.Trong đó, EVN được giao hỗ trợ, giúp huyện đầu tư các công trình ngành điện, cứng hoá hệ thống giao thông thôn bản, hỗ trợ ngành giáo dục đầu tư cơ sở các trường học bán trú cũng như giúp đỡ các gia đinh chính sách, hoàn cảnh khó khăn cải tạo lại nhà ở.
Từ khi có điện, người dân có điều kiện được tiếp xúc nhiều hơn với các phương tiện truyền thông nghe nhìn, hỗ trợ nhiều cho đia phương trong công tác tuyên truyền, nhất là thực hiện các chương trình hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất cũng như phát triển nông thôn mới.
Để có sự so sánh về sự thay đổi mà chương trình 30A đã mang lại cho Phong Thổ, ông Trung cho biết, trước kia, trong hệ thống trường lớp của huyện, số trường có nhà học bán trú chỉ chiếm 20% thì từ khi có sự hỗ trợ của EVN, các trường hiện nay cơ bản đã được đầu tư có cơ sở bán trú, tỷ lệ học sinh đi học tăng cao, chất lượng được nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo thông qua hỗ trợ cũng giảm nhanh, bình quân 8,7% năm giai đoạn 2009-2015 và 5% trong giai đoạn 2015-2021.
Tư duy sản xuất của bà con cũng thay đổi hẳn. Trước đây bà con chủ yếu sản xuất thủ công, như đồng ruộng thì dùng sức kéo trâu bò, hay chế biến nông sản thủ công, chưa có máy móc. Nhưng khi có điện lưới quốc gia, bà con đã dùng máy móc phục vụ chế biến nông sản. Mô hình sản xuất cũng có thay đổi, trước đây việc thành lập các tổ hợp tác xã rất xa lạ với bà con vùng cao, biên giới. Nhưng đến nay, trên địa bàn huyện đã có nhiều hợp tác xã nông nghiệp thành lập ra để tổ chức sản xuất cũng như liên kết tiêu thụ sản phẩm.
“Chúng tôi đánh giá rất cao sự vào cuộc của ngành Điện. Thông qua việc đầu tư hệ thống lưới điện, 99,6% hộ gia đình trên địa bàn huyện Phong Thổ đã được sử dụng lưới điện quốc gia. Đây là sự đầu tư lớn, tích cực và có trách nhiệm của ngành Điện đối với huyện Phong Thổ. Từ việc đầu tư lưới điện đã làm thay đổi nhiều thói quen sinh hoạt, đời sống của người dân; hoạt động tổ chức sản xuất cũng có sự thay đổi, là sự mở đầu cho đưa cơ giới hoá vào sản xuất”, ông Trung nói.
Thanh Ngọc
Tâm sự nghề “Cảnh sát điện” |
Tâm sự của những thợ điện Sông Cầu |
Lặng thầm những công nhân xử lý sự cố |
Công nhân ngành điện và những niềm riêng trong đại dịch |
Mường Cai đổi đời nhờ... điện |