Trừng phạt năng lượng Nga, Mỹ có đạt được các mục tiêu chính trị?
(PetroTimes) - Chỉ một vài tháng trước, các biện pháp trừng phạt hoàn toàn đối với lĩnh vực xuất khẩu năng lượng của Nga đã bị coi là điều không tưởng. Tác động đến giá cả và suy thoái kinh tế toàn cầu bị coi là hậu quả quá lớn.
Không có cứu trợ từ OPEC+ và từ các nhà sản xuất dầu đá phiến
Có thể nói rằng, có rất ít nguồn cung bổ sung từ các nhà sản xuất khác. Một thỏa thuận giữa Mỹ và Iran có thể giúp đưa ra thị trường từ 750.000 thùng/ngày đến 1 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay. Tuy nhiên, hai bên chưa đạt được thỏa thuận nào, bất chấp nhiều đồn đoán. Hiện tại, không có dấu hiệu nào cho thấy liên minh OPEC+ sẽ thay đổi lộ trình tại cuộc họp tiếp theo về sản lượng vào ngày 31/03. Thay vào đó, liên minh dường như sẽ tiếp tục chính sách bổ sung 400.000 thùng/ngày vào thị trường mỗi tháng (thực tế là liên minh OPEC+ đã không đạt được mục tiêu về hạn ngạch đề ra). Phía OPEC+ cho rằng, giá dầu tăng là do yếu tố địa chính trị và đầu cơ tài chính, nằm ngoài tầm kiểm soát của liên minh. KSA và UAE – hai nhà sản xuất hàng đầu trong OPEC+, không có dự định đưa thêm nguồn cung vào thị trường theo lời kêu gọi từ phía Mỹ. Đồng thời, chính phủ hai nước cũng bày tỏ thái độ không hài lòng về sự thờ ơ của chính quyền Mỹ đối với các cuộc tấn công bằng tên lửa gần đây của nhóm phiến quân Houthi vào KSA và UAE.
Cả KSA và UAE cho rằng, OPEC+ là một tổ chức điều tiết thị trường hơn là phụ thuộc vào yếu tố địa chính trị, nhưng cũng cân nhắc việc yếu tố địa chính trị đang ảnh hưởng đến cách tiếp cận hiện tại của mình. KSA coi Nga là một đối tác quan trọng trong OPEC+. Cả KSA và UAE đều đang gửi một thông điệp ngầm đến Mỹ và EU rằng, nếu trừng phạt các nhà xuất khẩu năng lượng Nga, người tiêu dùng Mỹ và EU sẽ phải chịu hậu quả. Thông điệp của hai nhà sản xuất dầu hàng đầu nhấn mạnh với các nước phương Tây rằng, yếu tố địa chính trị năng lượng đã thay đổi và lợi ích kinh tế của họ ngày càng gắn chặt với châu Á. Các chuyên gia của CSIS đánh giá, việc từ chối tăng thêm sản lượng của OPEC+ đồng nghĩa với việc liên minh từ bỏ mục tiêu cung cấp sự ổn định cho thị trường và dường như đang phớt lờ những lo ngại của các khách hàng lớn nhất của mình.
Các nhà sản xuất dầu đá phiến ở Bắc Mỹ cũng đang giảm tốc. Nhiều công ty lo ngại với phản ứng dữ dội từ các nhà đầu tư nếu họ tăng chi tiêu vốn và tăng sản lượng. Bất chấp tín hiệu rõ ràng về giá dầu cho thấy thị trường cần thêm nguồn cung, số lượng giàn khoan ở khu vực Bắc Mỹ vẫn tăng chậm. Lĩnh vực đá phiến đang chứng kiến tình trạng thiếu hụt nhân lực, giàn khoan, đội thợ máy và các yếu tố đầu vào khác làm hạn chế khả năng tăng khai thác. Việc gia tăng sản xuất dầu đá phiến sẽ mất từ 6 - 12 tháng. Nhiều công ty đá phiến lo ngại rằng, các nhà đầu tư sẽ trừng phạt nếu họ tăng sản lượng và làm giảm hiệu quả sử dụng vốn và lợi nhuận. Để gia tăng sản lượng dầu đá phiến, phải có một cuộc đối thoại hiệu quả hơn giữa các nhà sản xuất, nhà đầu tư và chính phủ nhằm tăng cường an ninh năng lượng và tăng sản lượng thêm khoảng 1 triệu thùng/ngày đến cuối năm 2022.
Các biện pháp trừng phạt toàn diện
Chỉ một vài tháng trước, các biện pháp trừng phạt hoàn toàn đối với lĩnh vực xuất khẩu năng lượng của Nga đã bị coi là điều không tưởng. Tác động đến giá cả và suy thoái kinh tế toàn cầu bị coi là hậu quả quá lớn. Tuy nhiên, trong thời gian chiến sự kéo dài và cuộc khủng hoảng nhân đạo, thực tế đã thay đổi. Mỹ và EU đang thảo luận về các phương án nhằm gia tăng sức ép kinh tế đối với Nga, nhưng không bao gồm các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với lĩnh vực xuất khẩu dầu thô và khí đốt của Nga. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cảnh báo rằng, các biện pháp trừng phạt toàn diện có thể gây ra suy thoái kinh tế ở châu Âu. Nhưng để tìm kiếm các phương án leo thang chống Nga, cả Mỹ và EU đang xem xét các kế hoạch dự phòng, có thể bao gồm việc áp dụng dần các biện pháp cấm vận dầu mỏ hoặc các biện pháp giảm nhập khẩu đối với những quốc gia phụ thuộc nhiều vào nguồn cung năng lượng từ Nga.
Các biện pháp trừng phạt hoàn toàn đối với hàng hóa xuất khẩu của Nga sẽ là thời điểm quan trọng đối với thị trường dầu mỏ, có khả năng tạo ra siêu chu kỳ giá cao với nhiều hệ lụy. Các tác động có thể bao gồm sự phá hủy nhu cầu, sắp xếp lại đáng kể các dòng sản phẩm dầu mỏ và dầu thô, cũng như đòi hỏi nỗ lực chính sách mạnh mẽ hơn nhiều ở châu Âu và tại các khu vực khác nhằm giảm nhu cầu dầu. Quy mô chưa từng có của các biện pháp trừng phạt hiện tại đang chứng tỏ vị trí trung tâm của hệ thống tài chính Mỹ và vai trò thiết yếu của đồng USD với tư cách là đồng tiền dự trữ toàn cầu. Nhưng ngay cả các biện pháp trừng phạt đầy đủ đối với lĩnh vực xuất khẩu năng lượng của Nga cũng sẽ bộc lộ những hạn chế.
Thực tế cho thấy, các biện pháp trừng phạt năng lượng thường không đạt được các mục tiêu chính trị. Các biện pháp trừng phạt đối với Iran và Venezuela cho thấy, biện pháp trừng phạt được áp dụng càng lâu thì càng có nhiều người tham gia thị trường tìm cách “lách” thông qua giao dịch bất hợp pháp, đổi tàu hay trộn dầu thô. Một cuộc chiến thảm khốc, sự tê liệt của nền kinh tế và sự cô lập về chính trị, kinh tế có thể sẽ buộc Nga phải lùi bước ở Ukraine. Tuy nhiên, nếu các biện pháp trừng phạt năng lượng hoàn toàn đối với Nga, chúng sẽ được duy trì trong nhiều tháng.
Tiến Thắng