Tin tức kinh tế ngày 29/3: Thu hút FDI giảm 12,1% so với cùng kỳ
(PetroTimes) - Thu hút FDI giảm 12,1% so với cùng kỳ; GDP quý 1 ước tăng 5,03%, CPI tăng 1,92%; Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong quý 1… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 29/3.
Thu hút FDI giảm 12,1% so với cùng kỳ |
Giá vàng giảm mạnh
Tại thị trường vàng trong nước, giao dịch lúc 8h sáng nay: Giá vàng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - chi nhánh Hà Nội được niêm yết ở mức 68,60-69,32 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Giảm 100.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 150.000 đồng/lượng chiều bán ra so với phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua-bán vàng là 720.000 đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng SJC của Tập đoàn Phú Quý đang ở mức 68,50-69,30 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Giảm 100.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua - bán vàng là 800.000 đồng/lượng.
Còn tại Tập đoàn DOJI, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 68,50-69,30 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Giữ nguyên mức giá chiều mua vào và giảm 50.000 đồng/lượng chiều bán ra so với phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua - bán vàng là 800.000 đồng/lượng.
Tại thị trường vàng thế giới (cùng giờ Việt Nam), giá vàng được niêm yết ở mức 1.922,90 USD/ounce, giảm 33,3 USD/ounce so với phiên giao dịch sáng qua.
Khách quốc tế đến Việt Nam tăng 89,1% so với cùng kỳ năm 2021
Tại buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý I/2022, bà Nguyễn Thị Hương Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, kinh tế - xã hội nước ta 3 tháng đầu năm 2022 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn duy trì đà hồi phục, các hoạt động sản xuất được đẩy mạnh, chuỗi cung ứng toàn cầu bắt đầu được khơi thông.Trong nước, hầu hết các ngành, lĩnh vực có xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại.
Theo đó, trong quý I/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hành khách giảm 23,6%; luân chuyển hành khách giảm 15,8% và vận chuyển hàng hóa tăng 8,2%, luân chuyển hàng hóa tăng 8,8%; khách quốc tế đến nước ta đạt gần 91 nghìn lượt người, tăng 89,1% so với cùng kỳ năm trước.
GDP quý I ước tăng 5,03%, CPI tăng 1,92%
Tổng cục Thống kê vừa công bố số liệu thống kê quý I/2022. Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I/2021 và 3,66% của quý I/2020 nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng 6,85% của quý I năm 2019.
Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI), tháng 3 tăng 0,7% so với tháng trước, trong đó nhóm giao thông có mức tăng cao nhất (4,8%). CPI bình quân quý I/2022 so với cùng kỳ năm 2021 tăng 1,92%; CPI tháng 3/2022 tăng 1,91% so với tháng 12/2021 và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2021. Lạm phát cơ bản quý I/2022 tăng 0,81% so với bình quân cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,92%).
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong quý I
Theo số liệu vừa công bố sáng nay (29/3) của Tổng cục Thống kê, trong tháng 3/2022, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa hồi phục mạnh mẽ với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 66,73 tỷ USD, tăng 36,8% so với tháng trước và tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng cục Thống kê cho biết, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 25,2 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 27,6 tỷ USD.
Cả nước có gần 34,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 3 tháng đầu năm
Theo số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê, tình hình đăng ký doanh nghiệp quý I/2022 có nhiều khởi sắc.
Chỉ tính riêng trong tháng 3/2022, cả nước có 14,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 193,6 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký 93,8 nghìn lao động, tăng 96,3% về số doanh nghiệp, tăng 127,3% về vốn đăng ký và tăng 29,2% về số lao động so với tháng 2/2022. So với cùng kỳ năm trước, tăng 28% về số doanh nghiệp, tăng 71,3% về số vốn đăng ký và tăng 28,8% về số lao động.
Tính chung 3 tháng đầu năm 2022, cả nước có gần 34,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 471,2 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 243,5 nghìn lao động, tăng 18,1% về số doanh nghiệp, tăng 5,2% về vốn đăng ký và giảm 0,9% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Ngân sách chi gần 1,2 triệu tỉ đồng trả nợ công giai đoạn 2022-2024
Bộ Tài chính đã có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về Chương trình quản lý nợ công 3 năm giai đoạn 2022-2024 và kế hoạch vay, trả nợ công năm 2022.
Với giai đoạn 2022-2024, Bộ Tài chính dự kiến Chính phủ huy động tối đa khoảng hơn 2 triệu tỉ đồng vốn vay, gồm: 1,31 triệu tỉ đồng vay để bù đắp bội chi ngân sách Trung ương; 612.000 tỉ đồng vay để trả nợ gốc của Chính phủ; 117.000 tỉ đồng vay về cho UBND cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp vay lại từ vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài.
Về nghĩa vụ trả nợ, tổng trả nợ của Chính phủ dự kiến khoảng 1,19 triệu tỉ đồng, gồm: 1,045 triệu tỉ trả nợ trực tiếp; 146.000 tỉ đồng trả nợ các khoản vay về cho vay lại.
Thu hút FDI giảm 12,1% so với cùng kỳ
Theo Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/3/2022 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 8,91 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, vốn đăng ký cấp mới có 322 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 3,21 tỷ USD, tăng 37,6% về số dự án và giảm 55,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 2,19 tỷ USD, chiếm 68,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 599,9 triệu USD, chiếm 18,7%; các ngành còn lại đạt 422,7 triệu USD, chiếm 13,1%.
Tin tức kinh tế ngày 28/3: Nhu cầu ôtô năm 2022 ước tính sẽ tăng 16% Nhu cầu ôtô năm 2022 ước tính sẽ tăng 16%; Dòng tiền nhàn rỗi bất ngờ quay lại ngân hàng; Đề xuất giãn, hoãn 125.000 tỷ đồng tiền thuế cho doanh nghiệp năm 2022… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 28/3. |
P.V (Tổng hợp)