Vì sao sắt thép phế liệu không được giảm thuế VAT?
(PetroTimes) - Xử lý việc thiếu nhất quán trong giảm thuế sắt thép phế liệu nhập khẩu, Tổng cục Thuế vừa có văn bản hướng dẫn cục Thuế các địa phương áp dụng thống nhất các nhóm hàng hóa dịch vụ được giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% và mặt hàng không được giảm thuế này theo Nghị định 15/2022.
Sau khi cục Thuế một số địa phương có những hướng dẫn doanh nghiệp trái ngược nhau liên quan tới hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng (VAT, theo Nghị quyết 15/2022), gây khó cho doanh nghiệp, Tổng cục Thuế đã vào cuộc để xử lý thống nhất.
Tổng cục Thuế cũng kết luận mặt hàng sắt thép phế liệu không thuộc diện giảm thuế VAT (vẫn tính thuế VAT mức 10%) (ảnh minh họa) |
Với mặt hàng từ kim loại cơ bản như sắt, thép, chì kẽm, nhôm, đồng… nhưng chưa được phân nhóm cụ thể và chưa có mã sản phẩm (mã HS), Tổng cục Thuế hướng dẫn các hàng hóa này đều thuộc đối tượng không được giảm thuế VAT.
Do đó, Tổng cục Thuế cũng kết luận mặt hàng sắt thép phế liệu không thuộc diện giảm thuế VAT (vẫn tính thuế VAT mức 10%). Tổng cục Thuế đã thông báo để các cơ quan thuế địa phương biết và thực hiện thống nhất.
Trước đó, thông tin từ báo chí phản ánh, doanh nghiệp mua bán thép phế liệu gặp khó khi cơ quan thuế hướng dẫn mỗi nơi một kiểu về giảm thuế VAT, có cơ quan thuế hướng dẫn doanh nghiệp được giảm, có cơ quan thuế lại bảo không. Điều này dẫn tới nhiều khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, khi không thể xuất được hóa đơn nhằm thanh toán đơn hàng, và đối mặt nhiều rủi ro về quyết toán thuế, vì thuế đầu ra và đầu vào không đồng nhất.
Điển hình như Cục Thuế Thái Nguyên, Vĩnh Long có văn bản hướng dẫn mặt hàng sắt thép phế liệu được giảm thuế VAT còn 8% tới hết năm nay. Trong khi cơ quan thuế Nghệ An, Bắc Ninh… lại hướng dẫn mặt hàng này không được giảm thuế VAT (giữ nguyên 10%).
Điều này dẫn tới việc nhiều doanh nghiệp khi mua hàng phải chịu thuế VAT (10%), nhưng lúc bán cho khách hàng ở một số địa phương áp dụng mức VAT 8%. Để thoát thế khó, có doanh nghiệp đã phải làm việc với các đối tác mua hàng ký thỏa thuận tạm thời tính thuế và thanh toán trước để có vốn, khi nào có hướng dẫn thống nhất của Bộ Tài chính sẽ điều chỉnh lại mức thuế VAT trên hóa đơn.
Ngoài ra, theo phản ánh của một số doanh nghiệp, người kinh doanh, chính sách giảm thuế VAT chỉ áp dụng một số hàng hóa dịch vụ, một số không, dẫn tới làm khó doanh nghiệp. Thực tế, có sản phẩm doanh nghiệp làm ra từ cấu kiện, có cấu kiện được giảm thuế, cấu kiện không, và sản phẩm làm ra thường chỉ xuất 1 hóa đơn.
Tuy nhiên, theo hướng dẫn của cơ quan thuế, muốn được giảm thuế VAT doanh nghiệp phải xuất hóa đơn riêng cho phần được được giảm thuế, hóa đơn riêng với phần không được giảm. Điều tương tự cũng xảy ra với các nhà thầu xây dựng, khi khối lượng hoàn thành có vật liệu được giảm thuế, vật liệu không rất khó tách bạch để xuất hóa đơn riêng.
Trong bối cảnh giá sắt thép tăng vọt lên do tác động từ thị trường thế giới, thiếu hụt nguồn cung lại đúng thời điểm cả nước đang nỗ lực phục hồi kinh tế hậu đại dịch Covid-19, việc nhanh chóng làm rõ, xử lý vấn đề ưu đãi thuế sắt thép phế liệu là đáng ghi nhận.
P.V