Trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM: Khát vọng khó thành hiện thực?
(PetroTimes) - Mặc dù kế hoạch phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam đã có từ lâu, tuy nhiên, phát triển theo hướng nào, theo mô hình nào và cần chính sách, cơ chế gì hỗ trợ, là những vấn đề được nhiều chuyên gia kinh tế quan tâm.
Khát vọng khó thành hiện thực? |
TS Nguyễn Xuân Thành - giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam: Hoàn thiện khung pháp lý
Bảng xếp hạng Chỉ số trung tâm tài chính toàn cầu (GFCI) đánh giá TP HCM là một trung tâm tài chính toàn cầu thứ cấp, nhưng không nói là trung tâm tài chính quốc gia hay quốc tế mà là trung tâm tài chính toàn cầu thứ cấp. Tính thứ cấp nằm ở năng lực cạnh tranh. Năng lực cạnh tranh của TP HCM ngang bằng các thành phố lớn của khu vực như Jakarta (Indonesia), Manila (Philippines), đặc biệt không thua kém nhiều Bangkok (Thái Lan) và Kuala Lumpur (Malaysia).
Dù quốc tế đánh giá TP HCM có tiềm năng trở thành trung tâm tài chính toàn cầu, tuy nhiên, về năng lực cạnh tranh, TP HCM còn tồn tại một số điểm yếu. Điển hình, các dịch vụ mới nổi tăng nhanh trong thời gian qua nhưng có thể tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới hay không? Các dịch vụ này có trở thành những tổ chức tài chính số hay chỉ là những startup “yểu mệnh”?...
Theo tôi, có 3 định hướng quan trọng của mô hình trung tâm tài chính quốc tế. Thứ nhất là phát triển song hành hệ thống ngân hàng và thị trường vốn với sự tham gia của các tổ chức tài chính trong và ngoài nước theo mô hình tập đoàn tài chính. Thứ hai, phát triển công nghệ tài chính (Fintech) gắn với đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Cuối cùng, phát triển thị trường giao dịch hàng hóa.
TP HCM có nhiều triển vọng để trở thành trung tâm tài chính quốc tế |
Phát triển trung tâm tài chính thiếu vắng khung pháp lý thì rủi ro sẽ rất cao. Việt Nam hiện chưa có không gian pháp lý cho tập đoàn tài chính đa ngành, đa dịch vụ hoạt động. Những nơi năng lực quản lý chưa đủ, khung pháp lý chưa đủ thì sẽ không cho phép tổ chức tài chính hoạt động theo mô hình tập đoàn tài chính vì quá nhiều rủi ro. Cần có khung pháp lý cho các tổ chức tài chính hoạt động theo mô hình tập đoàn tài chính. Cơ chế này hấp dẫn và ưu đãi hơn cả miễn giảm tiền thuê đất hay giảm thuế. Trung tâm tài chính không phải tòa nhà, cao ốc hay một khu phức hợp cụ thể, mà là một hệ sinh thái tài chính.
TS Trần Du Lịch - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia: Đột phá về chính sách
Hiện đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIII của TP HCM. Muốn xây dựng trung tâm tài chính quốc tế cần phải có đột phá, nhưng đột phá cỡ nào? Đề án đã tính toán, đề xuất mở cửa thị trường ở 3 mức độ: Thấp, trung bình và cao, nhưng cần tính toán cẩn thận. TP HCM sẽ tổ chức hội thảo riêng về trung tâm tài chính để lắng nghe ý kiến các chuyên gia kinh tế về việc triển khai xây dựng và phát triển trung tâm tài chính như thế nào cho phù hợp nhất.
TP HCM đang là trung tâm tài chính quốc gia, có một vị trí nhất định trong thị trường tài chính ASEAN. Thị trường tài chính TP HCM đóng góp giao dịch ngắn hạn khoảng 28% nhưng chiếm 95% thị trường vốn của Việt Nam. Khát vọng từ trung tâm tài chính quốc gia đến tầm khu vực và quốc tế với TP HCM không quá khó. Thành phố đã có sẵn nguồn nguyên liệu, chỉ cần một đầu bếp chế biến thế nào cho ngon. Tuy nhiên, căn cứ vào các tiêu chí trung tâm tài chính, TP HCM đi theo hướng chắc chắn, an toàn, nhưng phải mở và đột phá về chính sách. Cơ chế chính sách cần tập trung vào 3 nhóm: Nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư tài chính và sản phẩm tài chính đa dạng.
TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh: Tốc độ và sáng tạo
Hiện nay có 2 từ đang được dùng nhiều nhất, quan trọng nhất nếu muốn phát triển là “tốc độ” và “sáng tạo”. Xây dựng trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP HCM có nhiều thách thức, vì chúng ta đang có khoảng cách quá xa với thế giới về mức độ hội nhập, quy mô thị trường tài chính... Một thực tế đáng buồn là một trong những đặc khu kinh tế của Việt Nam từ những năm 90 của thế kỷ trước là Hải Phòng đến nay nhìn lại chưa đi đến đâu. Một số đề án khác cũng rất ì ạch. Ý tưởng về trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM bắt đầu từ cách đây khoảng 20 năm, đến nay vẫn đang chỉnh sửa, nhưng hy vọng chúng ta “dám chơi, biết chơi và chơi nhanh” vì đi chậm thì không còn đột phá, khát vọng giai đoạn 5 năm 2025-2030 có trung tâm tài chính quốc tế khó thành hiện thực.
Theo tôi, có những vấn đề lớn về cách tiếp cận xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM:
Tạo thể chế đột phá vượt trội có khả năng cạnh tranh quốc tế, để trung tâm này có thể cạnh tranh với các trung tâm tài chính tại Hongkong, Singapore, Dubai... và trở thành một điểm đến để các nhà đầu tư lựa chọn.
Lựa chọn mô hình trung tâm tài chính mới chứ không phải theo cách truyền thống, tiếp cận ngay mô hình tài chính tích hợp gắn với đô thị hóa, các dịch vụ chất lượng cao...
Ngay từ đầu đã có những nhà đầu tư quan tâm đến Việt Nam. Cần biết rõ điều kiện nhà đầu tư thế nào, lợi ích và trách nhiệm, cam kết nghĩa vụ của họ ra sao... để tìm những nhà đầu tư thật sự chất lượng.
Cần có văn bản pháp lý triển khai ngay đề án.
Ý tưởng về trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM bắt đầu từ cách đây khoảng 20 năm, đến nay vẫn đang chỉnh sửa, nhưng hy vọng chúng ta “dám chơi, biết chơi và chơi nhanh” vì đi chậm sẽ không còn đột phá, khát vọng giai đoạn 5 năm 2025-2030 có trung tâm tài chính quốc tế khó thành hiện thực. |
Thanh Hồ