Tây Hòa khởi sắc nhờ có lưới điện Quốc gia
(PetroTimes) - Trong những năm qua, PC Phú Yên đã sử dụng nguồn vốn tiết kiệm được từ các công trình để đưa điện đến những vùng “lõm điện” tại làng Tân Định và làng Lạc Sanh của huyện Tây Hòa. Nhờ đó, từ năm 2020, tỉnh Phú Yên đã hoàn thành 100% khu dân cư trên địa bàn được sử dụng điện lưới Quốc gia. Trở lại những vùng lõm vừa được cấp điện, những khu dân cư từng được gọi với cái tên “xóm đèn dầu” ở huyện Tây Hòa những ngày đầu năm 2022, cuộc sống của người dân giờ đã có nhiều đổi thay nhờ điện lưới Quốc gia.
PC Phú Yên kiểm tra hệ thống điện cho khu du lịch sinh thái Hóc Răm |
Nhiều khởi sắc
Từ ngày được đầu tư điện lưới, cuộc sống 14 hộ dân sinh sống tại làng Lạc Sanh, xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa bước sang trang mới. Có điện, người dân yên tâm ổn định cuộc sống. Các em nhỏ có điều kiện học hành, vui chơi, giải trí. Mới đây, địa phương cũng đã đầu tư hệ thống điện đường thắp sáng, người dân đi lại buổi tối an toàn, thuận tiện hơn. Bà Nguyễn Thị Nhớ - xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa đã từng gắn bó với ngôi làng này từ những năm đầu rất phấn khởi: "Từ khi có điện, đời sống người dân thoải mái hơn nhiều. Hồi chưa có điện nói chung vất vả, cực khổ lắm với mấy mươi năm thắp đèn dầu. Rồi nửa đêm, nửa hôm, mưa gió khổ trăm chuyện lận. Đến khi có điện, cuộc sống mưu sinh những người dân đã ổn định. Dịp Tết vừa qua, địa phương đầu tư hệ thống điện đường thắp sáng, người dân như chúng tôi rất đỗi vui mừng".
Còn tại làng Tân Định, xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa, những năm gần đây, cuộc sống của hơn 20 hộ dân sôi động và đầy sức sống nhờ có điện lưới Quốc gia. Gia đình ông Nguyễn Văn Minh là một trong những hộ gắn bó lâu nhất ở vùng đất này. Trước đây, không có điện, điều kiện khó khăn, cuộc sống gia đình cũng chật vật, chỉ phụ thuộc vào mấy sào lúa và con bò. Từ ngày có điện, ông mạnh dạn đầu tư thêm mô tơ bơm nước trồng cỏ, mua máy băm cỏ; phát triển đàn bò lên đến 16 con, đồng thời mở rộng chuồng trại nuôi hơn 300 con gà. Nhờ vậy, kinh tế gia đình ngày càng ổn định. Ông Nguyễn Văn Minh - xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa cho hay: “Về thu nhập, người dân nơi đây rất phấn khởi, đỡ hơn khi không có điện gấp bội phần. Đơn cử, trước đây, thằng cháu tôi không có mở rộng chăn nuôi cá, gà hay dê. Bữa nay có điện rồi, nó phát triển chăn nuôi thêm. Nhờ vậy, gia đình nó đầy đủ, không thiếu thứ gì”.
Cả hai ngôi làng Lạc Sanh và Tân Định đều có ưu thế diện tích rộng lớn, lại có sẵn nguồn thức ăn từ các phụ phẩm nông nghiệp. Từ khi có nguồn sáng Quốc gia, mỗi gia đình đều mở rộng diện tích trồng trọt, chăn nuôi. Có điện, bà con đã sắm sửa ti vi, tủ lạnh, máy cắt cỏ, máy làm cám, đầu tư cơ sở làm nghề mộc… Thu nhập của bà con ngày càng nâng cao, cuộc sống không ngừng được cải thiện.
Tạo đà phát triển du lịch từ khi có điện
Làng Tân Định, huyện Tây Hòa gắn với khu du lịch Hóc Răm còn rất hoang sơ. Nắm bắt được ưu thế phát triển du lịch, ông Võ Tấn Đạt - người dân thôn Hội Cư đã đầu tư, cải tạo 2 ha đất đầm lầy thành một khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng kết hợp chăn nuôi, trồng trọt. Tại đây, ông Đạt đã xây dựng một tổ hợp dịch vụ gồm khu ăn uống, giải trí câu cá; hồ bơi sinh thái để phục vụ khách du lịch… Ngoài ra, ông còn kết hợp với mô hình chăn nuôi chuồng trại để nuôi gà, dê; đào ao nuôi cá nước ngọt; trồng thơm, dừa, sen, chuối, cây ăn trái… Năm 2021, mặc dù ảnh hưởng dịch Covid-19, ông thu về hơn 200 triệu đồng từ mô hình kinh tế gia đình. Ông Võ Tấn Đạt cho biết, với mô hình này, ông đã ấp ủ nhiều năm nay, nhưng chỉ khi có điện thì mới hiện thực hóa được. Nhờ có điện, ông đã mạnh dạn đầu tư thêm cơ sở vật chất cho khu du lịch. Trước Tết, ông tiếp tục đầu tư, phát triển thêm khoảng 1 ha đất về phía núi, mở rộng quy mô trồng trọt, chăn nuôi để lấy ngắn nuôi dài. Ông Đạt cho biết thêm, ông đã xây dựng thêm một hồ nuôi cá kết hợp dịch vụ câu cá cho khách tham quan, vui chơi giải trí.
Ngoài dự án khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Hóc Răm, địa phương tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư phát triển mô hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, vừa tạo việc làm cho người dân, vừa góp phần vào việc xây dựng nông thôn mới nâng cao của xã.
Ông Trần Quốc Suyền - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hòa Tân Tây cho biết: “Phải nói rằng, lưới điện Quốc gia được kéo về đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế cũng như nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân hai ngôi làng. Nhờ đó, đời sống và thu nhập của người dân tăng lên đáng kể. Ngoài ra, việc PC Phú Yên đầu tư lưới điện tại hai ngôi làng này, bên cạnh đảm bảo đời sống người dân, còn tạo điều kiện thu hút các dự án đầu tư dịch vụ, du lịch trên địa bàn”.
Những “xóm đèn dầu” ngày nào giờ đã từng bước thay da đổi thịt, ngày một khang trang, khởi sắc hơn. Người dân ở những “vùng lõm” thiếu điện một thời giờ đã có thể bắt kịp đà phát triển của địa phương. Dù vẫn còn nhiều khó khăn trước dịch bệnh, thiên tai, song bà con nơi đây đã có thêm niềm tin và hi vọng, điện lưới sẽ tiếp tục “thắp sáng” đưa cuộc sống bà con ngày một tốt hơn.
Tháng 09/2018, PC Phú Yên đã tận dụng nguồn vốn tiết kiệm được từ các dự án khác để đưa điện về “vùng lõm” đầu tiên ở Phú Yên tại làng Tân Định với đầu tư xây dựng mới 2 km đường dây trung áp, gần 1 km đường dây hạ áp và 01 trạm biến áp có dung lượng 100kVA với tổng mức đầu tư gần 2 tỷ đồng. Tháng 12/2020, PC Phú Yên tiếp tục đóng điện ở cụm dân cư Lạc Sanh thuộc thôn Bình Thắng, xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa với 3,7 km đường dây trung áp, 02 TBA và 3,8 km đường dây hạ áp với tổng vốn đầu tư là hơn 4,9 tỷ đồng. Việc làm có ý nghĩa trên đã nói lên tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí, chung tay cùng với Nhà nước xây dựng nông thôn mới và công tác an sinh xã hội trên địa bàn của ngành điện. |
Hoa Hồng (EVNCPC)