Thị trường xăng dầu và sự công tâm nhìn nhận
Khác với nhiều thị trường khác, thị trường mặt hàng xăng dầu vừa mang tính đa diện, vừa mang tính nhạy cảm bởi đây là mặt hàng không thể tái tạo được, lại rất dễ “nổi sóng” khi luôn liên thông gần như tức khắc với dư chấn của các biến động địa chính trị.
Mặt hàng xăng dầu đã được chọn mở đầu cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 16/3/2022 để các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên với các nội dung về giải pháp điều hành, bảo đảm nguồn cung, phân phối, dự trữ...
Yêu cầu đặt ra tại phiên chất vấn như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt ra là phải “dứt khoát làm rõ việc bảo đảm nguồn cung, trả lời thấu đáo biện pháp chắc chắn để bảo đảm vấn đề này”.
Cùng đó khác với những phiên chất vấn tại các kỳ họp thường kỳ của Quốc hội, một điểm mới hoàn toàn của của phiên chất vấn ngày 16/3/2022 là phải làm cho đại biểu và cử tri cả nước thấy được sự hợp tác chặt chẽ, kịp thời giữa Chính phủ và Quốc hội trong việc tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Hai yêu cầu cao nhất trong điều hành thị trường xăng dầu là phải có đủ lượng xăng dầu phục vụ cho sản xuất và đời sống và giá cả vận hành theo thị trường nhưng có kiểm soát. |
Những điểm này cùng với độ nóng của vấn đề có thể nói đã tạo nên một "sức ép" song cũng đồng thời là kỳ vọng rất lớn của các đại biểu Quốc hội, cử tri cả nước trước sự đăng đàn của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trong vai trò Tư lệnh ngành Công Thương, nhất là khi Bộ trưởng mới nhận nhiệm sở 10 tháng.
Trong thời gian hơn 3 tiếng đồng hồ, 39 đại biểu Quốc hội đã trực tiếp đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và đi cùng là có 10 đại biểu sử dụng quyền tranh luận tại hội trường để cùng Bộ trưởng làm thấu tỏ “chân tơ kẽ tóc” của vấn đề thuộc phạm vi quản lý trực tiếp của Bộ Công Thương tại một cuộc đối thoại chính sách được truyền hình và truyền thanh trực tiếp tới cử tri và các đoàn đại biểu Quốc hội cả nước.
“Các Bộ trưởng (tham gia trả lời chất vấn ngày 16/3/2022 gồm Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà- PV) đã thể hiện được tinh thần trách nhiệm, cầu thị, nắm chắc thực trạng ngành, lĩnh vực mình phụ trách, thẳng thắn, không vòng vo, né tránh, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, trong đó có những vấn đề dân sinh bức xúc, tồn tại nhiều năm”- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận sau phiên trả lời chất vấn.
Ghi nhận ở một chiều kích khác ngay sau phiên chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, một số chuyên gia kinh tế gắn “câu chuyện Nghi Sơn” để tạo chỗ dựa cho nhìn nhận rằng, nội dung trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên là “có vấn đề” ở chỗ “tạo cho người nghe Bộ này không hề có trách nhiệm trong câu chuyện cung – cầu xăng dầu trong nước”. Thậm chí có cơ quan ngôn luận còn rút tít là “phủi trách nhiệm” (sau đó cái tít này đã phải bỏ đi) cùng việc dẫn ý kiến chuyên gia cho rằng với một số giải pháp được đưa ra (về hỗ trợ dân sinh) thì “không chỉ thể nói suông như thế được”.
Ý kiến người trong cuộc thế nào?
Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc sau phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu nhận xét, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có phần trả lời thẳng thắn, đưa ra những đánh giá, nỗ lực của Chính phủ của Bộ trong việc tăng cường nguồn cung góp phần bình ổn giá xăng dầu cũng như các nội dung về xuất khẩu hàng hóa.
Liên quan đến vấn đề xăng dầu, đại biểu Vũ Tiến Lộc bày tỏ lạc quan khi Bộ trưởng Bộ Công Thương đã khẳng định về việc không thiếu nguồn cung xăng dầu cùng với đó Chính phủ đã có những biện pháp thích hợp trong chỉ đạo điều hành thời gian tới. Đó là sử dụng Quỹ bình ổn giá để kiềm chế độ tăng của giá xăng dầu. Đồng thời tăng hạn ngạch cho các đầu mối để tăng cường nhập khẩu xăng dầu để đảm bảo được nguồn cung trong nước.
Đại biểu Phan Văn Hoà (Đồng Tháp) – người chất vấn và trực tiếp tranh luận với Bộ trưởng phát biểu: “Tôi đánh giá cao phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, nội dung rất sát, rất đúng và trúng phù hợp với thực tiễn người dân rất mong muốn. Tuy nhiên, kỳ vọng của người dân, cử tri mong muốn Bộ Công Thương quyết liệt hơn nữa… Trên thực tế Bộ Công Thương là Bộ đa ngành với nhiều vấn đề lớn được đại biểu quan tâm và tranh luận nhiều. Mặc dù vậy Bộ trưởng Diên không né tránh và sẵn sàng vào cuộc, đưa ra các giải pháp với tinh thần trách nhiệm cao, sâu sát nhiệm vụ”.
Còn đại biểu Hồ Thị Minh- đoàn Quảng Trị cho rằng mặc dù lần đầu tiên Bộ trưởng đăng đàn, nhưng nội dung của Bộ trưởng rất sát, không né tránh đối với mặt hàng xăng dầu đang “nóng” từng ngày. “Chúng ta có thể nhìn nhận vấn đề xăng dầu không chỉ nóng tại thị trường trong nước mà toàn thế giới cuộc xung đột giữa Nga-Ucraina nổ ra, giá xăng dầu biến động mạnh với các mức tăng kỷ lục. Tại thời điểm này Bộ Công Thương đã làm tốt công tác điều hành mặt hàng này”- đại biểu Minh nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - đoàn Hải Dương đánh giá cao phần trả lời của Bộ trưởng khi trước những vấn đề rất nóng của hiện tại, ảnh hưởng sâu sắc và toàn diện đến cuộc sống của nhân dân và sự phát triển kinh tế xã hội cũng là những vấn đề rất khó đòi hỏi phải thực sự “cân não” để đưa ra các giải pháp.
“Bộ trưởng đã chủ động nắm chắc tình hình, giải đáp những thắc mắc, chất vấn và nêu ra được những giải pháp căn bản”- đại biểu Nga nói.
“Cử tri và đại biểu Quốc hội ghi nhận sự quyết liệt của Bộ trưởng khi cam kết điều hành tốt giá xăng dầu, khi lên kế hoạch tổ chức lại cho hiệu quả Quỹ bình ổn xăng dầu và nếu hiện sai phạm thì sẽ xử lý nghiêm”- vẫn ý kiến đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga.
Còn ở góc độ chuyên gia, có thể dẫn ra ở đây hai ý kiến đáng chú ý.
TS Đinh Thế Hiển – Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và Kinh tế ứng dụng phân tích, về vấn đề dự trữ xăng dầu, rõ ràng Bộ Công Thương không thể chủ động 100% do phải kết hợp việc bảo đảm tiêu thụ sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn theo cam kết quốc gia.
“Do đó, nếu việc dự trữ bảo đảm, trong bối cảnh không có biến động thì việc tiêu thụ sẽ bị dư ra. Đây là bài toán có nhiều biến số kết quả chỉ có tính tương đối mà không thể chính xác 100% được. Hơn nữa thị trường biến động mới là nền kinh tế”- TS Hiển lưu ý.
Còn PGS, TS Nguyễn Thường Lạng- Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng cách điều hành (thị trường xăng dầu trong nước) theo trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên là khá phù hợp với điều kiện thay đổi quá đột ngột với thị trường xăng dầu thế giới.
“Việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, giảm thuế bảo vệ môi trường, kêu gọi tiết kiệm là hoàn toàn phù hợp để vừa giảm đà tăng giá ngoài mong đợi đẩy chi phí vận tải tăng, tăng lạm phát nhập khẩu mang tính cục bộ”- chuyên gia Lạng nhìn nhận.
Vị chuyên gia này cũng thêm là trong điều kiện tác động tâm lý lớn, việc tăng cường quản lý thị trường, chống đầu cơ cũng là giải pháp đầy cân nhắc. Ông Lạng nói thêm “cần tăng dự trữ và dự báo chính xác hơn biến động của thị trường” và “chuyển đổi quyết liệt và nhanh, hiệu quả cơ cấu năng lượng để giảm cầu dầu mỏ nên được nhấn mạnh nhiều hơn”.
Trước khi bước vào trả lời chất vấn cũng như trả lời nội dung tranh luận của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã báo cáo các giải pháp về vấn đề xăng dầu.
“Bộ Công Thương đã nhanh chóng vào cuộc để xử lý hoặc tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý những vấn đề này. Để bảo đảm đáp ứng đầy đủ, liên tục nhu cầu tiêu dùng xăng dầu trong nước, ngay từ đầu tháng 1/2022, Bộ đã chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để bổ sung nguồn cung do thiếu hụt sản lượng của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Chỉ đạo tăng cường chia sẻ nguồn cung giữa các doanh nghiệp đầu mối và đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát việc cung ứng, kinh doanh xăng dầu trên địa bàn cả nước để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm với các chế tài xử phạt cao nhất. Đồng thời, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định của Nhà nước và bám sát diễn biến của thị trường thế giới.
“Nhờ những giải pháp đồng bộ và quyết liệt đó, tình hình cung cấp xăng dầu được duy trì ổn định; nguồn cung xăng dầu 3 tháng đầu năm được bảo đảm và có phương án cụ thể, khả thi về nguồn cung đến hết Quý II/2022 trong điều kiện năng lực sản xuất xăng dầu trong nước vẫn chưa đạt sản lượng cam kết”.
Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói thêm: “Chúng tôi tin rằng vẫn còn những tồn tại, hạn chế mà ngành Công Thương cần tập trung khắc phục để thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình, đáp ứng sự tin tưởng, mong đợi của cử tri và nhân dân cả nước. Với tinh thần trách nhiệm cao, thẳng thắn và cầu thị, Bộ Công Thương rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và sự chia sẻ, ủng hộ, cổ vũ, động viên của cử tri và nhân dân cả nước”.
Những trích dẫn được xuất hiện ở các phần trên cho thấy rõ, trong biên độ quản lý nhà nước của mình, Bộ Công Thương không hề “thoái” hay “phủi” trách nhiệm mà ngược lại đã vào cuộc không chỉ với tâm thế người trong cuộc mà đã lĩnh hội rõ trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, hành động với tâm thế của người “đứng mũi chịu sào” trước sự ổn định đời sống kinh tế và xã hội của đất nước. Từ đó chủ động hoạch định các giải pháp điều hành thị trường, trong đó có thị trường xăng dầu để bảo đảm hai yêu cầu cao nhất là phải có đủ lượng xăng dầu phục vụ cho sản xuất và đời sống và giá cả vận hành theo thị trường nhưng có kiểm soát.
Nói thế để thay lời nhấn mạnh rằng "ẩn số" Nghi Sơn chỉ là một trong nhiều "ẩn số" của "phương trình" thị trường xăng dầu trong nước mà Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành khác đang nỗ lực tìm lời giải.
Lại phải chú ý, ở một thị trường đặc thù như thị trường xăng dầu, không phải muốn nhập khẩu xăng dầu lúc nào cũng được bởi cũng như Việt Nam, nhiều quốc gia khác, ngay cả các nền kinh tế phát triển cũng khó “nói hay” được về nguồn nhập khẩu mà thực sự đã diễn ra các cuộc cọ sát, cạnh tranh để các nguồn nhập khẩu “cập bến” nội địa sớm nhất có thể.
Cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, điều hành thị trường xăng dầu đòi hỏi sự phối hợp nỗ lực của nhiều bộ, ngành cũng như trên thị trường xăng dầu có nhiều chủ thể tham gia. Việc có các giải pháp đã và sẽ phải làm tới đây cần đến sự cân nhắc, tính toán cho tính hiệu quả của các giải pháp. Bởi vậy, chuyện vội vàng cho rằng “không thể chỉ nói suông” như ý kiến một số chuyên gia quả là rất xa lạ với thực tế quá trình điều hành thị trường mà lại là thị trường đặc thù như thị trường xăng dầu.
Một kịch bản điều hành thị trường hoàn hảo quả là điều ai cũng mong muốn nhưng điều đáng mong muốn hơn, cần thiết hơn là chúng ta hãy vào cuộc bằng tâm thế của người trong cuộc, cùng Chính phủ, cùng các bộ có những giải pháp điều hành hiệu quả, kịp thời. Điều này là không đơn giản nhưng là cách ứng xử cần thiết, thay vì đứng ngoài cuộc để “phán” mà xem ra là dễ hơn rất nhiều!
Nhưng cái dễ đó xét cho cùng lại hoàn toàn không cần thiết, ít nhất là trong những lúc thị trường “nóng” như thế này!
Theo Báo Công Thương