Bộ Tài chính Nga: Trả nợ được hay không không phụ thuộc vào chúng tôi
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Anton Siluanov, việc thanh toán lãi suất cho hai trái phiếu bằng đồng USD của Nga tùy thuộc vào quyết định của Mỹ.
Nga cho biết có đủ tiền trong các tài khoản ngoại tệ, vấn đề Mỹ có chấp nhận hay không (Ảnh: TASS). |
"Khả năng hay không có khả năng thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của chúng tôi bằng ngoại tệ không phụ thuộc vào chúng tôi, chúng tôi có tiền, chúng tôi đã thanh toán và giờ trên hết, quả bóng đang ở phía các nhà chức trách Mỹ", ông Siluanov nói trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Nga RIA.
Theo ông, "Liên bang Nga có đủ tiền trong các tài khoản ngoại tệ" và "có khả năng trả bằng đồng rúp".
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga cũng tuyên bố nước này có đủ tiền để thực hiện các nghĩa vụ nợ của mình và trả 117 triệu USD tiền lãi cho hai trái phiếu đồng euro có chủ quyền đến hạn ngày 16/3. Tuy nhiên, ông cho rằng trước tiên Mỹ nên làm rõ liệu các khoản thanh toán có khả thi từ các tài khoản ngoại tệ của Nga hay không.
Mỹ và các đồng minh quốc tế đã áp một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế chưa từng có đối với Nga sau cuộc chiến tại Ukraine. Các hình phạt đã tìm cách loại bỏ Moscow ra khỏi hệ thống tài chính toàn cầu.
Một trong những biện pháp quan trọng của lệnh trừng phạt là đóng băng kho dự trữ ngoại hối trị giá gần 630 tỷ USD của ngân hàng trung ương Nga.
Các nhà kinh tế không rõ liệu Bộ Tài chính Nga sẽ tiếp cận với khoản thanh toán đó như thế nào trước các lệnh trừng phạt nhằm vào ngân hàng trung ương Nga, khiến phần lớn khoản dự trữ ngoại hối của nước này không thể tiếp cận được. Điều này khiến nhiều cơ quan xếp hạng tín dụng lớn trên toàn cầu hạ bậc tín nhiệm của Nga.
Một số chuyên gia cho rằng Nga có thể chuyển khoản thanh toán này bằng đồng rúp nếu việc thanh toán bằng đồng USD bị từ chối.
Tuy nhiên, Fitch cho rằng việc thanh toán cho các trái chủ bằng đơn vị tiền tệ không phải là đồng USD sẽ coi như là một khoản vỡ nợ.
Một trái chủ giấu tên nói với Reuters vẫn chưa có xác nhận về khoản thanh toán của Nga và vẫn chưa rõ liệu nó có đến hay không.
Trước đó, ngày 13/3, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho biết các lệnh trừng phạt Nga của phương Tây sẽ kích hoạt một cuộc suy thoái sâu vào năm nay. Theo bà, IMF không còn coi việc vỡ nợ của chính phủ Nga là một "sự kiện không thể xảy ra".
Cảnh báo của bà Georgieva đưa ra sau khi Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng Nga và đồng minh Belarus đang "rất gần" với việc vỡ nợ.
Mặc dù có nguy cơ cao vỡ nợ song bà Georgieva cho rằng lúc này khó xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính rộng hơn trong trường hợp Nga vỡ nợ. Bởi theo bà, khoản nợ 120 tỷ USD của Nga đối với các ngân hàng toàn cầu "không liên quan một cách có hệ thống".
Tuần trước hãng xếp hạng tín dụng Fitch đã hạ bậc xếp hạng nợ chính phủ của Nga xuống mức C, cho thấy "một vụ vỡ nợ có chủ quyền sắp xảy ra".
S&P Global Ratings cũng đã hạ xếp hạng tín nhiệm ngoại tệ và nội tệ của Nga xuống "CCC-" trên cơ sở các biện pháp mà Moscow thực hiện để giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt chưa từng có của Mỹ và đồng minh "về cơ bản sẽ làm tăng nguy cơ vỡ nợ".
Đầu tháng này, Moody's cũng hạ xếp hạng tín nhiệm của Nga xuống mức thấp thứ 2, với lý do các biện pháp kiểm soát vốn của ngân hàng trung ương có thể cản trở các khoản thanh toán bằng ngoại tệ, dẫn đến vỡ nợ.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga cũng để ngỏ khả năng Nga sẽ sử dụng đồng nhân dân tệ dự trữ của mình để thanh toán lãi suất trái phiếu phát hành bằng ngoại tệ.
Theo ông Siluanov, nếu yêu cầu thanh toán này bị các ngân hàng phương Tây từ chối, Moscow sẽ coi như đã hoàn thành nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của mình.
Mặc dù bất kỳ khoản vỡ nợ nào đối với các khoản thanh toán sắp tới của Nga cũng sẽ được coi là biểu tượng, bởi Nga chưa từng vỡ nợ kể từ năm 1998, song các nhà kinh tế tại Deutsche Bank lưu ý rằng các khoản nợ chưa được thanh toán sẽ có thời gian ân hạn 30 ngày trước khi chính thức bị tuyên bố vỡ nợ .
"30 ngày vẫn còn thời gian để có một cuộc đàm phán kết thúc chiến tranh và do đó đây có lẽ chưa phải là thời điểm xuất hiện những căng thẳng trong hệ thống tài chính", Jim Reid, Giám đốc toàn cầu về chiến lược tín dụng tại Deutsche Bank cho biết.
Theo Dân trí