Cuộc chiến ở Ukraine khiến Israel và Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần nhau
(PetroTimes) - Tổng thống Israel Isaac Herzog đang ở thăm Thổ Nhĩ Kỳ. Chương trình nghị sự của ông với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tập trung vào hợp tác năng lượng. Ankara dự định kết nối cơ sở hạ tầng khí đốt của mình với nước láng giềng Địa Trung Hải. Điều này có ý nghĩa mới trong bối cảnh các sự kiện ở Ukraine. Brussels đã yêu cầu Israel thay thế hydrocacbon của Nga ở châu Âu.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Israel tới Thổ Nhĩ Kỳ sau gần 15 năm. Tổng thống Israel cuối cùng đến thăm nước cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ là Shimon Peres, người đã nhận lời mời từ Quốc vương Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul vào năm 2007.
Ở cấp độ không chính thức, Israel chỉ ra rằng ngày nay có nhiều lý do để khôi phục quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. Chẳng hạn, việc chính quyền Tổng thống Mỹ Biden muốn bằng mọi giá khởi động lại thỏa thuận hạt nhân với Iran đang khiến người Israel lo lắng về sự cân bằng an ninh khu vực. Trong trường hợp này, quan hệ đối tác với Ankara được coi là công cụ để kiềm chế lợi ích của Tehran.
Một số nhà phân tích tin rằng hai cường quốc Địa Trung Hải đã tìm thấy những điểm hội tụ trong bối cảnh cuộc chiến kéo dài 44 ngày ở Nagorno-Karabakh vào năm 2020, nơi điểm chung giữa họ là sự gần gũi với Azerbaijan trong lĩnh vực quân sự và kỹ thuật. Sau đó, sự sụp đổ bất ngờ của chính phủ Kabul vào năm 2021 là một chất xúc tác đáng kể. "Việc Mỹ rút các lực lượng khỏi Afghanistan cho thấy các tác nhân trong khu vực mong muốn Hoa Kỳ giảm bớt sự hiện diện của mình trong khu vực cũng như thực tế rằng họ cần phải làm việc cùng nhau để duy trì trật tự khu vực", chuyên gia Gallia Lindenstrauss thuộc Viện nghiên cứu an ninh quốc gia Tel Aviv viết.
Israel và Thổ Nhĩ Kỳ đã không đình chỉ thương mại song phương trong suốt những năm qua. Thương mại đạt kỷ lục 5,75 tỷ đô la vào năm 2020. Trong bối cảnh đó, Ankara là một trong mười đối tác thương mại lớn nhất của nhà nước Do Thái. Theo Viện Brookings, việc Israel phát hiện ra các mỏ khí đốt mới được coi là bước ngoặt trong bối cảnh có thể có một sự hòa giải, bởi vì việc vận chuyển hydrocacbon ở Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó là ở Nam Âu là hoàn toàn có thể. Trong những năm gần đây, các kế hoạch xây dựng đường ống dẫn khí như vậy thường xuyên bị hoãn lại, nhưng áp lực do xung đột ở Ukraine lên thị trường năng lượng có thể sẽ khiến ý tưởng này trở lại.
Tuần này, các nguồn tin của Times of Israel tại Bộ Năng lượng Israel đưa tin rằng các quan chức ở Brussels đã hỏi Tel Aviv liệu họ có thể gửi khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đến châu Âu hay không. Tờ nhật báo lưu ý rằng hiện tại Bộ Năng lượng Israel đang nghiên cứu yêu cầu này, nhưng theo họ, khả năng Israel hỗ trợ EU theo bất kỳ cách nào sẽ phụ thuộc vào việc bắt đầu khai thác mỏ khí Karish mới, sẽ diễn ra vào mùa thu này.
Oded Eran, cựu đại sứ của Israel tại EU và là cựu cố vấn của tiểu ban đối ngoại Knesset (quốc hội Israel), lưu ý rằng tuyến đường vận chuyển khí đốt của Thổ Nhĩ Kỳ cho Israel từ lâu đã được coi là giải pháp tốt nhất có thể. Tuy nhiên, có một số trở ngại, chẳng hạn như khó khăn chính trị với Síp và Syria. Việc tạo ra một đường ống dẫn khí đốt gần Síp sẽ gây ra vấn đề. Việc xây dựng đường ống này gần bờ biển Syria cũng sẽ gây ra vấn đề.
Cũng cần lưu ý rằng, theo ông Oded Eran, khí đốt của Israel chắc chắn sẽ không thể thay thế khí đốt của Nga trên thị trường châu Âu.
Hé lộ thỏa thuận hòa bình 15 điểm tháo ngòi xung đột Nga - Ukraine |
Nga nêu điều kiện đàm phán, chung sống hòa bình với Ukraine |
Ấn Độ sắp chốt mua dầu và hàng hóa giá rẻ của Nga |
Nh.Thạch