Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh:
Ngành Du lịch cần tận dụng mọi cơ hội để phục hồi và phát triển trong bối cảnh mới
(PetroTimes) - Trước bối cảnh dịch bệnh ở Việt Nam đang trong tầm kiểm soát, đây là điều kiện tiên quyết mở ra cơ hội lớn cho ngành Du lịch mau chóng tái khởi động, phục hồi và phát triển trong giai đoạn bình thường mới.
Đó là chia sẻ của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh tại diễn đàn: “Luồng xanh” cho du lịch cất cánh: Mở cửa du lịch linh hoạt - an toàn - hiệu quả” do VCCI, Tổng Cục du lịch, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 11/3.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại diễn đàn |
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, sau thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, dữ liệu phân tích từ công cụ Google Destination Insights (Theo dõi xu hướng du lịch) cho thấy, lượng tìm kiếm bắt đầu tăng từ đầu tháng 12/2021, tăng vọt trong thời gian từ cuối tháng 12/2021 đến đầu tháng 1/2022 (lượt tìm kiếm thời điểm ngày 1/1/2022 tăng 222% so tháng trước và tăng 248% so cùng kỳ 2021). Đặc biệt, từ đầu tháng 1/2022 đến nay, lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không Việt Nam luôn duy trì ở mức rất cao, thậm chí thời điểm ngày 21/1 tăng 425%, thời điểm ngày 3/2 tăng 374% so cùng kỳ 2021.
Có thể thấy, trong bối cảnh dịch bệnh như vậy, lượng khách du lịch nội địa vẫn tăng cao, khẳng định cho việc triển khai đúng hướng các hoạt động du lịch an toàn thời gian qua và sự sẵn sàng cho việc mở lại hoạt động du lịch giai đoạn hiện nay. Lượng khách quốc tế tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam từ đầu năm 2022 đang tăng mạnh. Đây là tín hiệu đầy khả quan về chặng đường phục hồi nhanh chóng và mạnh mẽ của ngành du lịch Việt trong năm mới, tạo đà thuận lợi cho kế hoạch và lộ trình mở cửa du lịch quốc tế trong thời gian sắp tới.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, trước bối cảnh dịch bệnh ở Việt Nam đang trong tầm kiểm soát, đây sẽ là điều kiện tiên quyết mở ra cơ hội lớn cho ngành Du lịch mau chóng tái khởi động, phục hồi và phát triển trong giai đoạn bình thường mới.
Toàn cảnh diễn đàn |
Để tạo “luồng xanh’’ cho Du lịch Việt Nam, theo Tổng cục trưởng, ngành Du lịch cần tập trung vào một số vấn đề: Đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh. Để mở lại hoạt động du lịch hiệu quả, an toàn trong thời gian tới, việc đảm bảo tuân thủ thống nhất các quy định phòng chống dịch phải được các địa phương, doanh nghiệp du lịch quán triệt triển khai và được xem là nội dung ưu tiên hàng đầu trong hoạt động du lịch.
Tăng cường khai thác các đường bay thương mại quốc tế. Việt Nam đã dỡ bỏ hạn chế về tần suất khai thác với các chuyến bay quốc tế từ 15/2/2022. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao để các hãng hàng không phối hợp với các doanh nghiệp du lịch tăng cường khai thác các đường bay quốc tế kết nối các thị trường trọng điểm với các điểm đến du lịch tại Việt Nam, đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 đối với khách nhập cảnh.
Tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Việt Nam cần khôi phục các chính sách đơn giản hóa thủ tục nhập xuất cảnh để thu hút khách quốc tế đến, bao gồm chính sách đơn phương, song phương miễn thị thực và cấp thị thực điện tử như thời điểm trước dịch.
Công nhận hộ chiếu vắc-xin. Hiện nay, chưa có nhiều quốc gia công nhận Giấy chứng nhận tiêm chủng của Việt Nam cho nên hoạt động đưa người Việt Nam du lịch nước ngoài sẽ gặp khó khăn. Ngành Du lịch sẽ tiếp tục đề nghị ngành Ngoại giao phối hợp với ngành Y tế tăng cường đàm phán với các nước, vùng lãnh thổ về việc chấp nhận Chứng nhận tiêm chủng Covid-19 của Việt Nam.
Cần nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cấp cơ sở vật chất du lịch là một trong những vấn đề then chốt để tăng khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Sau hai năm bị tàn phá bởi làn sóng Covid-19, phần lớn doanh nghiệp hoạt động cầm chừng hoặc đã đóng cửa, nguồn nhân lực du lịch suy giảm, nhân sự rời bỏ thị trường du lịch. Doanh nghiệp du lịch cần quan tâm đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, bảo trì bảo dưỡng trang thiết bị, cơ sở vật chất, tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ nhân sự để đảm bảo chất lượng phục vụ khách du lịch, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để mở cửa lại hoạt động du lịch.
Hỗ trợ các điểm đến nâng cao năng lực cạnh tranh, bằng nhiều chính sách hỗ trợ ngành Du lịch, các nước trong khu vực và trên thế giới cũng đã có những chuẩn bị sẵn sàng thu hút khách du lịch quốc tế quay trở lại ngay khi điều kiện cho phép. Làm sao để cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao sức hấp dẫn điểm đến sau hai năm bị tác động bởi đại dịch Covid-19 phải được xem là một trong những vấn đề quan trọng nhất để thu hút khách du lịch quốc tế quay trở lại Việt Nam.
Đẩy mạnh xúc tiến quảng bá và thu hút thị trường khách. Ngành Du lịch sẽ tập trung tổ chức các chiến dịch, xúc tiến, quảng bá, kích cầu du lịch trong và ngoài nước, đẩy mạnh truyền thông “Live fully in Vietnam - Sống trọn vẹn tại Việt Nam’’ đối với các thị trường quốc tế và “Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn” đối với thị trường du lịch nội địa. Tăng cường ứng dụng công nghệ trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch. Các địa phương xem xét ban hành các chính sách kích cầu thu hút khách du lịch quốc tế và nội địa.
Cần phải hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, sau hai năm chịu tác động nặng nề do đại dịch Covid-19, doanh nghiệp cần có thời gian để phục hồi. Vì vậy, các chính sách hỗ trợ đang có cần tiếp tục kéo dài ít nhất đến hết năm 2023 như chính sách giảm giá điện, giảm thuế VAT, giảm tiền thuê đất, giảm phí cấp phép lữ hành, cấp thẻ hướng dẫn viên.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh: Du lịch Việt Nam hơn lúc nào hết cần được các Bộ ngành ủng hộ, các địa phương phối hợp cùng doanh nghiệp du lịch nhanh chóng chớp lấy thời cơ, tận dụng mọi cơ hội để phục hồi trong bối cảnh mới, thích ứng an toàn, trở thành điểm đến uy tín và có vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế. Bên cạnh du lịch nội địa, một lộ trình tái khởi động du lịch quốc tế (gồm cả hoạt động du lịch đón khách quốc tế đến Việt Nam và đưa người Việt Nam đi du lịch nước ngoài) sẽ góp phần sớm phục hồi cho ngành du lịch Việt Nam là vô cùng cần thiết.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Hồng Minh cho biết, Hà Nội đã hỗ trợ cho hơn 4.000 doanh nghiệp du lịch với kinh phí gần 15 tỷ đồng. Với các cơ sở lưu trú trên địa bàn, Hà Nội đã thực hiện miễn giảm tiền điện cho hơn 4.000 cơ sở lưu trú với kinh phí hơn 100 tỷ đồng. Ngoài ra cũng áp dụng các chính sách giảm tiền ký quỹ 80% với doanh nghiệp thành lập mới và giảm 50% lệ phí thẩm định, cấp giấy phép kinh doanh lữ hành. |
N.H
Ngành dịch vụ - du lịch khởi sắc |
Tăng cường kiểm tra công tác đảm bảo an toàn cho khách du lịch |
Thời điểm để hàng không cất cánh chính là bây giờ |
Mở cửa lại hoạt động du lịch từ ngày 15/3/2022 |