Giá dầu mỏ hỗn loạn khi thị trường cân nhắc khả năng lấp đầy khoảng trống nguồn cung của Nga
(PetroTimes) - Reuters ngày 10/3 đưa tin, giá dầu tăng trong bối cảnh thương mại biến động sau khi giảm mạnh trong phiên trước, khi thị trường cân nhắc về việc liệu các nhà sản xuất dầu mỏ lớn, trong đó có OPEC, có tăng nguồn cung để bù đắp cho sản lượng từ Nga chịu lệnh cấm vận hay không.
Nhà máy lọc dầu PCK Raffinerie tại Schwedt, Oder, Đức. Ảnh:Reuters. |
Dầu thô Brent giao sau tăng 2,53 USD, tương đương 2,28%, ở mức 113,67 USD/thùng lúc 06:51 GMT sau khi giao dịch trong biên độ 5 USD. Hợp đồng dầu tiêu chuẩn đã giảm 13% trong phiên trước đó - phiên giảm mạnh nhất trong một ngày trong gần 2 năm.
Giá dầu thô kỳ hạn WTI của Mỹ tăng 1,64 USD, tương đương 1,51%, ở mức 110,34 USD/thùng, sau khi giao dịch trong biên độ 4 USD. Hợp đồng dầu WTI tiêu chuẩn đã giảm 12,5% trong phiên trước đó - mức giảm hàng ngày lớn nhất kể từ tháng 11/2021.
Stephen Innes, đối tác quản lý tại SPI Asset Management, cho biết thị trường dầu “đang ở trong một tình huống chưa từng có tiền lệ”. Sự không chắc chắn về việc nguồn cung sẽ đến từ đâu và khi nào để thay thế cho sản lượng dầu thô từ nước xuất khẩu lớn thứ hai thế giới là Nga trong một thị trường eo hẹp đã dẫn đến những dự báo biên độ rộng về giá dầu từ 100 - 200 USD/thùng.
Cuối ngày 9/3, Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) Suhail al-Mazrouei cho biết trên Twitter rằng, UAE cam kết với thỏa thuận hiện có của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+), về tăng nguồn cung dầu thêm 400.000 thùng/ngày trong tháng 4/2022.
Chỉ vài giờ trước đó, giá dầu đã lao dốc sau bình luận của Đại sứ UAE tại Washington cho rằng UAE sẽ khuyến khích OPEC xem xét tăng sản lượng cao hơn để lấp đầy khoảng trống nguồn cung do các lệnh cấm vận dầu khí đối với Nga.
Trụ sở OPEC tại Vienna. Ảnh: EnergyIntel.com |
Trong khi UAE và Ả Rập Xê-út có công suất khai thác dự phòng, một số nhà sản xuất OPEC+ khác đang phải vật lộn để đạt được mục tiêu sản lượng do không đầu tư đầy đủ vào cơ sở hạ tầng trong vài năm qua, làm hạn chế khả năng nâng cao sản lượng của họ.
Nhà phân tích hàng hóa Commonwealth Bank Vivek Dhar cho rằng sẽ là một thách thức đối với OPEC+ để thúc đẩy sản xuất trong bối cảnh như hiện nay.
Thị trường cũng tính đến các động thái của Mỹ nhằm giảm bớt các biện pháp trừng phạt đối với dầu của Venezuela và nỗ lực ký kết thỏa thuận hạt nhân với Tehran, có thể dẫn đến nguồn cung dầu nhiều hơn từ Iran vào cuối năm nay.
Trong khi đó, dầu thô, các dự trữ nhiên liệu của Mỹ, đã giảm trong tuần trước, làm tăng thêm lo ngại về nguồn cung toàn cầu vốn đã eo hẹp. Dầu thô tồn kho giảm 1,9 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 4/3, xuống còn 411,6 triệu thùng. Dự trữ dầu thô của Mỹ trong các kho dự trữ dầu chiến lược (SPR) giảm xuống còn 577,5 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2002./.
Thanh Bình