Chuyên gia phân tích thế mạnh của Nga trước đòn trừng phạt của Mỹ và phương Tây
(PetroTimes) - Theo nhận định của giới phân tích, với thị phần trên 45% khí đốt, 27% dầu thô và 46% than đá, ngay cả việc thay thế nhập khẩu LB Nga đến năm 2030 gần như không khả thi, và tiêu tốn chi phí khổng lồ, đặc biệt khi giá năng lượng, kim loại (nickel, đồng, nhôm) phục vụ sản xuất NLTT đã tăng gấp nhiều lần.
Ủy ban châu Âu (EC) ngày 08/03 đã trình đề bày chương trình đảm bảo an ninh năng lượng khối, trọng tâm liên quan đến khả năng loại trừ toàn bộ nhập khẩu LB Nga vào năm 2030, và giảm trên 60% nhập khẩu ngay trong năm 2022. Những biện pháp cụ thể bao gồm:
- Đa dạng hóa nguồn cung cấp khí đốt đường ống, LNG ngoài LB Nga;
- Tăng các nguồn NLTT;
- Tăng cường sử dụng các nguồn khí khác, bao gồm biometan;
- Giảm tiêu thụ khí đốt phục vụ mục đích sưởi ấm và phát điện;
- Tăng hiệu quả sử dụng năng lượng.
Theo nhận định của giới phân tích, với thị phần trên 45% khí đốt, 27% dầu thô và 46% than đá, ngay cả việc thay thế nhập khẩu LB Nga đến năm 2030 gần như không khả thi, và tiêu tốn chi phí khổng lồ, đặc biệt khi giá năng lượng, kim loại (nickel, đồng, nhôm) phục vụ sản xuất NLTT đã tăng gấp nhiều lần.
Liên quan đến khí đốt, EU năm 2021 nhập khẩu 155 tỷ m3 khí đường ống, trong đó Gazprom (40% nhập khẩu), tiếp đến là Na Uy – 20% (hiện đang cung cấp tối đa khả năng có thể), Algeria – 12%, LNG Mỹ và Qatar chỉ chiếm 6% và 4% tương ứng, Azerbaijan – 3%. Nếu muốn cắt giảm 60% khí đốt LB Nga (chưa kể LNG), EU cần tìm kiếm nguồn cung thay thế 100 tỷ m3 đến cuối năm 2022. Ngay cả khi tìm được nguồn LNG thay thế, EU sẽ vấp phải hạn chế cơ sở hạ tầng (terminal nhập khẩu, đường ống phân phối) và cạnh tranh giá với châu Á. Công suất hóa lỏng khí Mỹ hiện khoảng 100 tỷ m3/năm, nhưng khối lượng xuất khẩu LNG sang châu Âu còn phụ thuộc vào tiêu thụ nội địa, cũng như mức giá phụ trội so với châu Á. Khối lượng cung cấp 5-6 tỷ m3/tháng LNG Mỹ trong giai đoạn những tháng đầu năm 2022 được cho là đã đạt đỉnh.
Tổng thống LB Nga V. Putin đã ký sắc lệnh hạn chế XNK hàng hóa, nguyên liệu thô đối với một số quốc gia/vùng lãnh thổ (không thân thiện) đến hết năm 2022, danh sách cụ thể do Chính phủ Nga xác định đến ngày 10/03. Đây là biện pháp đáp trả lệnh cấm nhập khẩu năng lượng từ phía Mỹ, EU và Anh.
Nếu như đến nay, dầu thô là mặt hàng chủ đạo đem lại doanh thu ngoại tệ LB Nga - năm 2021 đem về 110 tỷ USD, thì trong điều kiện giá khí đốt châu Âu tăng chóng mặt hiện nay (1.900 – 2.500 USD/1000m3) – doanh thu xuất khẩu khí đốt hứa hẹn sẽ tăng mạnh. Giá khí xuất khẩu Gazprom trung bình năm 2021 chỉ đạt 273 USD/1000m3 (tăng 2,2 lần so với năm 2020) đã đem về nguồn thu ngoại tệ 55,5 tỷ USD. Nếu giữ nguyên khối lượng khoảng 200 tỷ m3 và cơ cấu hình thành giá bán (80% neo theo spot và forward, 20% neo theo giá dầu), thì doanh thu xuất khẩu khí đốt có thể tăng gấp 4-5 lần lên 220-275 tỷ USD trong năm 2022, chính thức vượt dầu thô ước tính có thể đạt 210 tỷ USD (125 USD/thùng). Như vậy, khí đốt không chỉ đơn thuần là vũ khí chính trị kiềm chế EU, mà sẽ trở thành hạng mục đem lại doanh thu xuất khẩu số 1 cho LB Nga. Dự trữ hệ thống kho chứa ngầm UGS EU hiện đã giảm xuống mức thấp kỷ lục – 27%.
Giá năng lượng tăng cao sẽ kéo theo lạm phát và dẫn đến khủng hoảng lương thực, nhà sản xuất phân bón hàng đầu Yara giảm hoạt động các nhà máy châu Âu xuống 45% do giá khí đốt cao. LB Nga trong khi đó đã ra lệnh ngừng xuất khẩu phân bón các loại.
Viễn Đông