Chuyên gia: "Test nhanh Covid-19 đang bị lạm dụng cho cả F0 và F1"
Theo chuyên gia, việc test nhanh Covid-19 tràn lan không có giá trị tiên lượng bệnh, đang bị lạm dụng vì 4 mục đích.
Những ngày qua, số ca nhiễm Covid-19 trong nước liên tục tăng cao. Gần nhất trong ngày 1/3, Bộ Y tế công bố Việt Nam ghi nhận gần 99.000 F0 mới ở tất cả 63 tỉnh, thành phố. Trước diễn biến này, một bộ phận người dân có tâm lý lo lắng, trữ kit test nhanh Covid-19 để tự xét nghiệm tại nhà.
Nhiều ý kiến cho rằng việc này gây lãng phí và không hiệu quả, bởi không phải ai cũng biết cách thực hiện chính xác.
4 mục đích khiến việc test nhanh bị lạm dụng
Trao đổi về vấn đề trên, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TPHCM nhận định, đang có tình trạng mọi người lạm dụng test nhanh. Chuyên gia cho rằng, việc lạm dụng này xuất phát bởi 4 mục đích khác nhau.
Thứ nhất, với F0, sử dụng test nhanh để biết diễn tiến bệnh như thế nào, hoặc còn lây nhiễm cho người khác hay không sau khi đã khỏi bệnh. Tuy nhiên, PGS Dũng khẳng định, thực tế việc này không có giá trị xác định tiên lượng bệnh. Bởi khi đã nhiễm rồi, người hết dương tính nhưng vẫn có nguy cơ diễn tiến nặng và tử vong. Ngược lại, nhiều người sau khi khỏi bệnh rồi vẫn còn test ra kết quả "2 vạch".
PGS Dũng dẫn chứng, trước hiện tượng dương tính kéo dài, người nhiễm Covid-19 đã hồi phục trong 90 ngày nhập cảnh vào Mỹ không cần phải test mà chỉ cần giấy chứng nhận khỏi bệnh. Ở Singapore, người tiêm đủ vaccine nhiễm Covid-19 sau 7 ngày được xem như khỏi bệnh, được tự động kết thúc cách ly mà không cần phải xét nghiệm lại. Nếu là người chưa tiêm đủ thì thời gian kéo dài đến 14 ngày sau nhiễm bệnh.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng, việc test nhanh Covid-19 đang bị lạm dụng cho cả F0 và F1 (Ảnh: HL). |
Thứ hai, người dân test nhanh liên tục để biết mình có mắc bệnh hay chưa. Theo chuyên gia, việc làm này vẫn có giá trị nhất định, nhưng chỉ cần làm một đến hai xét nghiệm mà không nên làm quá nhiều lần. Đồng thời, khi đã có triệu chứng bệnh thì xét nghiệm nhanh mới có ý nghĩa.
Thứ 3, lạm dụng test nhanh với đối tượng F1, để biết đã từ F1 trở thành F0 hay chưa. Thông thường khi phơi nhiễm/tiếp xúc gần với F0, việc xét nghiệm sẽ được thực thiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 5, tuy nhiên đôi khi lại phát hiện nhiễm sau thời gian đó.
Theo thông lệ quốc tế, thời điểm nên xét nghiệm F1 là ngày thứ 5. Nhưng nếu F1 là nhân viên y tế sẽ có nguy cơ lây nhiễm cho bệnh nhân khác, nếu không xét nghiệm kịp thời, có thể xét nghiệm hai lần vào ngày 2 và 5 sau khi tiếp xúc. Còn theo quy định của Bộ Y tế, F1 chỉ cần xét nghiệm một lần vào ngày thứ 5 sau cách ly và F0 chỉ xét nghiệm vào ngày thứ 7.
Thứ tư, PGS Dũng nhận định, trong một số trường hợp làm xét nghiệm để kiểm dịch của ngành y tế, vẫn còn những quy định khiến việc xét nghiệm quá nhiều.
Có nên test nhanh liên tục cho học sinh là F1?
Trả lời câu hỏi về việc có nên test nhanh liên tục cho học sinh đang là F1 ở các trường học, nhất là sau thời điểm TPHCM cho trẻ từ 5-11 tuổi đi học trở lại, chuyên gia cho rằng ngày đầu tiên trẻ đến trường có thể thực hiện, để tránh trường hợp các em vào lớp tiếp xúc lẫn nhau.
Tuy nhiên, khi đã vào lớp rồi và đã kiểm tra triệu chứng học sinh, chuyên gia cho rằng không cần xét nghiệm thường xuyên nữa. Việc xét nghiệm lúc này chỉ nên tiến hành khi có trường hợp F1 tiếp xúc gần với các F0 đã phát hiện và xét nghiệm vào ngày thứ 5 sau khi phơi nhiễm.
PGS Dũng cho rằng, làm như trên là đủ để giữ an toàn và phòng ngừa Covid-19 trong các lớp học.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TPHCM khẳng định, khi trẻ em đi học, trong trường không thể "Zero Covid" được, quan trọng nhất là ứng xử với Covid-19 ở trường như thế nào. Bác sĩ Khanh cho rằng nếu nhiễm số lượng ít, việc đi học vẫn nên tiếp tục. Nếu trẻ nhiễm biến chủng Omicron thì chỉ 5-7 ngày, thậm chí 2-3 ngày là có thể hết bệnh và hòa nhập được.
Chuyên gia cho rằng không nên test nhanh liên tục, vì có nhiều trường hợp dương tính chậm (Ảnh: Hoàng Lê). |
Chuyên gia đề nghị phụ huynh có con đi học nên xác định tinh thần trẻ có thể bị bệnh, điều trị tại nhà và đi học trở lại khi hết bệnh. Ngành y tế TPHCM đã chuẩn bị sẵn kịch bản ngừng việc học trực tiếp toàn thành phố khi tình hình quá phức tạp. Thực tế 2 tuần gần đây, khi tất cả các khối lớp đi học lại, số F0 trẻ em vẫn tăng nhưng lượng nhập viện rất thấp.
Trở lại với việc test nhanh, BS Khanh hướng dẫn, nếu bản thân nghi ngờ bệnh nhưng hoàn toàn không có triệu chứng gì thì không cần test, chỉ cần tuân thủ 5K trong 7-10 ngày. Hoặc trong nhà có F0 nhưng không có người lớn tuổi, đã tiêm vaccine đủ cũng không nhất thiết phải test nhanh liên tục.
"Test nhanh liên tục không quyết định được gì cả, vì dù thời điểm test âm tính vẫn có thể xảy ra dương tính chậm" - bác sĩ Khanh lý giải.
Theo Dân trí