Chiến sự Nga - Ukraine và tác động của giá dầu
Dầu Brent đã vượt ngưỡng 100 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2014 sau khi Nga tiến vào miền Đông Ukraine. Giá dầu tăng cao sẽ ảnh hưởng lớn đến đến nền kinh tế thế giới ra sao?
GIÁ DẦU TĂNG CAO VÌ SAO?
Nhu cầu về xăng dầu sụt giảm mạnh vào năm 2020 trong thời kỳ đại dịch khiến giá dầu lần đầu tiên trong lịch sử giảm xuống dưới mức giá âm (dưới 0 USD/ thùng) do sự suy thoái lớn trong hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, sau đó, giá đã tăng mạnh lên gần 100 USD/thùng sau khi nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ sau các đợt đóng cửa.
Đặc biệt mới đây, sau khi Nga tiến quân vào miền Đông Ukraine, giá dầu thô đã vượt ngưỡng 100 USD/thùng - mức giá cao nhất kể từ năm 2014. Một số nhà phân tích Phố Wall thậm chí dự đoán giá dầu có khả năng chạm mức cao nhất là 150 USD.
Ông Maciej Kolaczkowski, chuyên gia từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới, đã đưa ra các nguyên nhân chính dẫn đến sự tăng giá dầu.
Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế bùng nổ thúc đẩy nhu cầu dầu. Cụ thể, ông phân tích, hoạt động kinh tế và nhu cầu dầu mỏ đã có sự sụt giảm nghiêm trọng khi đại dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện 2 năm trước. Thời điểm đó, các nhà sản xuất dầu đã phải điều chỉnh mức sản xuất, khả năng lưu trữ dầu cũng bị hạn chế. Hơn nữa, mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng kinh tế là điều không ai lường trước.
"Những yếu tố tổng hợp này đã đẩy giá dầu xuống mức rất thấp chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ. Thậm chí đã có một thời gian ngắn giá dầu giảm xuống âm 40 USD", ông Maciej Kolaczkowski cho hay.
Giá dầu tăng vượt ngưỡng 100USD/ thùng (Minh họa: Getty Images). |
Bên cạnh đó, khi các nền kinh tế dần trở lại bình thường, nhu cầu về dầu mỏ cũng phục hồi. Song, nguồn cung vẫn chưa thể đáp ứng đầy đủ khi nhu cầu gia tăng. Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (nhóm OPEC+) đã từng bước mở rộng quy mô sản xuất, nhưng khả năng dự phòng của khối này khá hạn chế và có lẽ các nhà sản xuất cũng thận trọng để không tăng nguồn cung quá mức trên thị trường một lần nữa. Ngoài ra, hoạt động sản xuất dầu có chu kỳ đầu tư rất dài, có thể mất đến một thập kỷ trước khi một nhà sản xuất thu được những giọt dầu đầu tiên kể từ thời điểm xác nhận rót vốn. Một số nguồn cũng phi truyền thống có thể tăng sản xuất nhanh hơn nhiều, nhưng những nguồn này bị hạn chế về quy mô.
Một yếu tố đang thu hút sự chú ý của thế giới là căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Nga và Ukraine. Diễn biến này đang góp phần làm gia tăng những lo ngại về nguồn cung năng lượng.
Vào năm 2020, giá dầu thô Brent trung bình là dưới 42 USD/thùng - mức thấp bất thường. Vào năm 2021, giá dầu trung bình là dưới 71 USD. Theo dự báo gần đây của các nhà phân tích tại JPMorgan Chase, ngay cả khi căng thẳng ở Ukraine giảm leo thang trong một "kịch bản tốt nhất", giá dầu có lẽ sẽ không xuống dưới 84 USD/ thùng.
MỐI QUAN HỆ GIỮA GIÁ DẦU VỚI LẠM PHÁT
Giá dầu và mức độ lạm phát thường được coi là có mối quan hệ nhân - quả. Khi giá dầu tăng, lạm phát - thước đo xu hướng giá cả chung trong toàn bộ nền kinh tế - cũng tăng lên. Mặt khác, khi giá dầu giảm, áp lực lạm phát bắt đầu giảm bớt. Lịch sử cho thấy cả hai thực sự có tương quan với nhau, nhưng mối quan hệ này đã xấu đi kể từ khi dầu tăng đột biến vào những năm 1970.
Ngân hàng Dự trữ Liên bang St. Louis ước tính mối tương quan là 0,27 giữa những thay đổi trong giá dầu và lạm phát. Nói cách khác, giá dầu tăng liên tục 10% có thể khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,7%.
Giá dầu và tỷ lệ lạm phát (Nguồn: Economicshelp.org). |
Dầu mỏ và lạm phát có mối liên hệ với nhau bởi vì dầu mỏ là đầu vào chính của nền kinh tế. Dầu là một loại hàng hóa thô trong nhiều loại hàng hóa, chẳng hạn như (xăng) và dầu diesel, nhiên liệu máy bay phản lực, chất dẻo, hóa chất dầu mỏ, nhựa đường, mỹ phẩm và khí propan. Do đó, khi giá dầu tăng, chi phí sản xuất hàng hóa này tăng lên.
Dầu được sử dụng nhiều nhất trong giao thông vận tải (66%). Do đó, khi giá dầu tăng, tất cả hàng hóa được vận chuyển sẽ bị ảnh hưởng bởi chi phí vận tải cao hơn.
Ngoài ra, nếu giá sản xuất tăng do giá dầu cao hơn, nó cũng có thể dẫn đến tác động bất lợi, ví dụ, giá xăng cao hơn có thể khiến người lao động yêu cầu mức lương cao hơn và làm gia tăng lạm phát.
Trong những năm 1970, giá dầu tăng từ 3 USD vào đầu năm 1973 lên 30 USD vào cuối năm 1979. Đây là thời kỳ lạm phát cao trên toàn thế giới, với Anh, Mỹ và châu Âu lạm phát là hai con số - cao hơn nhiều so với các nước khác. Ở thời kỳ này, giá dầu tăng không phải là nguyên nhân duy nhất của lạm phát bởi sự tăng trưởng tiền lương mạnh mẽ làm cho lạm phát diễn ra thường xuyên hơn; tuy vậy, giá dầu vẫn là nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát ngay từ đầu.
Giá dầu đã tăng gấp đôi từ 16 USD vào tháng 6/1990 lên 36 USD vào tháng 10/1990. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, lạm phát CPI không tăng.
Từ tháng 1/2007 đến tháng 6/2008, giá dầu đã tăng từ 54 USD lên 144 USD trong vòng chưa đầy 18 tháng. Nó đã gây ra lạm phát, nhưng chỉ là 5% - mức khá thấp so với quy mô của đà tăng giá dầu liên tục. Điều thú vị là giá dầu sụt giảm trong cuộc khủng hoảng tín dụng năm 2008, lạm phát CPI lần đầu tiên giảm xuống mức âm sau nhiều thập kỷ.
Kể từ khi phục hồi sau cuộc suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra, giá dầu đã tăng (trong thời gian ngắn) mức giá âm lên hơn 80 đô la vào tháng 11/2021. Việc này dẫn đến lạm phát của Mỹ là 6,2% (tháng 10/2021). Một lần nữa, giá dầu lại gây ra sự gia tăng lạm phát đáng kể. Ngoài ra, lạm phát cuối năm 2021 cũng có thể là do các cú sốc khác từ phía nguồn cung, chẳng hạn như sự thiếu hụt vận chuyển và container.
TÁC ĐỘNG TỚI CÁC NỀN KINH TẾ
Dầu mỏ chiếm khoảng 3% GDP toàn cầu. Vì vậy, nếu con số này tăng gấp đôi, điều này sẽ có một số tác động đến lạm phát. Mặc dù không phải là động lực chính thúc đẩy lạm phát - vốn thực sự chịu tác động từ các chính sách tiền tệ nới lỏng - nhưng dầu là một trong những hàng hóa quan trọng nhất trên thế giới bởi lẽ nó là thành phần có trong rất nhiều sản phẩm từ nguyên liệu, nhiên liệu cho hoạt động vận tải cho đến dược phẩm, may mặc, hóa chất… Vì vậy, giá dầu tác động đến hầu như tất cả các hàng hóa và dịch vụ mà con người sử dụng, từ đó góp phần đẩy lạm phát leo thang.
Lạm phát gia tăng các nước (Minh họa: Investopedia). |
Các chỉ số lạm phát tăng cao ở nhiều nước, trong đó có cả những nền kinh tế hàng đầu như Mỹ và các nước châu Âu, khiến các nhà lãnh đạo đau đầu với sự phục hồi không đồng đều của nền kinh tế.
Khi các nền kinh tế trên khắp thế giới đang phục hồi sau giai đoạn phong tỏa để kiểm soát dịch, giá cả mọi loại hàng hóa và dịch vụ tăng do nhu cầu tăng trở lại và thiếu hàng hóa bởi gián đoạn nguồn cung.
Lạm phát tại Anh ở mức 5,5% trong tháng 1/2022, mức cao nhất kể từ năm 1992. Tổ chức cung cấp các dịch vụ lái xe (RAC) cảnh báo giá xăng tại Anh trên đà tiến tới mức kỷ lục 150 xu Anh (2,04 USD)/lít trong tuần này, sau khi căng thẳng tại Ukraine leo thang gây thêm sức ép cho cuộc khủng hoảng sinh hoạt phí mà các gia đình ở nước này đang đối mặt. Một số nhà phân tích dự báo lạm phát tại Anh sẽ đạt đỉnh 7% vào tháng 4/2022. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cho rằng lạm phát sẽ bắt đầu hạ sau đó, nhưng sẽ vẫn trên 5% trong năm nay.
Tại Nhật Bản, Thủ tướng Fumio Kishida mới đây cho biết chính phủ sẵn sàng xem xét mọi biện pháp có thể, bao gồm cả việc kích hoạt cái gọi là điều khoản kích hoạt để hạn chế khẩn cấp giá xăng dầu, để giảm bớt tác động của giá dầu thô cao.
"Chúng tôi sẽ không loại trừ bất kỳ lựa chọn nào và sẽ nhanh chóng xem xét các biện pháp tiếp theo," ông Kishida phát biểu tại cuộc họp của Ủy ban Ngân sách của Hạ viện.
Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền đã kiến nghị chính phủ Nhật nâng mức trần trợ giá cho các nhà nhập khẩu và phân phối xăng dầu từ mức 5 yen (0,04 USD)/lít hiện nay lên 25 yen.
Tại Mỹ, mức lạm phát lên tới 7% vào tháng 12/2021. Đây là một đòn giáng mạnh đối với Chính quyền Biden và Cục Dự trữ Liên bang. Giá cả hàng hóa và dịch vụ ở Hoa Kỳ tiếp tục tăng với tốc độ chưa từng thấy trong 40 năm qua. Giá xăng ở Mỹ trung bình hơn 3,5 USD/thùng, mức trung bình cao nhất kể từ năm 2014. Nếu giá dầu thô tăng cao hơn, giá xăng gần như chắc chắn sẽ tăng cao hơn. Gánh nặng lớn nhất sẽ rơi vào các gia đình có thu nhập thấp hơn, vì họ chi tiêu nhiều hơn trong ngân sách hộ gia đình cho xăng dầu.
CPI (Chỉ số giá tiêu dùng) trong tháng 12/2021 tăng 0,5% so với tháng trước và tổng cộng là 7% so với tháng 12 năm 2020. Giá nhà ở và ô tô đã qua sử dụng là yếu tố đóng góp lớn nhất vào sự gia tăng tỷ lệ lạm phát này với mức tăng 0,4% và 3,5% tương ứng trong tháng 11. Giá lương thực cũng tiếp tục tăng nhưng mức tăng 0,5% không cao như các tháng trước. Cục Dự trữ Liên bang đã sẵn sàng tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát và nó có thể xảy ra ba lần trong suốt năm 2022. Lạm phát này không còn nhất thời nữa, nó sẽ duy trì ít nhất trong phần còn lại của năm.
Ở châu Phi, Kho bạc Quốc gia (Nam Phi) cho biết lạm phát dự kiến ở mức 4,8% vào năm 2022 và 4,4% vào năm 2023. Điều này được cho là do giá lương thực và năng lượng tăng cao. Giá nhiên liệu đã tăng 40,4% trong năm tính đến tháng 12 năm 2021 do giá dầu thô toàn cầu cao hơn. Giá nhiên liệu dự kiến sẽ giảm trong năm 2022, nhưng vẫn ở mức cao và trên mức giá trung bình của năm 2019.
"Mặc dù giá điện được dự báo sẽ tăng vào năm 2022 và 2023 tăng cùng với việc Eskom áp dụng tăng giá điện, nhưng có nguy cơ lạm phát điện có thể vượt quá mức dự đoán do chi phí đảm bảo cung cấp điện ngày càng tăng", Kho bạc Quốc gia cho biết trong tài liệu rà soát ngân sách.
Tiêu dùng của các hộ gia đình dự kiến sẽ tăng 2,5% vào năm 2022; trong khi đó, chi tiêu hộ gia đình ước tính đã tăng 5,6% vào năm 2021, sau khi giảm 6,5% vào năm 2020.
Còn ở châu Âu, theo bà Laurence Boone, nhà kinh tế trưởng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, giá năng lượng chính là động lực lớn nhất của lạm phát ở Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Lý do cho điều này là thời tiết bất thường, trữ lượng và dự trữ khí đốt thấp, cơ sở hạ tầng chậm bảo trì, không đủ đầu tư, đặc biệt là đầu tư vào năng lượng tái tạo, tình hình địa chính trị phức tạp. Tất cả đều không thể giải quyết một cách nhanh chóng.
Bản dự thảo về giá năng lượng của Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến được công bố vào tháng tới đã cảnh báo giá khí đốt và điện trong khu vực sẽ "vẫn ở mức cao và không ổn định cho đến ít nhất năm 2023". Giá khí đốt bán buôn tại châu Âu hiện cao hơn khoảng 400% so với cùng kỳ một năm trước, trong khi giá điện bán buôn cũng tăng 260%. Điều này đã thúc đẩy giá bán lẻ khí đốt và giá điện lần lượt tăng 51% và 30%.
Theo dự thảo, giá năng lượng cao kéo dài liên tục sẽ gây ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế châu Âu và tiếp tục đẩy lạm phát lên cao vào năm 2022. Điều này sẽ ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng với chi phí sản xuất cao và có khả năng sẽ làm tăng giá các mặt hàng khác, bao gồm cả thực phẩm.
Tương lai giá dầu khó đoán (Minh họa: Getty Images). |
TƯƠNG LAI KHÓ ĐOÁN
Ông Maciej Kolaczkowski cho biết giá dầu sẽ biến động trong dài hạn và rất khó dự đoán mức giá hoặc thậm chí hướng thay đổi. Theo ông, giá dầu có thể ở mức 100 USD/thùng hoặc hơn, song sẽ không lâu và chắc chắn sẽ không giữ ở mức này mãi. Vì trong trung hạn, nguồn cung sẽ bắt kịp đà tăng của nhu cầu trong khi hy vọng căng thẳng địa chính trị giảm bớt. Về dài hạn, chuyên gia của WEF cho rằng nhu cầu sẽ ổn định và có thể bắt đầu giảm tại một thời điểm nhất định. Sau đó, sẽ rất khó để giá dầu tăng cao hơn. Một số chuyên gia cho rằng giá dầu sẽ đạt đỉnh chỉ trong vài năm tới, nhưng nhiều người lại cho rằng phải mất một vài thập kỷ nữa.
Tuy vậy, giá dầu hoàn toàn có nguy cơ tăng đột biến lớn, cao hơn mức chúng ta thấy hiện tại, thậm chí lên đến 150-200 USD.
Theo ông Maciej Kolaczkowski, việc buộc cắt giảm nguồn cung mà không điều chỉnh nhu cầu sẽ tạo ra sự mất cân đối về cơ cấu và vấn đề này sẽ rất khó giải quyết do chu kỳ đầu tư để sản xuất dầu rất dài. Trong tiến trình chuyển đổi năng lượng hướng tới mục tiêu phát thải bằng "0" - Net Zero vào năm 2050 đặt ra tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26), có nhiều áp lực buộc phải ngừng đầu tư vào sản xuất dầu, nhưng nguồn cung này vẫn rất cần thiết. Điều quan trọng là chúng ta cần tìm ra sự cân bằng cho quá trình chuyển và quá trình này cần được dẫn dắt từ phía nhu cầu của người tiêu dùng, các cá nhân và các ngành. Đó là nhiệm vụ của mỗi người. Nếu không, nó sẽ dẫn đến rủi ro là một tương lai thất thường, khó đoán.
Theo Dân trí