Thêm một tiết lộ gây sốc, bóng đá Trung Quốc ngày càng rối loạn
Hàng trăm cầu thủ Trung Quốc đang bị nợ lương ở thời điểm này, khiến cho bóng đá ở xứ tỷ dân ngày càng rối loạn.
Ngày hôm qua, cầu thủ kỳ cựu Hao Junmin đã khiến cho làng bóng đá Trung Quốc náo loạn khi đăng tải "tâm thư" để đòi lương của CLB Vũ Hán. Trong đó, ngôi sao 34 tuổi này nhấn mạnh: "Khi chuyển tới CLB Vũ Hán, tôi đã không nhận một xu lót tay nào. Lương thì đương nhiên CLB phải chi trả rồi. Họ đã hứa từ năm ngoái sang năm nay nhưng vẫn bặt vô âm tín".
Việc Hao Junmin công khai đòi nợ lương CLB Vũ Hán khiến làng bóng đá Trung Quốc náo loạn. |
Thực tế, vấn đề các cầu thủ Trung Quốc bị cơ quan chủ quản nợ lương không phải là vấn đề mới nhưng chỉ tới sau khi Hao Junmin công khai chuyện này trước dư luận, nó mới giống như "quả bom" thực sự.
Theo tiết lộ của tờ Sina, Liên đoàn bóng đá Trung Quốc đã tiếp nhận 100 lá đơn kiến nghị của các cầu thủ, HLV… về việc bị đội bóng chủ quản nợ lương. Đó còn chưa kể tới hàng trăm cầu thủ khác chưa gửi đơn. Điều đó cho thấy rất nhiều CLB Trung Quốc đang lâm vào cảnh khó khăn tài chính.
Theo thống kê, 11/16 đội bóng tham dự giải VĐQG Trung Quốc thuộc quyền sở hữu của các tập đoàn bất động sản. Việc "bong bóng bất động sản" vỡ ở đất nước này (cùng với việc tập đoàn Evergrande phá sản) đã ảnh hưởng rất lớn tới bóng đá Trung Quốc.
Cũng theo tờ Sina, những lá đơn của các cầu thủ không nhằm mục đích kêu gọi Liên đoàn bóng đá Trung Quốc trừng phạt hay tước quyền đăng ký giải đấu của các CLB, mà họ chỉ muốn nhận được khoản tiền, nhằm mục đích trang trải cuộc sống.
Tờ Sohu nhấn mạnh: "Việc Hao Junmin công khai việc nợ lương khiến cho Liên đoàn bóng đá Trung Quốc xấu mặt. Tất cả đang chịu nhiều sức ép khi đội tuyển quốc gia không thể tham dự World Cup. Và giờ đây, họ đang đối diện với cú sốc mới. Sau chuỗi trận thất vọng vừa qua, nhiều người hâm mộ chỉ trích rằng những cầu thủ Trung Quốc nhận lương triệu đô nhưng thi đấu quá tệ. Dù vậy, có một thực tế rằng, có nhiều cầu thủ trong thời gian dài vừa qua không nhận được một xu tiền lương nào".
Hàng trăm cầu thủ Trung Quốc phải thi đấu không lương trong nhiều tháng qua. |
Liên đoàn bóng đá Trung Quốc không hài lòng với việc Hao Junmin công khai trước dư luận việc bị nợ lương. Họ từng có quy chế rõ ràng rằng cấm các cầu thủ tự ý đưa ra bình luận liên quan tới bóng đá nước nhà lên mạng xã hội. Họ cho rằng Hao Junmin đã vi phạm quy chế của đội tuyển quốc gia.
Bên cạnh đó, cơ quan quyền lực cao nhất của bóng đá Trung Quốc đang đề xuất giảm mức lương trần của các cầu thủ nội xuống còn 3 triệu nhân dân tệ (khoảng 10 tỷ đồng) mỗi năm trước thuế. Mức lương trần sau thuế họ nhận được chỉ vào khoảng 2 triệu nhân dân tệ mỗi năm (khoảng hơn 7 tỷ đồng).
CLB Quảng Châu (thuộc quyền sở hữu của Evergrande) đã đi đầu trong vấn đề này. Sau khi tập đoàn mẹ phá sản, họ đã chấm dứt hợp đồng với hàng loạt cầu thủ nước ngoài như Alan, Elkeson, Fernando hay Lou Goufu vì lương quá cao. Những cầu thủ vẫn có quốc tịch Trung Quốc nhưng đã trở về Brazil kể từ đầu năm nay.
Để tồn tại, CLB Quảng Châu cũng hạ lương toàn bộ đội bóng xuống mức thấp kỷ lục. Theo đó, mức lương tối đa của CLB chỉ còn 600.000 nhân dân tệ (hơn 2 tỷ đồng) mỗi năm. Mức lương này chỉ dành cho ba cầu thủ.
CLB Quảng Châu thông báo chấm dứt hợp đồng với 5 cầu thủ nhập tịch và siết chặt quỹ lương toàn đội. |
Còn lại, những người đá chính khác nhận lương 420.000 nhân dân tệ (1,5 tỷ đồng) mỗi năm. Các cầu thủ dự nhận được 300.000 nhân dân tệ (hơn 1 tỷ đồng) mỗi năm. Còn lại, những gương mặt trẻ hoặc gần như không được ra sân nhận lương rất thấp (từ 60.000 nhân dân tệ, tới 144.000 nhân dân tệ mỗi năm).
Với việc siết chặt mức lương này, CLB Quảng Châu (vốn là CLB lớn nhất Trung Quốc trong nhiều năm qua) đứng trước nguy cơ lớn sẽ mất đi nhiều trụ cột.
Theo Dân trí