Ảnh hưởng địa chính trị Ukraine - North Stream 2
(PetroTimes) - Chuyến thăm của Thủ tướng Đức tới Nga mới đây và những lời lẽ hùng hồn của chính quyền Áo trong bối cảnh mâu thuẫn địa chính trị ngày càng trầm trọng ở châu Âu khiến giới thị trường nhìn nhận dự án North Stream 2 như một dự án mà các nước tiêu dùng châu Âu quan tâm hơn Nga.
Chuyến thăm của lãnh đạo Đức
Tổng thống Nga V.Putin và Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại thủ đô Mátxcơva ngày 15 tháng Hai. Ảnh: Euronews. |
Ngày 15/02, Tổng thống Nga V.Putin đã tiếp Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại thủ đô Mátxcơva. Tại cuộc gặp, nhà lãnh đạo Nga đã đề cập đến năng lượng là một trong những lĩnh vực ưu tiên trong hợp tác song phương, đồng thời lưu ý rằng, Nga là nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy cho châu Âu, đảm bảo cung cấp theo nguyên tắc thị trường mà không gặp bất kỳ sự cố nào.
Sự nhấn mạnh của Tổng thống V.Putin không phải là ngẫu nhiên. Hợp tác trong lĩnh vực năng lượng chính là điều khiến nhà lãnh đạo Đức lo lắng ngay từ đầu khi đề cập đến chính sách đối ngoại của Nga. Và đó có thể là lý do cho chuyến thăm lần này của Thủ tướng Đức, khi mà gần như toàn bộ “tập thể phương Tây” đồn đoán không ít về việc “Nga xâm lược Ukraine”.
Các đại diện chính thức của Đức đã nhiều lần chỉ ra những sự thật không thể chối cãi và trắng trợn về các hành động quân sự của Nga chống lại chế độ tại Ukraine. Và đây được coi là cơ sở cho việc Đức tham gia vào các lệnh trừng phạt kinh tế cứng rắn mới chống lại Nga, trong đó có việc bác bỏ việc triển khai tiếp dự án North Stream 2.
Đường ống đã được lắp đặt xong vào tháng 9/2021 với vai trò chính là thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Đức. Đường ống có công suất thiết kế lên tới 55 tỷ m3/năm, sẽ vận chuyển thêm đáng kể khí đốt từ Nga. Đường ống cũng là mục tiêu chỉ trích mạnh mẽ của chính quyền Mỹ và một số nước thành viên EU khi giới chức những nước này coi dự án là mối đe dọa đối với lợi ích của họ. Và sự chậm trễ trong việc chứng nhận đường ống, vốn cực kỳ quan trọng đối với nền kinh tế của Đức và châu Âu nói chung, là kết quả của sự can thiệp vào tình hình Ukraine, vốn được hỗ trợ tích cực từ chính quyền Mỹ.
Quan điểm của Áo
Lập trường của Áo có vẻ nguyên tắc hơn. Thông qua các đại diện cấp cao của nước này được biết, nếu các đối tác khác của dự án North Stream 2 từ chối tiếp tục thực hiện với lý do chính trị, Chính phủ Áo sẽ không loại trừ khả năng yêu cầu bồi thường các khoản đã chi.
Do đó, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Kỹ thuật số Áo Margarethe Scharmbeck cho biết, nước này sẽ không từ bỏ dự án North Stream 2 nếu không có thực tế chứng minh về cuộc xâm lược của các lực lượng vũ trang Nga vào Ukraine, đồng thời nhấn mạnh rằng, chính phủ nước này và tập đoàn dầu khí OMV đã đầu tư rất nhiều vào dự án. Việc tham chiếu đến các chi phí mà Áo phải chịu trong trường hợp này khó có thể được coi là lời nói suông.
Vấn đề của châu Âu
Giám đốc Quỹ phát triển năng lượng Nga Sergey Pikin đánh giá, không có biện pháp trừng phạt nào được lên kế hoạch tại các nước thành viên chủ chốt của EU (trong đó có Đức và Áo đã đề cập bên trên). Trong vài tháng qua, quá trình cấp chứng nhận cho đường ống North Stream 2 đang bị kéo dài và đã xuất hiện nhiều quan điểm về vai trò của đường ống này trong giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay ở châu Âu. Tuy nhiên, có những lý do để khẳng định rằng, các nước có kế hoạch nhập khẩu khí đốt thông qua North Stream 2 đều thể hiện sự quan tâm của mình đến việc vận hành đường ống.
Giám đốc phụ trách hàng hóa và tài nguyên thiên nhiên của Fitch - Dmitry Marinchenko cho biết, việc ra mắt North Stream 2 không phải là yếu tố quan trọng để tăng nguồn cung khí đốt từ Gazprom. Thực tế cho thấy, nhà sản xuất khí đốt Nga có thể bổ sung thêm khối lượng khí đốt trung chuyển qua Ukraine đến châu Âu.
Nếu nói về sự thay thế cơ bản nguồn cung khí đốt đường ống từ Gazprom thì chúng ta có thể nói về nguồn cung cấp LNG. Tuy nhiên, các chuyên gia Nga bày tỏ sự nghi ngờ về hiệu quả kinh tế khi sử dụng LNG. Nhiên liệu LNG đắt hơn nhiều so với khí đốt đường ống của Nga, đặc biệt trong trường hợp sớm chấm dứt các hợp đồng cung cấp LNG dài hạn để chuyển hướng chúng đến châu Âu.
Các nhà phân tích tại Trung tâm năng lượng, Trường quản lý Skolkovo, Mátxcơva cho biết, chiến lược tiếp thị của Gazprom ngày nay ngụ ý ưu tiên thị trường trong nước hơn thị trường nước ngoài. Nếu những năm trước, Gazprom báo cáo rằng, xuất khẩu khí đốt theo khuôn khổ các hợp đồng đạt mức tối đa hơn 200 tỷ m3, thì những tuyên bố hiện nay tập trung nhiều hơn vào các chỉ số tài chính quan trọng đối với chương trình đầu tư và giá trị cổ phiếu của công ty. Vì vậy vào năm 2021, tập đoàn đã đạt doanh thu và lợi nhuận ròng kỷ lục bằng đồng rúp.
Theo chuyên gia Pikin, nếu quá trình cấp chứng nhận cho North Stream 2 kết thúc với chiến thắng của những người ủng hộ dự án thì Gazprom sẽ thông qua công ty “cháu” tại Đức (đăng ký vào tháng 01/2022) để được cấp phép sử dụng toàn bộ công suất đường ống này.
Gazprom dự kiến vận hành đường ống North Stream 2 vào tháng 10 |
Tại sao Mỹ đồng ý cho hoàn thành dự án North Stream 2? |
Cựu Bộ trưởng Tài chính Pháp giải thích lý do tại sao châu Âu cần North Stream 2 |
Viễn Đông