Chăm sóc sức khoẻ hậu Covid-19
(PetroTimes) - Tính riêng đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát (từ ngày 27-4-2021 đến nay) cả nước có hơn 2 triệu bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Điều đó cho thấy, nhu cầu chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19 là rất đáng quan tâm. Tuy nhiên cho đến nay, nhiều người vẫn còn quan niệm rất sai lầm về F0 khỏi bệnh…Tạp chí Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với Ths.BS CKII Trần Thị Tuyết Lan - Viện Tim TP HCM xung quanh vấn đề này.
PV: Hiện nay, nhiều người vẫn cho rằng F0 khỏi bệnh là “bất tử” - ý nói người đó có đủ kháng thể với Covid-19, không sợ bị nhiễm lại cũng như an toàn với các vấn đề khác liên quan đến sức khỏe. Bác sĩ chia sẻ gì về quan điểm này?
BS Tuyết Lan |
BS Tuyết Lan: Quan niệm này là hoàn toàn không đúng, có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe bệnh nhân hậu Covid-19 vì sự chủ quan. Thực tế cho thấy, người đã bị Covid-19 vẫn có thể tái nhiễm lại nhiều lần sau đó và Covid-19 gây nhiều biến chứng trên các hệ cơ quan của cơ thể như tim, mạch máu, phổi, thần kinh, thận, tiêu hóa, cơ xương khớp... để lại các vấn đề sức khỏe làm giảm chất lượng cuộc sống.
Có 3 vấn đề sức khỏe mà bệnh nhân hậu Covid-19 gặp nhiều nhất là thuộc các chuyên khoa hô hấp, thần kinh và tim mạch. Trong đó, các biến chứng tim mạch là nghiêm trọng hơn cả vì có thể gây nguy hiểm tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
PV: Cụ thể là những vấn đề tim mạch gì và nguy hiểm ra sao, thưa bác sĩ?
BS Tuyết Lan: SARS-CoV-2 lây nhiễm vào tế bào vật chủ thông qua thụ thể men chuyển 2 (ACE2), dẫn đến viêm phổi do Covid-19, đồng thời gây tổn thương cơ tim cấp tính như viêm cơ tim và tổn thương mãn tính cho hệ tim mạch như xơ hóa mô kẽ cơ tim, viêm mạch máu, thuyên tắc huyết khối và rối loạn nhịp tim.
Tổn thương cơ tim trực tiếp do SARS-CoV-2 và gián tiếp do cơn bão cytokine gây viêm và hoại tử các tế bào cơ tim, dẫn đến viêm cơ tim và hậu quả là suy tim. Triệu chứng viêm cơ tim có thể từ nhẹ đến rất nặng như mệt, khó thở, tùy mức độ suy tim, sưng chân, tim đập nhanh, đau ngực. Khi bệnh nhân được làm siêu âm tim thì thấy tim dãn lớn, các thành tim giảm động, phân suất tống máu thất trái giảm và tăng áp động mạch phổi. Xét nghiệm máu biểu hiện tăng men tim, tăng dấu ấn sinh học suy tim NT-BNP hoặc NT-ProBNP.
F0 khỏi bệnh đến thăm khám tại bệnh viện (ảnh: Thiện Tâm) |
Xơ hóa cơ tim từng vùng hoặc lan tỏa ở tim bệnh nhân Covid-19, ngay cả ở bệnh nhân không có triệu chứng tim mạch. Xơ hóa mô kẽ lan tỏa từng được báo cáo ở một bệnh nhân nữ 45 tuổi không có tiền sử viêm cơ tim với biểu hiện hồi hộp và đau ngực không điển hình 3 tháng sau khi mắc Covid-19. Các dấu hiệu xơ hóa lan tỏa tương tự cũng đã được ghi nhận ở một bệnh nhân nam 49 tuổi có biểu hiện khó thở sau 6 tuần khởi phát triệu chứng Covid-19. Xơ hóa mô kẽ cơ tim góp phần làm rối loạn chức năng thất trái dẫn đến suy tim.
Khi tình trạng suy tim tiến triển nặng có thể gây các rối loạn nhịp tim nguy hiểm như nhịp nhanh thất, rung thất, có thể ngừng tim. Thêm vào đó, tác dụng phụ của thuốc chống virus, thuốc kháng sinh, tình trạng giảm oxy máu, rối loạn điện giải càng làm nặng thêm các rối loạn nhịp tim sẵn có. Các rối loạn nhịp tim thường gặp là rung nhĩ, cơn nhịp nhanh thất không kéo dài, ngừng tim và nhịp tim chậm. Đặc biệt, các rối loạn nhịp nhĩ thường gặp ở bệnh nhân nặng có nhập ICU hơn.
Thêm một vấn đề nữa là quá trình tổn thương tế bào nội mạc mạch máu và viêm mạch máu do SARS-CoV-2 làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối (cục máu đông) trong lòng mạch máu và gây thuyên tắc mạch máu do huyết khối. Sự hiện diện huyết khối làm tăng độ nặng và tỷ lệ tử vong của bệnh. Các biến cố huyết khối cũng thường được quan sát thấy ở bệnh nhân Covid-19 nguy kịch, nhập ICU thở máy, bất động kéo dài và ứ trệ tĩnh mạch. Thuyên tắc huyết khối ở các vị trí nguy hiểm đều có thể dẫn đến đột tử như thuyên tắc động mạch phổi, nhồi máu cơ tim cấp.
Các triệu chứng báo hiệu thường thấy cho tình trạng này là hồi hộp đánh trống ngực, mệt khi gắng sức, khó thở, đau ngực. Tùy theo nghi ngờ chẩn đoán là thuyên tắc phổi hay nhồi máu cơ tim cấp mà bệnh nhân được làm thêm MSCT động mạch phổi cản quang hay chụp động mạch vành. Từ đó sẽ có điều trị chống đông máu thích hợp và kịp thời theo nguyên nhân gây bệnh, giúp làm giảm tỷ lệ tử vong.
PV: Xin bác sĩ cho biết, bệnh nhân hậu Covid-19 cần lưu ý, chăm sóc sức khỏe tim mạch như thế để tránh những biến chứng xấu tác động đến sức khỏe, tính mạng?
BS Tuyết Lan: Bệnh nhân hậu Covid-19 luôn phải chú ý lắng nghe cơ thể mình, nếu cảm thấy mệt, khó thở, hồi hộp, tim nhanh, chóng mặt, ngất… thì ngay lập tức nên đến gặp bác sĩ tim mạch để được chỉ định kịp thời các xét nghiệm như điện tâm đồ, holter điện tâm đồ, siêu âm tim, siêu âm tĩnh mạch chi dưới tìm huyết khối tĩnh mạch sâu vốn là nguy cơ gây thuyên tắc phổi; các xét nghiệm đông máu, men tim, NT-BNP hoặc NT-ProBNP, công thức máu và MSCT hoặc chụp động mạch vành, MSCT động mạch phổi (nếu cần)…, nhằm phát hiện và điều trị kịp thời các biến chứng tim mạch, tăng cơ hội sống sót cho bệnh nhân.
Khi phát hiện có tình trạng đông máu đang hiện diện, tùy theo mức độ D-dimer tăng và sự hiện diện huyết khối tĩnh mạch chi dưới mà bác sĩ sẽ cho uống thuốc chống đông máu theo liều lượng và thời gian thích hợp. Nếu có biểu hiện suy tim thì bệnh nhân được điều trị các thuốc cải thiện suy tim, giảm khó thở, sưng chân và theo dõi sự cải thiện của viêm cơ tim với điều trị nội khoa. Các thuốc chống loạn nhịp tim thích hợp với từng loại rối loạn nhịp tim cũng sẽ được cân nhắc kỹ càng.
PV: Theo đánh giá của bác sĩ, vấn đề chăm sóc sức khỏe bệnh nhân hậu Covid-19 nói chung của chúng ta hiện nay đang trong tình trạng ra sao?
BS Tuyết Lan: Tính đến 11-1-2022, TP HCM hiện có gần 500.000 ca mắc Covid-19 (chiếm khoảng 5% dân số thành phố), trong đó hơn 300.000 ca đã xuất viện. Do đó, nhu cầu được chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19 là rất đáng quan tâm. Đã có nhiều bệnh viện thành lập phòng khám hậu Covid-19 nhằm giúp bệnh nhân vượt qua các di chứng và tái hòa nhập cuộc sống, như Bệnh viện ĐH Y Dược, Bệnh viện Quân Y 175, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Xuyên Á đã có các gói khám hậu Covid-19. Trong đó, Viện Tim TP HCM là nơi có đầy đủ uy tín chuyên môn và các phương tiện cần thiết để khảo sát biến chứng tim mạch hậu Covid-19.
PV: Cảm ơn bác sĩ đã chia sẻ!
Lê Trúc