TS Trương Anh Dũng: Những vấn đề đối với lao động việc làm trong bối cảnh mới
(PetroTimes) - Tại diễn đàn “Tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2021 -2025: Những vấn đề đặt ra với doanh nghiệp”, TS Trương Anh Dũng - Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) đã chỉ ra những vấn đề đặt ra đối với lao động việc làm trong bối cảnh mới.
TS Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp |
TS Trương Anh Dũng cho hay, trong khoảng 5 năm tới, thời gian dành cho các công việc hiện tại của con người và máy móc sẽ bằng nhau. 84% người sử dụng lao động sẽ chuyển sang số hóa các quy trình làm việc. Trong 10-15 năm tới, khoảng 1/3 công việc hiện tại sẽ biến đổi do tác động của công nghệ thông tin (CNTT), robot, tự động hóa và (trí tuệ nhân tạo (AI)... Khoảng cách ngày càng tăng giữa các kỹ năng của lao động hiện tại và kỹ năng mà các doanh nghiệp cần có thể khiến 6% GDP của thế giới, tương đương 5.000 tỉ USD bị mất mỗi năm.
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), cùng với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và rất nhiều tổ chức khác, đã công bố hàng loạt báo cáo về tình trạng thất nghiệp gia tăng, cùng với những quan ngại liên quan tới sự phát triển của nền kinh tế và những khuyến nghị chính sách cấp bách liên quan đến ảnh hưởng của Covid-19, nhất là sự tác động tới lao động, việc làm.
TS Trương Anh Dũng cho biết, những tháng cuối năm 2021, kinh tế thế giới tiếp tục đà phục hồi sau những tổn thất nặng nề do dịch Covid-19 gây ra. Theo báo cáo “Triển vọng Việc làm và Xã hội thế giới: Xu hướng 2021” của ILO (WESO) dự báo “khoảng trống việc làm” do cuộc khủng hoảng toàn cầu gây nên sẽ rất nghiêm trọng. Dự kiến sẽ có 205 triệu người thất nghiệp trên toàn cầu vào năm 2022, tăng cao so với mức 187 triệu năm 2019. Tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng từ 4,4% năm 2019 lên mức 5,2% – 5,7% trong năm 2020. Những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong nửa đầu năm 2021 là châu Mỹ, châu Âu và Trung Á.
Tổ chức ILO nhận định vào năm 2022, tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu dự kiến là 5,7%, tương ứng với 205 triệu người thất nghiệp, vượt qua mức 187 triệu người vào năm 2019. ILO dự báo việc làm của khu vực ASEAN sẽ phục hồi chậm do tác động nặng nề mà đại dịch Covid-19 gây nên.
Đợt bùng phát lần thứ tư của dịch Covid-19 đã gây sức ép nặng nề về mọi mặt cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và cho thị trường lao động nói riêng trong quý III năm 2021. Theo Báo cáo tình hình lao động việc làm Quý III/2021 của Tổng cục Thống kê, cả nước có hơn 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 khiến họ bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập; Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở mức thấp chưa từng có trong vòng 10 năm trở lại đây. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý III năm 2021 là 49,1 triệu người, giảm 2,0 triệu người so với quý trước và giảm 2,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
TS Trương Anh Dũng cho biết, hiện nay, quy mô lực lượng lao động cả nước là 54,844 triệu người, trong đó lực lượng lao động đã qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ chiếm 24%, trong số đó có gần 90% là lực lượng lao động qua đào tạo ở các trình độ của giáo dục nghề nghiệp (GDNN); Hệ thống GDNN luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và của toàn xã hội; Tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề giai đoạn 2016 - 2020 ở mức cao (trên 80%, ở một số ngành, nghề đạt 100%).
Bên cạnh đó, những khó khăn, thách thức đang đặt ra cho GDNN đó là: Quy mô, số lượng đào tạo chưa tương xứng với dân số trong độ tuổi lao động: Đến hết năm 2020, còn khoảng 75,4% trong tổng số hơn 54 triệu lao động chưa có có văn bằng, chứng chỉ, phải làm những công việc giản đơn, năng suất lao động thấp; Công tác phân luồng học sinh sau THCS, THPT vào GDNN chưa đạt được mục tiêu đặt ra trong Chỉ thị số 10 của Bộ Chính trị: “Đến 2020 phấn đấu ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN”.
Cơ cấu đào tạo còn bất hợp lý về trình độ, ngành nghề, vùng miền: Tỷ lệ lao động qua đào tạo ở khu vực thành thị đạt 40,8%, khu vực nông thôn đạt 16,6%. Cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa phù hợp với cơ cấu ngành nghề trên thị trường lao động; ngoài ra việc đào tạo theo các chương trình chất lượng cao còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của các ngành kinh tế mũi nhọn và yêu cầu nâng cao chất lượng cạnh tranh của nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh cao; Tính thích ứng của hệ thống chưa cao để theo kịp với sự thay đổi của khoa học công nghệ, nhất là CMCN 4.0 và những rủi ro phi truyền thống như đại dịch Covid-19.
Cơ chế, chính sách phát triển GDNN vẫn còn bất cập. Việc huy động các nguồn lực đầu tư cho GDNN còn khó khăn; ngân sách nhà nước đầu tư cho GDNN những năm gần đây tuy có tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều địa phương chưa ưu tiên nguồn lực đầu tư cho phát triển GDNN.
Nâng tâm trình độ kỹ năng nghề đang là yêu cầu đặt ra cho lực lượng lao động Việt Nam trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 |
Tại diễn đàn, TS Trương Anh Dũng cũng đã đưa ra nhóm giải pháp chung về phục hồi thị trường lao động đó là: Quyết liệt thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát và đẩy lùi Covid-19, nhất là tại thành phố lớn, các địa phương có nhiều khu công nghiệp. Đẩy mạnh chiến lược tiêm vắc-xin, sử dụng tổng hợp mọi nguồn lực để sớm tiêm đủ vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân, người lao động, HSSV, tạo cơ chế miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất;
Triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động phục hồi sau đại dịch, nhất là các chính sách đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho người lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021; xây dựng và thực hiện các chương trình, chính sách khuyến khích người lao động, đặc biệt là thanh niên tích cực học tập nâng cao trình độ để có các kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.
Chính phủ cần có chính sách khuyến khích các địa phương thiết lập các kênh thông tin chính thống, chuyên ngành để cập nhật cho doanh nghiệp và người lao động về chiến lược phát triển kinh tế, các chính sách hỗ trợ lao động và thu hút lao động, các kế hoạch về xét nghiệm, kiểm soát bệnh dịch của địa phương để họ xây dựng và thực hiện các kế hoạch khôi phục và phát triển sản xuất.
Sẵn sàng cung ứng lao động tạm thời cho các doanh nghiệp là lực lượng học sinh, sinh viên trong các cơ sở GDNN theo hình thức thực hành, thực tập tại doanh nghiệp; vừa học, vừa làm tại doanh nghiệp. Cần bổ sung thêm chính sách và nguồn lực để đặt hàng đào tạo kỹ năng, tay nghề ngắn hạn cho học sinh, sinh viên và người lao động không thuộc đối tượng đào tạo từ Quỹ BHTN nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kinh nghiệm của thị trường lao động.
Cần nâng cao chất lượng hoạt động dự báo về nhu cầu việc làm và nhu cầu đào tạo trong lĩnh vực ngành, nghề; tăng nhanh quy mô đào tạo nghề, nhất là khi nhu cầu lao động có kỹ năng tăng cao nhưng những rào cản bởi dịch bệnh và năng lực chuyển đổi, thích ứng của hệ thống giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyển sinh (trực tuyến, trực tiếp); áp dụng các biện pháp để duy trì, tổ chức tốt các hoạt động đào tạo của các cơ sở GDNN; đa dạng các phương thức, hình thức tổ chức đào tạo.
Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án về phát triển GDNN góp phần tăng nhanh số lượng, nâng cao chất lượng lao động qua đào tạo cho các doanh nghiệp; đẩy mạnh gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo; tổ chức thực hiện đào tạo, đào tạo lại, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động để thích ứng với điều kiện sản xuất mới, nhất là trong bối cảnh của cuộc cách mạng 4.0.
Phú Văn