GDP 2022 có thể tăng trưởng vượt 7,5%?
(PetroTimes) - Trong báo cáo "Hướng về tương lai 2022" vừa công bố, VinaCapital đánh giá kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục bởi nhiều yếu tố tăng trưởng tích cực.
Theo VinaCapital, nhân tố quan trọng nhất đối với tăng trưởng là Vốn đầu tư nước ngoài (FDI), dòng vốn FDI chảy vào vẫn duy trì trạng thái khả quan trong 2 năm vừa qua mặc dù trải qua bùng phát dịch Covid-19.
Dòng vốn FDI sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam trong năm 2022. |
Trong 2020, dòng vốn FDI vào Việt Nam chỉ giảm 2% khoảng 20 tỷ USD trong khi con số này trên thế giới là 40% do tác động của dịch bệnh Covid-19. Năm 2021, dòng vốn FDI vào Việt Nam cũng chỉ giảm 1% mặc dù trên thực tiễn, Việt Nam là quốc gia thi hành các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhất ở châu Á trong thời kỳ bùng phát của biến thể Delta, đây cũng là nguyên nhân dấy lên thắc mắc của báo chí quốc tế về những khó khăn mà các doanh nghiệp FDI phải đối mặt ở Việt Nam trong năm nay.
VinaCapital kỳ vọng lực chảy của dòng vốn ngoại vào Việt Nam vẫn mạnh mẽ trong 2022, đặc biệt là khi các lệnh thắt chặt di chuyển đã được nới lỏng tạo điều kiện dễ dàng cho các nhà lãnh đạo quản lý từ Nhật Bản, Hàn Quốc, và các nước khác đến Việt Nam.
Các doanh nghiệp sản xuất dòng sản phẩm công nghệ cao vẫn sôi nổi đầu tư vào Việt Nam. Ví dụ, LG Display đã công bố khoản đầu tư theo kế hoạch 2,2 tỉ USD vào năm 2021, gần gấp đôi tổng vốn đầu tư của công ty này tại Việt Nam.
Samsung, nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam (và “nhà tuyển dụng” lớn nhất trong khu vực tư nhân), đã thông báo rằng họ sẽ nâng cấp lên 50% năng lực sản xuất ở Việt Nam cho các thiết bị có tính năng gập lại được, trong khi đó Toshiba cho biết họ sẽ chuyển toàn bộ sản xuất điện tử ở Trung Quốc sang Việt Nam và Nhật Bản.
Hay thông tin gần đây rằng tập đoàn LEGO sẽ đầu tư 1 triệu USD vào Việt Nam để xây dựng nhà máy khai thác trung hòa carbon, sẽ giúp thu hút những nhà đầu tư FDI khác có tiêu chí đặt ESG làm ưu tiên để tìm ra điểm đến để đầu tư.
Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn đang là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất đối với các công ty Nhật Bản, theo một khảo sát được thực hiện bởi Deloitte vào tháng 9 (mặc dù khảo sát chưa được thực hiện với các nhà đầu tư Hàn Quốc).
Điểm hấp dẫn chính của Việt Nam với vị thế là điểm đến thu hút FDI đến từ thực tế rằng chi phí thuê nhân công nhà máy ở Việt Nam chỉ thấp bằng một phần ba ở Trung Quốc, nhưng chất lượng của nguồn lực lao động này thì tương đương với Trung Quốc, dựa theo đánh giá của báo cáo do JETRO và các bên khác thực hiện. Một yếu tố khác là vị trị địa lí của Việt Nam gần với những chuỗi cung ứng ở châu Á, đặc biệt là trong ngành công nghệ cao.
Khách du lịch quốc tế sẽ trợ lại Việt Nam trong năm 2022. |
Nhìn xa hơn, ngày càng nhiều những công ty đa quốc gia đang tìm cách đa dạng hóa hoạt động sản xuất của mình bên ngoài Trung Quốc vì những lý do khác nhau, bao gồm cả động thái của Mỹ trong việc duy trì thuế bảo hộ đối với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc đến Mỹ trong lúc căng thẳng giữa 2 quốc gia đang leo thang.
Mặt khác, Bộ Tài chính Mỹ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đạt được thỏa thuận chung trong tháng 7 để tháo gỡ một số hàng rào thuế quan đặt ra cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đến Mỹ.
Tiếp theo, tốc độ ấn tượng trong việc triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 của Việt Nam ngay khi biến thể Delta xuất hiện (mặc cho bước khởi đầu tương đối chậm chạp) đã củng cố niềm tin cho các doanh nghiệp nước ngoài rằng Chính phủ Việt Nam sẽ cam kết để đạt được sự cân bằng mang tính thận trọng giữa sức khỏe cộng đồng và phát triển kinh tế như là một phần của chiến lược “Sống chung với Covid-19” đã theo đuổi từ tháng 10.
Cuối cùng, khoản đầu tư được đề cập bên trên của tập đoàn LEGO từ Đan Mạch sẽ củng cố tín nhiệm của Việt Nam về vấn đề môi trường, xã hội, và quản trị (ESG) trong mắt các nhà đầu tư tiềm năng khác, đặc biệt khi mà các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng quan tâm hơn về khía cạnh này. LEGO đã thể hiện sự cam kết sâu sắc đã được công bố rộng rãi đối với vấn đề phát triển bền vững, cũng là điều mà các công ty lớn khác ở châu Âu đang chú trọng thực hiện.
Mặt khác, tăng trưởng kinh tế được hỗ trợ bởi sức phục hồi mạnh mẽ trong tiêu dùng nội địa và các hoạt động xây dựng của Việt Nam, cũng như bởi sự tăng trở lại của lượng khách du lịch vào một số thời điểm nào đó ở những tháng sắp tới.
Thị trường nội địa là “bệ đỡ” cho du lịch Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong năm nay. |
Cụ thể hơn, tăng trưởng của tổng mức bán lẻ (loại trừ yếu tố giá) ở Việt Nam sẽ tăng mạnh đạt đến 5% trong 2022 từ sau mức giảm 6,2% vào 2021, so với mức tăng trưởng đồng nhất 8-9% hằng năm ở giai đoạn trước Covid-19. Tiêu dùng ở Việt Nam vẫn sẽ thấp hơn khoảng 10% so với mức trước Covid-19.
Thêm vào đó, tăng trưởng của các hoạt động xây dựng ở Việt Nam sẽ tăng từ 0,6% trong năm 2021 đến 8% trong năm 2022, dựa vào đẩy mạnh các khoản chi tiêu “bù đắp” cho cơ sở hạ tầng và nhờ vào quy định Nhà nước đối với mảng phát triển bất động sản dự tính sẽ được nới lỏng.
Đối với ngành du lịch vốn đóng góp 8% tăng trưởng GDP, thời điểm lượng khách du lịch Việt Nam tăng trở lại sẽ rõ ràng hơn sau Tết Nguyên đán, tức là vào đầu tháng 2 năm nay, nhưng triển vọng của ngành du lịch Việt Nam đã khá rõ ràng. Bằng chứng là nhu cầu đi du lịch nước ngoài của người tiêu dùng Mỹ đang tăng đột biến, theo khảo sát tâm lý người tiêu dùng Mỹ của Conference Board và cũng là xu hướng tâm lý mà tin rằng sẽ là điểm chung ở người tiêu dùng trên khắp các quốc gia phát triển.
Căn cứ các phân tích đầy lạc quan nêu trên, các chuyên gia kinh tế của VinaCapital ước tính GDP Việt Nam sẽ từ mức 2,6% năm 2021 tăng mạnh lên 7-7,5% vào năm 2022 và tin rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế cả nước thậm chí có thể vượt trên 7,5% vào năm 2022.
P.V