Ngày Tết mạn đàm chuyện Tắm
(PetroTimes) - Tắm gội vốn là việc tế nhị, hiếm ai biết được người khác tắm gội ra làm sao, trừ phi sống cùng một nhà, nữa là chuyện tắm của người xứ khác, đặc biệt là chuyện tắm của các tiền nhân. Cái sự tắm được ghi nhận sớm nhất trong cộng đồng người Việt hẳn là chuyện tình huyền thoại của Tiên Dung và Chử Đồng Tử.
Ngày Tết mạn đàm chuyện Tắm |
Chử Đồng Tử nhẽ là người đàn ông may mắn nhất thế giới, từ cổ chí kim. Từ một anh chàng nghèo kiết xác đến cái khố không có để dùng mà cũng cưới được công chúa, chỉ nhờ một ngày đẹp trời nàng đi thuyền rồng qua quê chàng, thấy cảnh sự hữu tình mới sai người quây màn để tắm tiên, nào ngờ đúng chỗ chàng Chử đang vùi cát giấu mình vì “truổng cời”. Nước dội đến đâu cát xối đến đấy, để lộ thân hình thiên nhiên của chàng. Từ đấy mà nên duyên chồng vợ.
Còn thì tịnh không có tài liệu nào chỉ ra rằng ngày xưa ông cha ta tắm táp thế nào, ở đâu và bao lâu mới tắm một lần. Nhưng Việt Nam xứ sở nhiệt đới, nóng ẩm gió mùa, sông suối hồ ao chi chít, biển cả bao hết cả dải đất liền, nên chắc việc tắm cũng thuận tiện, nóng quá thì nhảy ùm xuống tắm thôi. Có lẽ thấy ít người nghiên cứu về tắm giặt quá nên từng có nghiên cứu sinh đã làm luận án tiến sĩ với đề tài: “Tắm giặt tập trung cho các quân đoàn đóng quân phía Bắc”. Không được Bộ Giáo dục và Đào tạo chấp nhận, nghiên cứu sinh đó vẫn khăng khăng bảo vệ với lý lẽ hùng hồn. Sau thấy Thứ trưởng bảo nếu đề tài này được chấp nhận để làm luận án tiến sĩ thì sẽ gây phản cảm trong dư luận xã hội và gây phản ứng đối với các nhà khoa học, thì anh chàng mới thôi.
Sau này đi nhiều, tôi mới hay, việc tắm cũng có thể làm thành một đề tài nghiên cứu sâu về văn hóa. Bởi tắm chính là văn hóa, là lịch sử, là địa lý và cả tôn giáo.
Người Tây Tạng - cả đời chỉ tắm ba lần
Khách viễn du từng ghi nhận những câu chuyện đã được biên thành sách rằng người Tạng cả đời chỉ tắm ba lần: Lúc mới sinh ra, trước khi làm đám cưới và sau khi chết. Chết rồi là rửa ráy cho cái xác, còn mới chào đời thì đằng nào cũng phải vệ sinh đám nước ối và máu lỏng từ bụng mẹ. Như vậy coi như đời người chỉ tắm... một lần. Những lời đồn đại ấy có lẽ lưu truyền từ thời cổ, còn người Tạng hiện đại không đến nông nỗi suốt đời chỉ tắm một lần vào ngày cưới. Nhưng việc người Tạng “kém tắm” là có thật. Thị giác và khứu giác của tôi xác tín điều đó. Thói quen này có thể phát sinh từ nỗi khổ thiếu nước suốt mấy nghìn năm. Thực mâu thuẫn khi Tây Tạng là thượng nguồn khởi sinh ra những con sông vĩ đại nhất thế giới nhưng lại thiếu nước sinh hoạt. Người dân sinh sống khuất nẻo trên núi cao nên việc lấy nước không hề dễ dàng, thêm nữa, khí hậu khắc nghiệt không cổ vũ cho việc tắm gội. Thời trang tóc bím của phụ nữ Tạng có thể cũng giúp cho những mái tóc dài ít gội rửa của họ trở nên đỡ rối rắm và phiền hà.
Người Tạng từ lâu đời đã quan niệm rằng, không phải cứ thích tắm là tắm, nên họ đã nghĩ ra hẳn một Lễ hội tắm kéo dài suốt một tuần. Lễ hội Gamariji rơi vào tháng Bảy âm, khi bầu trời đầy sao cũng là lúc Lễ hội tắm bắt đầu. Đến khi sao đêm vãn dần thì lễ hội sẽ kết thúc. Người Tạng tin rằng, tắm vào thời điểm này sẽ rất tốt cho sức khỏe vì nước khi ấy hội tụ đủ 8 yếu tố: Ngọt, mát, trong, sạch, mềm, nhẹ, không hại cổ họng, không hại dạ dày. Nôm na thì thời gian này tuyết đã tan hết và khí hậu ấm áp rất phù hợp cho việc tắm. Tắm vào lúc khác dễ ốm, nhất là từ thời xưa, người Tạng không xây nhà tắm. Trước năm 1950, cũng chỉ 1% số hộ dân có nhà tắm và toilet riêng. Rõ là “tắm theo quý”.
Khách du lịch lên Tây Tạng cũng được cảnh báo rằng không nên tắm trong những ngày đầu, sẽ có nguy cơ đột quỵ. Người cẩn thận chẳng tắm nữa, bao giờ xuống núi tắm bù sau. Suốt 7 ngày Lễ hội Gamariji, hàng nghìn người Tạng sung sướng đổ ra sông hồ để tắm táp, dù bây giờ nhà ai cũng có phòng tắm riêng đàng hoàng.
Châu Âu lười tắm
Người phương Tây trông sạch sẽ, thơm nức, văn minh, dễ gợi cảm giác chăm tắm. Kỳ thực, châu Âu có quá khứ “nghìn năm không tắm” gắn liền với “đêm trường trung cổ”. “Về phòng tắm của chúng tôi... nói thật thì cũng chẳng có gì để nhắc tới. Chúng tôi chỉ tắm hai lần một năm, một lần trước Giáng sinh và một lần trước Lễ Phục sinh” - Thánh Ulrich của Zell, Đức (1029-1093) từng viết như vậy.
Có hai câu nói nổi tiếng của hai nhân vật lịch sử châu Âu liên quan đến việc tắm. Một là của Napoleon, khi ngài viết thư cho Joséphine: “Ta sắp về, nàng đừng tắm”. Hai là của viên sứ thần Nga tâu lại với Sa hoàng sau khi ông ta diện kiến Louis XIV: “Vua nước Pháp bốc mùi như một con thú hoang”. Napoleon phải dặn thế, vì quý tộc châu Âu thời ấy có tắm mấy khi, nhưng biết đâu thấy chồng ra trận trở về, đây là sự kiện lớn, nàng Joséphine lại tắm thì sao? Còn Louis XIV (1638-1715) thì đúng là cả đời mới tắm nhõn hai lần, kém cả người Tạng. Nữ vương Isabella trị vì vương quốc Castilla và León (nay là Tây Ban Nha) cũng chỉ tắm một lần khi mới chào đời và một lần trước hôn lễ. Tắm nhiều lắm là nữ hoàng Anh Elizabeth I (1533-1603) một lần một tháng hay vua John của nước Anh hẳn ba tuần một lần.
Châu Âu đã từng có những nhà tắm công cộng. Thời bấy giờ, nước sạch cũng hiếm, thời tiết cơ bản là lạnh, mùa đông còn có tuyết, hệ thống lò sưởi chẳng tối tân như bây giờ, nên tắm gội chẳng phải việc hấp dẫn gì nếu không có những thú tiêu khiển đi kèm. Nhà tắm công cộng (nam nữ tắm chung) lúc ấy không chỉ cung cấp nước tắm cho sạch người mà còn kèm thêm cả dịch vụ massage, cạo râu, đồ ăn, thức uống, âm nhạc...
Trong một bức tranh được vẽ từ thế kỷ XV ở Hà Lan, nhà tắm công cộng hiện lên như một chốn hoan lạc. Ở đó, nam nữ tắm chung tập thể trong những bồn tắm bằng gỗ, đồ ăn và rượu vang bày trước mặt, một nhạc công đang gảy đàn mua vui, ở góc phòng, các đôi nam nữ thoải mái chạm vào chỗ kín trên tấm thân trần truồng của nhau, còn ngoài cửa, hai vị chức sắc đang lấp ló đứng nhìn bằng ánh mắt kinh ngạc và giận dữ. Cũng bởi, đi tắm không chỉ nhằm mục đích vệ sinh thân thể. Nhiều nhà tắm tranh thủ tiếp thị cả các phòng có... giường nằm. Xung quanh khu vực nhà tắm, các nhà thổ cũng mọc lên phục vụ nhu cầu. Việc này khiến giáo hội nổi giận. Họ coi nhà tắm công cộng là nơi đồi bại, tắm là hành vi dâm dục và khuyên các tín đồ... bớt tắm đi để giữ cho thân thể thanh sạch.
Đến giữa thế kỷ XIV, dịch hạch lên đến đỉnh điểm và giết chết nửa dân số châu Âu. Quan điểm của các bác sĩ lúc bấy giờ là tắm nước ấm sẽ làm giãn nở lỗ chân lông, nhanh nhiễm bệnh. Sang thế kỷ XV, các bệnh lây qua đường tình dục lan tràn ở châu Âu. Giáo hội quy lỗi này cho các nhà tắm công cộng, tắm là mọi nguồn cơn gây ra những căn bệnh gớm ghê này. Cả giới khoa học và tăng lữ lúc ấy đều cho rằng tắm nhiều là nguồn cơn gây ra bệnh tật, kém tắm đi sẽ giúp cho cả cơ thể lẫn tinh thần đều... lành mạnh. Trời thì rét, nước thiếu, đã lười thì chớ, thấy khuyến cáo thế, chả ai thiết tắm nữa. Đám bình dân cứ để chấy rận đầy mình cũng được, còn giới quý tộc thì ngày thay cả chục bộ xiêm y cho bớt mùi. Nước hoa và tinh dầu vì thế được ưa chuộng. Thành thử đất nước của Louis XIV trở thành cường quốc nước hoa cho đến tận bây giờ.
Tuy nhiên, sau này, sự phát triển của thương mại và ngành công nghiệp quảng cáo đã giúp cho con người chăm tắm hơn. Các công ty sản xuất xà phòng, sữa tắm, dầu gội, nước cạo râu... thi nhau ca ngợi sự sạch sẽ và bài xích thói mất vệ sinh. Người châu Âu bắt đầu tắm trở lại và một khi đã tắm, họ không những coi đó là hành vi tẩy uế, làm sạch bản thân mà còn nâng lên thành sự hưởng thụ. Nhiều quốc gia vẫn duy trì thói quen tắm tiên. Chẳng cần tới những bãi biển vắng người mà ngay ở các bờ sông rực nắng đông người qua lại, họ vẫn có thể phơi thân hình nude 100% để tắm nắng. Ai nhìn người ấy thốn mắt.
Ở Phần Lan, dân bản địa đặc biệt thích sauna (tắm hơi). Phòng tắm hơi bằng gỗ nằm kế bên những căn nhà gỗ sồi giữa rừng là truyền thống từ bao đời nay của người Phần Lan. Họ sử dụng các thùng gỗ và cành cây bulo để tắm theo phương pháp cổ truyền. Khi mùa đông đến, khi tuyết phủ trắng cánh rừng, hơi lạnh ùa vào tận từng hơi thở, được ngồi trong phòng sauna ấm áp là một sự tận hưởng viên mãn.
Budapest còn một nơi để tắm độc nhất vô nhị là Széchenyi. Nhìn trên ảnh, Széchenyi trông giống như một tòa lâu đài. Sau khi mua tấm vé vào cửa 20 euro, tôi nhìn thấy một bể bơi ngoài trời mù mịt hơi nước nằm lọt thỏm giữa công trình kiến trúc Neo-Baroque, giống như thể bạn đang tắm ở sân giữa một cung điện. Những người đàn ông Hungary mặc quần tắm ngồi đánh cờ vua dưới bể bơi giữa trời mùa đông 5oC, còn những cô gái tóc nâu xinh đẹp vừa tán chuyện vừa nhấm nháp vại bia. Széchenyi được xây dựng từ năm 1913, là khu tắm nóng trị liệu lớn nhất châu Âu, nhờ thành phố này được xây dựng trên những dòng suối khoáng chảy ngầm trong lòng đất có nhiệt độ lên tới 77oC. Khi dẫn nước lên bể bơi ngoài trời, nhiệt độ của nó xuống còn 27-38oC. Không thể đếm được Széchenyi có bao nhiêu bể lớn nhỏ (có cái chỉ rộng chục mét vuông), nhưng nếu mỗi bể thử tắm vài phút thôi thì cũng mất cả tiếng đồng hồ.
Tắm Onsen khỏa thân
Người Nhật cũng nổi tiếng về chuyện tắm táp, đặc biệt là với hai khái niệm Onsen và Ofuro.
Onsen nghĩa là suối nước nóng. Nhờ vào những đứt gãy núi lửa, Nhật Bản có nguồn suối nóng khổng lồ với khoảng 150 suối nước nóng và 1.400 các nhánh suối nhỏ. Onsen thường được thiết kế lộ thiên để người Nhật có thể “hòa mình cùng thiên nhiên”, vừa tận hưởng dòng suối khoáng nóng, vừa trò chuyện và ngắm cảnh. Khách có thể tắm ở các dòng suối nóng ngoài trời, trong thùng gỗ, trong bể tắm lát gạch men trong nhà, nhưng phải tắm nude (nữ và nam riêng phòng, cũng vẫn có những nơi cho phép tắm chung phòng).
Lần đầu không biết, tôi mặc một bộ đồ tắm bên trong và khoác kimono ra ngoài. Nhưng lúc vào đến phòng tắm Onsen, vừa nhúng được nửa mình xuống nước đã thấy một bà phụ trách người Nhật lại gần nhắc nhở và ra hiệu phải... cởi sạch. Tôi kiên quyết không và lắc đầu bảo: “Văn hóa Việt Nam không cho phép không mặc gì ở nơi công cộng”. Bà ta không hiểu tiếng Anh nhưng cũng kiên quyết không kém rằng văn hóa Nhật Bản không cho phép được mặc gì khi vào phòng tắm Onsen. Sau tôi mới để ý thấy đúng như vậy thật. Các phụ nữ Nhật Bản, dù là trẻ măng hay đã bát tuần, cũng đều ngâm mình dưới nước trong bộ dạng của Eva. Họ nhìn tôi chỉnh tề đồ tắm với đôi mắt kinh ngạc và bất bình.
Khi tắm Onsen người ta không chuyển động, chỉ ngồi im một chỗ dựa lưng vào thành bể hay bờ suối. Vì vậy, những con người xa lạ không áo quần sẽ đối diện nhau trong một cái bể chật hẹp cả giờ đồng hồ. Nếu quen biết thì có thể vừa tắm vừa trò chuyện. Nếu tắm Onsen ở bờ suối ngoài trời thì sẽ còn phát ngại hơn nữa, vì nơi đó đông đúc và có cảm giác... tơ hơ giữa trời đất.
Khi tắm Onsen, người ta không còn khái niệm già trẻ, địa vị, đẳng cấp, giàu nghèo, xấu đẹp. Truyền thống này thể hiện sự hòa đồng giữa con người với thiên nhiên, giữa con người với nhau, không ai buồn quan sát người bên cạnh, vì từ nhỏ, người Nhật đã quen với cảnh này rồi. Vì thế, nếu bạn có một thân hình đồng hồ cát thì cũng chẳng có gì để khoe khoang ở chốn này và nếu bạn có vài khuyết tật trên cơ thể hay lớp da bụng đã phai tàn do tuổi tác thì cũng không phải tự ti, mặc cảm. Người Nhật sẽ khiến bạn cảm thấy rằng cơ thể con người là cao quý, sức khỏe là quan trọng nhất và mọi người đều đáng được trân trọng.
Còn Ofuro trong tiếng Nhật có nghĩa là “tắm bồn”. Nhưng cách tắm Ofuro lắm khi khiến người ngoại quốc sợ chết khiếp, vì các thành viên trong gia đình sẽ lần lượt dùng chung bồn tắm và thứ nước tắm ấy theo vai vế từ cao xuống thấp. Đầu tiên là người bố sẽ được tắm trước, sau đó đến người mẹ rồi những người con, con trai trước con dâu sau. Khách đường xa đến thăm nhà rồi nghỉ lại cũng có thể được... mời Ofuro. Tất nhiên khi tắm Ofuro, người ta không ngồi... kỳ cọ ở trong bồn ấy, mà phải tắm sạch xà phòng trước từ ở ngoài rồi mới được tắm lượt hai trong bồn gỗ. Vì vậy, Ofuro mang ý nghĩa ngâm bồn để tận hưởng là chính chứ không phải để tắm cho sạch.
Tắm trên dòng sông chết ở Kathmandu
Ở Kathmandu, có một điểm tham quan hơi kinh dị, đấy là khúc sông Bagmati chảy qua Pashupatinath, ngôi đền Hindu lớn nhất Nepal. Đây cũng là khu hỏa táng của người Kathmandu. Ai vừa đi qua sân đền là mùi cháy khét đã bắt đầu xộc lên mũi và xông tận đỉnh óc. Đó là một mùi khét quái lạ mà tôi chưa bao giờ kinh qua, mùi của thịt người nướng cháy.
Bagmati là dòng sông thiêng của người Nepal, không khác gì người Ấn sùng kính sông Hằng, nó nằm vắt ngang thung lũng, chia Kathmandu và Patan ra làm hai nửa. Tuy nhiên, sông thiêng vĩ đại trước mặt tôi đây chỉ là một con lạch tù đọng đục ngầu. Lòng sông hẹp chít lại ngay đoạn trên của ngôi đền, nơi đã bị cây cối và đá hộc chặn đứng khiến nước dòng chết lặng tại chỗ. Rải rác ở bậc dưới cùng của Ghat là bốn đống củi đang cháy đùng đùng. Màu đen kịt của củi báo hiệu cuộc đốt xác sắp kết thúc. Một thân nhân người chết lấy thanh gỗ để cời đống củi lên cho đượm, liền lộ ra một ống chân cháy xém. Khói thiêu người chết bốc lên bao phủ một khúc sông.
Theo tục lệ, thi thể người chết sẽ phải nhúng xuống nước sông Bagmati ba lần để được thoát kiếp. Con trai cả, người lĩnh trọng trách châm lửa vào giàn thiêu cũng phải tắm sông sau khi quá trình hỏa táng kết thúc. Còn gia đình, họ hàng người quá cố nếu không tắm sông thì cũng thi nhau dấp nước lên người để thứ nước sông mà khách nước ngoài vẫn cho là đục ngầu, chết chóc và mất vệ sinh kia làm thanh khiết cơ thể họ. Vào mùa hanh nắng, nước sông Bagmati chỉ cạn đến mắt cá chân. Hàng trăm người Hindu cả nam lẫn nữ lội xuống rồi hồ hởi vục đầu xuống nước để gội rửa và tắm táp, trên thân chỉ quấn mỗi mảnh sari, quần áo để hết trên bờ, bên những giàn thiêu đang rực đỏ.
Tôi từng xem một đoạn clip quay khúc sông Bagmati vào mùa nước lên. Một người đàn bà đang nằm ngửa trên mặt sông, để cơ thể trôi bồng bềnh trong nước. Bộ sari, tóc và cơ thể của bà ta ngập trong thứ nước kinh khủng đó, nhưng khuôn mặt thì toát lên vẻ mãn nguyện, sung sướng vì được thỏa thuê nhúng mình vào dòng nước thiêng. Vì thế, ai ghé đền Pashupatinath sẽ thấy trong không gian âm u ấy những cảnh tượng hết sức nhộn nhịp, đằng này có đám đang ngồi cầu nguyện, đằng kia người ta chuẩn bị hỏa thiêu cho một cái xác mới được đưa đến, dưới sông những người đàn bà đang tắm táp sau tang lễ, cạnh đấy là mấy đống củi cháy dở của một nhà đám khác. Người thiêu cứ thiêu, người tắm cứ tắm...
Ơ thì ra là có mỗi việc tắm thôi mà cũng lắm quan niệm đến thế. Chẳng phải, chân thiện mỹ cũng chỉ là những giá trị phiên phiến? Cớ sự tắm gội mà cũng nhiều chân lý dường kia cơ mà!
Nhà văn Di Li