Phát hiện mới về khả năng tồn tại của biến chủng Omicron
Biến chủng Omicron của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 được cho là có thể tồn tại lâu hơn trên bề mặt bằng nhựa và da so với các biến chủng trước kia.
Phát hiện 13 đột biến trên Omicron chống lại quy luật tiến hóa tự nhiên |
Dữ liệu thực tế đầu tiên về hiệu quả của mũi thứ 3 với siêu chủng Omicron |
Omicron được cho là dễ lây lan hơn các chủng khác của SARS-CoV-2 (Ảnh: EPA). |
Reuters dẫn nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của các nhà khoa học Nhật Bản mới đây cho biết, trên bề mặt bằng nhựa, thời gian tồn tại trung bình của Omicron là 193,5 giờ. Con số này cao hơn so với ở các chủng trước kia của SARS-CoV-2, cụ thể, thời gian tồn tại trung bình của chủng gốc là 56 giờ, của Alpha là 191,3 giờ, của Beta là 156,6 giờ, Gamma là 59,3 giờ và Delta là 114 giờ.
Trên các mẫu da của tử thi, trung bình thời gian sống sót của virus là 8,6 giờ đối với chủng gốc, 19,6 giờ đối với Alpha, 19,1 giờ đối với Beta, 11 giờ đối với Gamma, 16,8 giờ đối với Delta và 21,1 giờ đối với Omicron.
Trên da, tất cả các biến chủng này đều bị vô hiệu hóa sau 15 giây tiếp xúc với nước sát khuẩn có cồn. Do vậy, các nhà nghiên cứu kết luận rằng, việc vệ sinh, khử khuẩn thường xuyên theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới là biện pháp hiệu quả để kiểm soát đà lây lan của virus.
Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí bioRvix và hiện chưa có bình duyệt.
Biến chủng Omicron được phát hiện lần đầu tiên ở châu Phi hồi tháng 11/2021 và đã nhanh chóng lan ra hơn 150 quốc gia trên thế giới. Theo các nghiên cứu ban đầu, Omicron được cho là có khả năng lây lan cao hơn và dễ né miễn dịch hơn so với các biến chủng khác. Tuy nhiên, Omicron dường như gây triệu chứng ít nghiêm trọng hơn so với các biến chủng khác. Điều này làm dấy lên hy vọng đây có thể là khởi đầu để thế giới thoát đại dịch nhờ chiến lược tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19.
Theo Dân trí